Ngày 19/1, tưởng niệm trận hải chiến trên biển Đông, Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông với ca khúc “Trường Sa lương tri thế giới” Hằng năm đến ngày 19 tháng Giêng, người Việt trong xứ hay hải ngoại tưởng niệm trận hải chiến trên biển Đông năm 1974, cùng thắp nén hương tưởng nhớ những anh hùng vị quốc vong thân, đã nằm xuống vĩnh viễn nơi biển đảo biên cương của Tổ quốc. Trận hải chiến 40 năm về trước trên quần đảo Hoàng Sa, các chiến sĩ Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã kiên cường nối tiếp truyền thống cha ông chống giặc ngoại xâm, những con kình ngư lao mình trong lửa đạn, ngẩng cao đầu đạp lên triều sóng dữ, thề quyết tử bảo vệ từng tấc đất quê hương. Vẻ vang thay truyền thống trận Hàm Tử diệt Toa Đô, hùng khí thay sông Bạch Đằng nhấn chìm Ô Mã, chiến tích cha ông ta qua bao triều đại sáng ngời đến nghìn thu. Ngày xưa, vua Lê Thánh Tôn truyền xuống lời thề giữ nước ghi trong Đại Việt sử ký rằng: “Một tấc đất biên cương của Thái tổ để lọt vào tay giặc là có tội muôn đời với tổ tiên”. Qua bao triều đại Lý, Lê, Trần, Nguyễn, xã tắc có lúc cường, lúc nhược, song hào kiệt nước Nam đời nào cũng có trang tuấn kiệt, anh thư ra gánh vác giang sơn. Cho nên từ xa xưa, thế nước lòng dân chưa bao giờ đánh mất nền tự chủ cùng sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải. Ngày nay, những trang sử oai hùng đó vẫn nối tiếp truyền thống cha ông làm rạng rỡ thời đại chúng ta, không hổ thẹn với tiền nhân cùng quốc tổ. Tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm xưa trên biển Đông, là để ghi ơn mãi mãi về sự hy sinh bất khuất của những con người viết nên lịch sử Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng trong thời đại của chúng ta, là những anh linh của 74 tử sĩ Hải Quân QLVNCH bảo vệ chủ quyền lãnh hải mà gương hy sinh anh dũng của Hạm trưởng Ngụy văn Thà tuẫn tiết theo tàu, cùng anh hùng bất khuất Hạm phó Nguyễn Thành Trí trọng thương vẫn cố thủ dựng cờ chủ quyền trên biển đảo cho đến lúc kiệt tàn hơi thở. Những chiến hạm đi vào huyền thoại như Lý Thường Kiệt, Nhật Tảo, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư... ngày ấy quần thảo cùng quân thù trong chảo lửa Hoàng Sa, có chiếc nằm lại trên biển Đông mà từng lớp sóng triền miên xô nhau vỗ về qua thân xác như ru mãi ngàn năm chiến tích Chương Dương, Hàm Tử. Vào những ngày đầu năm Giáp Ngọ, dịp lễ tưởng niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa, có người bạn ở tiểu bang California gởi tặng tôi ca khúc “Trường Sa Lương Tri Thế Giới” của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông do Ban Hợp Ca Xuân Điềm thực hiện. Còn nhớ vào thời điểm biển Đông nổi sóng do quân bành trướng phương Bắc đe dọa xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam thì Cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ chống quân xâm lược, nhất loạt cử hành lễ tưởng niệm anh linh của 74 tử sĩ hải quân trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, làm dấy lên tinh thần quật khởi từ hải ngoại đến nhân dân trong nước, với quyết tâm lấy lại Hoàng Sa và kêu gọi lương tri thế giới cho sự bảo toàn biển đảo Trường Sa của Việt Nam nói riêng và vùng biển Đông nói chung của những quốc gia thuộc Đông Nam Á, trước mưu đồ xâm chiếm của Trung Quốc. Ca khúc “Trường Sa lương tri thế giới” do Ban Hợp Ca Xuân Điềm thực hiện ra đời trong hoàn cảnh đó, thôi thúc dấn thân, dâng mình cho Tổ quốc, làm lay động tình cảm lương tri toàn thế giới. Đẹp làm sao khi Tổ quốc gọi tên vào trận chiến đối mặt với quân thù và hào hùng thay khi muôn lòng một dạ cùng đứng lên đáp lời sông núi lúc lâm nguy! Nhớ linh xưa, kình ngư lướt sóng, Vạn Kiếp dọc ngang, hào khí ngất trời như đọng lại trong lời ca khúc Trường Sa lương tri thế giới: “Còn nghe sóng Bạch Đằng reo vang, còn nghe vó ngựa dồn Chi Lăng, trang sử vàng nghìn thu ngời sáng hồn quân Nam” Gương tiết liệt muôn đời ghi tạc, đấng hiếu trung sáng nghĩa nghìn thu, lời chính khí làm thức tỉnh quân xâm lược như sấm vang sét dậy trong ca khúc Trường Sa: “Trường Sa ơi! Đường ta đi chân lý rạng ngời trong tim. Tổ quốc là trên hết, qua bao triều đại hay chánh thể, dù chính kiến có khác nhưng muôn đời trách nhiệm bảo toàn chủ quyền đất nước vẫn là sứ mạng thiêng liêng chung của toàn dân tộc. Khi sóng gió biển Đông chưa tan cơn hung hãn và mộng bá quyền xâm lược còn ngấp nghé ngoài cửa ải biên cương hải đảo thì một ca khúc đánh động lương tri nhân loại là vũ khí cực kỳ hữu hiệu trong đấu tranh chống lại quân tham tàn cướp nước. Xin giới thiệu đến thân hữu gần xa Ban Hợp Ca Xuân Điềm với ca khúc “Trường Sa Lương Tri Thế Giới” và mong tất cả cùng góp tay phổ biến cho bay xa. Phan Anh Dũng
Nhạc và lời: Nguyễn văn Đông Hịch Lý Thường Kiệt: *** Tiếng sóng biển Đông lương tri thế giới. Còn nghe sóng Bạch Đằng reo vang, còn nghe vó ngựa dồn Chi Lăng, Trường Sa ơi! Đường ta đi chân lý rạng ngời trong tim. Hãy thắp sáng bằng lửa tim ta. Hãy đánh thức lời lẽ điêu ngoa, Hồn sông núi dáng đứng đất nước bên bờ biển Đông. Đã thấy rồi lòng dân hôm nay, đã thấy ngày bàn tay trong tay, Mời quý vị nghe và hát theo: "Trường Sa, Lương Tri Thế Giới"
> Bản nhạc (pdf) Nhớ lại 1974: TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA - HỒ VĂN KỲ THOẠI (Tài liệu lịch sử sau đây trích một phần từ chương 16, từ ngày 18/1/1974 tức một ngày trước khi xảy ra cuộc hải chiến Hoàng Sa, trong sách “CAN TRƯỜNG TRONG CHIẾN BẠI” của tác giả Hồ Văn Kỳ-Thoại xuất bản năm 2007. Ông nguyên là Phó Đề Đốc Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải, Quân khu I, Việt Nam Cộng Hoà, từ năm 1970 đến năm 1975.) Mười giờ sáng ngày 18 tháng 1, trung tá San, hạm trưởng khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) cho toán đổ bộ lên bờ gồm một trung úy và mười ba đoàn viên để thám sát đảo Cam Tuyền vì thấy có chiến hạm Trung Cộng thả trôi gần đó. Toán này cắm cờ Việt Nam khi lên tới đảo. Chiều ngày hôm đó, tình hình tại Hoàng Sa càng thêm căng thẳng. Các chiến hạm hai bên chạy kế bên nhau và chĩa súng vào nhau. Ngày hôm sau, tôi liên lạc điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân tại Sàigòn để hỏi vị trí các đơn vị của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Đại tá Kiểm, giám đốc Trung tâm hành quân Hải Quân, theo dõi và thông báo cho tôi kịp thời mọi tin tức về phía Hoa Kỳ và xác nhân rằng các chiến hạm Hoa Kỳ ở rất gần các vị trí chiến hạm Việt Nam. Ông nói với tôi: “Cứ yên trí.” Tôi nói với đại tá Kiểm rằng tôi không biết việc gì sắp xảy ra, có lẽ chỉ yêu cầu chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội cứu vớt thủy thủ Việt Nam nếu có tổn thất. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ can thiệp vào chiến trận. Sáng ngày 19, tôi và đại tá Ngạc ở thường xuyên trên hệ thống âm thoại. Đến khoảng 10 giờ sáng, các chiến hạm Trung Cộng vẫn không thay đổi vị trí và bám sát chiến hạm Việt Nam. Tôi nhắc đại tá Ngạc chỉ thị là nếu dùng tín hiệu mà chiến hạm Trung Cộng không thi hành thì nhớ bắn trước mũi tàu họ trước chớ đừng bắn trúng họ. Đại tá Ngạc trả lời với tôi là không thể bắn dọa được vì các chiến hạm đôi bên đang ở vị trí quá gần nhau và ở thế “cài răng lược” tức là bạn địch ở vị trí xen kẻ với nhau, nếu tác xạ có thể trúng bạn. Tôi với đại tá Ngạc bàn đi bàn lại nhưng không biết phải làm thế nào và rồi tôi chỉ nói với đại tá Ngạc là khi tình hình quá căng thẳng thì mình phải khai hỏa trước để giảm thiểu thiệt hại. Đại tá Ngạc đồng ý với tôi là chiến hạm Việt Nam phải khai hỏa trước. Tôi nhắc thêm đại tá Ngạc: “Anh nhớ hãy chỉ thị cho tất cả chiến hạm khai hoả cùng một lúc khi anh bắt đầu khai hoả!” với mục đích phân tán sự phản pháo của địch. Đại tá Ngạc trả lời: “Nhận rõ 5 trên 5.” Tâm trạng bồi hồi, một cảm giác mà tôi không bao giờ quên, nhưng vì không rõ vị trí của từng chiến hạm, qua máy âm thoại, tôi nói tiếp: “Tùy nghi khai hỏa khi nào anh sẵn sàng!” Vài phút sau, tiếng nổ chát chúa của các hải pháo vang dội trong máy truyền tin, dường như đại tá Ngạc hoặc nhân viên truyền tin cố tình bấm nút “on” để tôi có thể nghe, làm tôi vừa hãnh diện cho Hải Quân Việt Nam vừa lo sợ cho Hải Đội của đại tá Ngạc. Giọng đại tá Ngạc rất là bình tĩnh và nhà binh: “Báo cáo đã bắt đầu khai hoả!” Tôi trả lời ngay: “Tôi nghe tiếng súng rồi anh Ngạc”, và sau đó là một sự yên lặng trong khoảng năm mười phút, nhưng đối với tôi nó kéo dài như hằng giờ. Toán đổ bộ của HQ 16 trên xuồng cao su đang chèo ra khơi thì trận hải chiến bắt đầu, thình lình một tiếng nổ lớn vang rền, nhìn kỹ thì họ thấy đó là một tàu Trung Cộng bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Cả toán reo lên và vị trung úy chỉ huy kêu gọi cả toán cùng hát bài: “Việt Nam, Việt Nam!” Sau một thời gian mất liên lạc vô tuyến, đại tá Ngạc bắt đầu báo cáo tổn thất cả đôi bên. Về phía tàu Trung Cộng thì một chiến hạm bị bốc cháy và khi bỏ chạy bị rướn lên đá san hô. Về phần Hải Quân Việt Nam thì chiếc hộ tống hạm Nhựt Tảo bị trúng đạn ngay đài chỉ huy. Hạm trưởng bị tử thương và chiến hạm đang bốc cháy. Chiếc Lý Thường Kiệt cũng bị trúng đạn hải pháo bắt đầu nghiêng một bên. Đại tá Ngạc cho biết tình trạng chiếc Nhựt Tảo rất nguy ngập. Tôi chỉ thị nếu có thể được thì cho chiếc nầy chạy thẳng và ủi vào bờ để ít nhứt xác tàu là một chứng cớ chúng ta bảo vệ hải đảo. Tại chỗ chiếc Nhựt Tảo chìm thì một số thủy thủ đang lềnh bềnh trên mặt nước, người thì đeo phao, người thì bám vào tất cả những gì đang nổi trên mặt nước. Dã man nhứt là khi một số thủy thủ thuộc chiến hạm Nhựt Tảo đa số bị thương, bị tàu Trung Công bất chấp quy lệ về hải chiến tiếp tục bắn xối xả vào các chiếc bè, rất may chỉ có một nhân viên bị thương nhờ tất cả nằm sát xuống bè để tránh đạn. Tôi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân tại Sàigòn để xin cố vấn Hoa Kỳ can thiệp với Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ đến nơi để cứu vớt các thủy thủ Việt Nam đang bị nạn. Mãi đến mấy ngày sau, chiến hạm Mỹ vẫn không đến mặc dù các thủy thủ đang trôi trên biển trong hải phận quốc tế. Điều đó cho thấy là họ không muốn tham dự vào vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng và hơn thế nữa họ cũng không có một hành động gì dù là một hành động nhân đạo. Tôi thấy tình hình sau đó trở nên bi đát ví như châu chấu đá voi, tới không được mà lùi cũng chết. Giải pháp duy nhứt mà một cấp chỉ huy tối thiểu phải làm là xin tăng viện. Bộ Tư Linh tăng phái thêm cho vùng I Duyên Hải hai chiến hạm nữa là tuần dương hạm Trần Quốc Toản (HQ 6) và hộ tống hạm Chí Linh (HQ 11). Trận hải chiến thật sự chỉ kéo dài hơn ba mươi phút. Khi phi cơ của Đô đốc Chơn và sĩ quan tùy viên của ông chạm đất tại phi trường Đà Nẳng thì trận hải chiến đã coi như kết thúc. Chiến hạm Việt Nam không đuổi theo tàu địch mà chiến hạm Trung Cộng cũng không đuổi theo chiến hạm Việt Nam. Trớ trêu nhứt là 23 thủy thủ Việt Nam trôi dạt trên biển được tàu Skopionella của hãng Shell mang quốc kỳ Hòa Lan vớt, ngay sau trận hải chiến. Thương thuyền này đang trên đường từ Hong Kong đi Singapore. Trên tàu, các phu nhân của thuyền trưởng và thuyền phó chăm sóc các thủy thủ lâm nạn hết sức tận tình và tặng một số quà cho mỗi thủy thủ khi họ được giao lại cho đơn vị của Hải Đội I Duyên Phòng thuộc Vùng I Duyên Hải. Lúc ấy các nhân viên Hải Quân tham chiến đặt câu hỏi ai là “đồng minh” của ai? Sáng sớm ngày 20 tháng 1, một hải đội tiếp viện hùng hậu của Trung Cộng trên mười chiến hạm bắt đầu đổ quân lên bờ tràn ngập hai đảo Cam Tuyền và Hoàng Sa. Toán đổ bộ của khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) trên đảo Cam Tuyền cũng như nhân viên Đài khí tượng, địa phương quân và biệt hải trên đảo Hoàng Sa bị bắt làm tù binh, tổng cộng 43 người được đưa về tỉnh Quảng Châu, Trung Cộng. Viên cố vấn Hoa Kỳ đi theo chiến hạm cũng được đưa đi Trung Hoa Lục Địa. Tất cả được trao trả lại cho chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà, qua Hồng Thập Tự Quốc Tế, sau 27 ngày bị giam giữ nhưng họ được đối xử tương đối nhân đạo. Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh được cử sang Hong Kong để tiếp nhận. Sự hiện diện của người Mỹ nói trên là một sự bối rối cho chánh phủ Hoa Kỳ kể cả chánh phủ Trung Cộng. Tại tân cảng Tiên Sa (hải cảng sâu), trong khi chờ chiến hạm Lý Thường Kiệt cập bến đưa thương bịnh binh về Đà Nẵng, tôi nói với đô đốc Chơn: “Tư Lịnh, sao tôi có linh tính là Mỹ sẽ bỏ Việt Nam, nếu không tại sao họ biết Hoàng Sa là của Việt Nam mà đài khí tượng tại đó đã được quốc tế công nhận từ mấy chục năm nay, mà ngày giờ nầy họ tuyệt đối yên lặng để Trung Cộng cưỡng chiếm. Phải chăng là trước khi bỏ miền Nam, họ không muốn Hoàng Sa lọt vào tay Nga Sô?” Đô Đốc Chơn, một tướng lãnh hết sức hiểu biết nhưng dè dặt trong mọi việc, khi nghe tôi nói ông lặng thinh một hồi rồi trả lời: “Tôi không nghĩ như vậy.” Rồi ông xoay qua đề tài khác. Khi chiến hạm Lý Thường Kiệt cập vào cầu tàu của tân cảng tại Tiên Sa, thì một cảnh tượng hết sức đau buồn diễn ra khi các băng ca đưa các nhân viên bị tử thương cũng như bị thương được đưa lên các xe cứu thương. Sự tổn thất của đôi bên gồm: Hải Quân Trung Cộng: Hải quân Việt Nam Cộng Hòa: Vào tháng 2 năm 1999, sau 25 năm mất liên lạc với nhau từ trận chiến Hoàng Sa, tôi có dịp sắp đi công tác tại Dallas thuộc tiểu bang Texas, tôi sực nhớ nghe nói đại tá Ngạc đang cư ngụ tại Dallas. Tôi hỏi thăm số điện thoại và liên lạc nói chuyện với đại tá Ngạc. Qua điện thoại tôi nói nguyên văn như sau: “Tôi rất mừng tìm được anh sau bao nhiêu năm chúng ta xa cách. Mỗi người nhìn sự việc xảy ra tại Hoàng Sa khác nhau, chỉ tôi và anh thấu rõ hoàn cảnh lúc bấy giờ, sự khó khăn của cấp chỉ huy trực tiếp chịu trách nhiêm trên mặt pháp lý cũng như quân sự. Tôi cám ơn anh giúp tôi thi hành trách nhiệm của tôi lúc bấy giờ trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Anh là một anh hùng trong lịch sử hải chiến.” Đại tá Ngạc bằng một giọng bình thản trả lời tôi qua điện thoại từ Dallas: “Đã là ở trong quân ngũ, đô đốc là cấp chỉ huy chiến thuật mà tôi thấy đô đốc lúc đó cần tôi và tin tôi, đó mới là điều quan trọng, tôi cố gắng làm tối đa cái gì tôi làm được nhưng hậu quả nhiều khi mình không biết trước được.” Niềm an ủi của tôi là được nói những gì tôi muốn nói với đại tá Ngạc từ Tết năm 1974, hai mươi lăm năm về trước. Sự hy sinh của các thủy thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước toà án quốc tế, để đòi hỏi Trung Cộng phải giao trả các đảo này cho Việt Nam. Sau này, rất nhiều báo chí sách vở bình luận về hải đảo Hoàng Sa và trận hải chiến và phê phán nhiều, kẻ kể công người buộc tội, riêng tôi thì chúng ta không nên quên là dù chúng ta có bốn thủy thủ đoàn can trường tham gia cuộc hải chiến nhưng các chiến hạm của ta vừa cũ kỷ (từ Đệ Nhị Thế Chiến) không có đầy đủ vũ khí tối tân, kể cả đầy đủ phương tiện cấp cứu và cũng không có một lực lượng trừ bị để tăng cường khi cần. Việc súng bất khiển dụng bất thần hoặc đạn bạn bắn trúng bạn là chuyện không sao tránh khỏi trong mọi chiến trận dù là trên đất liền, trên không trung hay trên mặt biển trong lúc chạm địch. Đại tá Hà Văn Ngạc, vị hải đội trưởng trầm lặng, các hạm trưởng Nguỵ Văn Thà, Vũ Hữu San, Phạm Trọng Quỳnh, Lê Văn Thự cùng thủy thủ đoàn cũng như các người nhái và biệt hải tham dự trận Hoàng Sa xứng đáng là những anh hùng của Quân Lực Việt Nam. Tinh thần yêu nước không cần được biểu lộ bằng những lời tuyên bố mát tai của những chính trị gia, mà được biểu lộ một cách cảm động và hùng hồn nhất, bởi những thủy thủ của toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 19 tháng giêng năm 1974 tại Hoàng Sa trên xuồng cao su, khi 15 chiến sĩ hải quân can trường đồng ca bài “Việt Nam, Việt Nam” khi thấy chiến hạm Trung Cộng bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Bài hát này cũng là bài hát cuối cùng của hạ sĩ Nguyễn văn Duyên, vì sau mười ngày trên biển cả, ngày thì nóng cháy da, đêm thì lạnh thấu xương, hết lương thực, hết nước uống, đuối sức, anh Duyên đã trút hơi thở cuối cùng khi trôi dạt về tới Qui Nhơn...
> Mời xem: Phỏng Vấn Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (youtube) Hoa Thịnh Đốn: Lễ Tưởng Niệm 40 Năm Trận Hải Chiến Hoàng Sa
Hiện diện có hơn ba trăm quan khách tham dự, trong đó có Trung Tướng Lữ Lan, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Hoà Thượng Thích Tâm Thọ, Linh Mục Hoàng Văn Thiên, Chánh xứ Nhà Thờ Các Thánh tử đạo ở Arlington, VA, các Đạo hữu thuộc Giáo Hội Cao Đài Hải Ngoại, HQ Đại Tá Ngô Khắc Luân, Niên trưởng Bùi Ngọc Hương, Hàng Hải Thương Thuyền, HQ Đại Tá Bùi Cửu Viên, HQ Đại Tá Đặng Trần Du, HQ Đại Tá Bùi Hữu Thư, Ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch CĐVN/HTĐ, MD&VA, Tiến sĩ Tạ Cự Hải, Chủ tịch LHCCS/VNCH/HTĐ & Phụ Cận, nhiều quân nhân các Quân Binh Chủng của QLVNCH như Gia Đình Mũ Đỏ, Thủy Quân Lục Chiến, Cảnh Sát Quốc Gia, Xây Dựng Nông Thôn, Hội Cựu sinh viên sĩ quan Thủ Đức, Hội cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị Quốc Gia… cùng rất nhiều niên trưởng và quân nhân Hải Quân, các chị trong Hội Bà Mẹ VN, Gia đình nữ sinh Trưng Vương, Hội “Cư An Tư Nguy” (Gia đình cựu Sinh Viên Trừ Bị Thủ Đức), các chị Hội Phụ nữ Lâm Viên… (Gia đình cựu Sinh Viên SQ Võ Bị Quốc Gia Việt Nam). Mở đầu, linh vị 74 anh hùng tử sĩ Hải Quân được các quân nhân Hải Quân trong quân phục trắng và quốc phục Việt Nam trang trọng rước lên an vị trên bàn thờ. Trên bàn thờ có 74 ánh nến lung linh tương trưng cho anh linh của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận Hải Chiến Hoàng Sa. Sau nghi lễ chào quốc kỳ rất trang nghiêm, ông Nguyễn Văn Thành, Hội trưởng hội Hải Quân & Hàng Hải Miền Đông Hoa Kỳ, kiêm Trưởng Ban tổ chức Lễ Tưởng Niệm chào mừng quan khách và ông nói, trận hải chiến khốc liệt Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 là niềm hãnh diện không riêng của quân chủng Hải Quân VNCH mà là của dân tộc Việt Nam. Mặc dù so sánh tương quan lực lượng thì Hải Quân VNCH chống lại Hải quân Trung Cộng là “châu chấu đá voi” nhưng châu chấu đã đá voi đến hơi thở cuối cùng! Sự chiến đấu anh dũng đó thể hiện lòng quyết tâm bảo vệ vẹn toàn lảnh thổ của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này, ông xin phép tất cả cùng tưởng niệm đến các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vị quốc vong thân." > Mời đọc: toàn bài tường thuật (nguồn: website VietDC.org)
Posted by http://cothommagazine.com/ on April 12, 2014 at 03:38:20:
|