Vài chi tiết về địa lý và lịch sử của Hoàng Sa và Trường Sa

    [history-hoangsatruongsa]

    Vài chi tiết về địa lý và lịch sử của Hoàng Sa và Trường Sa

    Wednesday, February 06, 2008

    * Vann Phan tổng hợp


    LTS.- Bài viết dưới đây là phần tổng hợp tài liệu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các tác giả Nguyễn Hữu Thống và Nguyễn Nhã. Tài liệu của Luật Sư Nguyễn Hữu Thống được lấy từ trang Diễn Ðàn của Nhật Báo Người Việt, số ra ngày 10 Tháng Giêng năm 2008, và tài liệu của Tiến Sĩ Nguyễn Nhã được trích từ luận án tiến sĩ ngành sử học của ông tại Ðại Học Tổng Hợp Sài Gòn, năm 2002, dưới nhan đề “Quá Trình Xác Lập Chủ Quyền của Việt Nam tại Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa”.


    Hoàng Sa và Trường Sa theo tác giả Nguyễn Hữu Thống

    Quần Ðảo Hoàng Sa

    Theo tác giả Nguyễn Hữu Thống, Quần Ðảo Hoàng Sa gồm 13 đảo san hô nhỏ trên Biển Ðông (vẫn thường được gọi là Biển Nam Hoa, trong tiếng Anh là South China Sea), tại các vĩ tuyến 17, 16 và 15 Bắc vĩ độ, nằm ở phía Ðông các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi của Việt Nam.
    Tất cả 7 đảo phía Ðông Bắc thuộc Nhóm Tuyên Ðức (Amphitrite), trong đó có Ðảo Phú Lâm (Woody Island) hình bầu dục, diện tích 1.3km2, bằng một công viên nhỏ. Ðảo này được kể là đảo lớn nhất trong cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Còn 6 đảo phía Tây Nam thuộc Nhóm Nguyệt Thiềm (Crescent), trong đó có Ðảo Hoàng Sa (Pattel) rộng 0.56km2 và bằng 1/1,000 đảo Phú Quốc.

    Quần Ðảo Trường Sa

    Cũng theo Nguyễn Hữu Thống, Quần Ðảo Trường Sa bao la (180,000 dặm vuông), rộng gấp 10 lần Quần Ðảo Hoàng Sa, nhưng chỉ gồm có 9 đảo nhỏ, có hình thù hẳn hoi, trải dài từ vĩ tuyến 12 cho tới vĩ tuyến 7 Bắc vĩ độ, phía Ðông từ Cam Ranh chạy về mạn Nam Cà Mau. Tuy vậy, tính chung, toàn thể quần đảo Trường Sa có tới 500 đảo, cồn, đá nổi, đá chìm, cao địa, bãi ngầm... có hoặc không có tên gọi, nằm rải rác trên một vùng biển từ mé phía Ðông (giáp vùng lãnh hải Việt Nam) sang tới mé phía Tây (giáp vùng lãnh hải Phi Luật Tân). Trên quần đảo này không có thường dân cư ngụ và không tự túc được về kinh tế.
    Khác với Hoàng Sa, Quần Ðảo Trường Sa là nơi tranh chấp đất đai và vùng biển của nhiều quốc gia Á Châu, trong đó có Trung Quốc, Ðài Loan, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á và Brunei - quốc gia này chỉ thiết lập một khu vực đánh cá trùng lắp với các bãi đá ngầm ở mạn Nam quần đảo). Việt Nam hiện chiếm 3 đảo: Trường Sa (Spratly, diện tích 0.13km2), Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sincowe). Phi Luật Tân chiếm 5 đảo: Bình Nguyên (Flat), Vĩnh Viễn (Nanshan), Bến Lộc (West York), Loại Tá (Loaita), và Thị Tứ (Thitu). Ðài Loan chiếm Ðảo Thái Bình (Itu Aba). Trung Quốc chiếm 2 đá nổi là Ðá Chữ Thập (Fiery Cross) và Ðá ga Ven (Gaven) cùng 6 đá chìm, tổng cộng 8 đơn vị.
    Ngoài 3 đảo, Việt Nam còn chiếm 3 cồn là An Bang (Amboyna), Song Tử Tây (South West) và Sơn Ca (Sand) cùng với 7 đá nổi, 9 đá chìm và bãi ngầm, tổng cộng 22 đơn vị. Ngoài 5 đảo, Phi Luật Tân còn chiếm 3 cồn, 2 đá nổi và 8 đá chìm, tổng cộng 18 đơn vị.

    Hoàng Sa và Trường Sa theo tác giả Nguyễn Nhã

    Quần Ðảo Hoàng Sa

    Theo tác giả Nguyễn Nhã, Quần Ðảo Hoàng Sa nằm trong một vùng biển rộng khoảng 15,000km2, giữa kinh tuyến 11 độ Ðông đến 113 độ Ðông (rộng khoảng 95 hải lý), và từ vĩ tuyến 17 xuống tới vĩ tuyến 15 Bắc vĩ độ (khoảng 90 hải lý). Chung quanh quần đảo này là vùng biển có độ sâu hơn 1,000 mét, nhưng giữa các đảo thì độ sâu của biển thường dưới mức 100 mét.
    Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang mức với bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Về khoảng cách với đất liền, quần đảo này nằm gần đất liền Việt Nam hơn cả: Từ Ðảo Tri Tôn đến Mũi Ba Làng An (Cap Batangan) chỉ cách có 135 hải lý và cũng từ Ðảo Tri Tôn đến Cù Lao Ré chỉ có 123 hải lý. Trong khi đó, khoảng cách từ đảo gần nhất trong Quần Ðảo Hoàng Sa - tức là từ Ðảo Patte (Hoàng Sa) - tới các đảo Ling-Sui hoặc Leong Soi (phía Nam Ðảo Hải Nam của Trung Quốc) ít nhất cũng có đến 235 hải lý.
    Các đảo chính tại Hoàng Sa thuộc 2 nhóm: Nhóm Lưỡi Liềm (Crescent Group) ở Tây Nam, Nhóm An Vĩnh (Amphitritie Group) ở Ðông Bắc, và Nhóm Linh Côn ở phía Ðông.

    1. Nhóm Lưỡi Liềm (Crescent Group), còn gọi là Trăng Khuyết hay Nguyệt Thiềm có hình giống chiếc bánh croissant với 6 đảo chính và vô số mỏm đá:
    - Ðảo Hoàng Sa (Pattle hoặc Shanhu Dao) hình bầu dục, diện tích 0.3km2 (30ha), với bề dài 900 mét và bề rộng 700 mét. Ðảo này giữ vị trí quân sự quan trọng nhất trong việc phòng thủ bờ biển Việt Nam dù không phả là đảo có diện tích lớn nhất trong nhóm. Trước ngày 19 Tháng Giêng năm 1974 -là lúc quân Trung Cộng (Cộng Sản Trung Quốc) chiếm quần đảo này- Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã xây dựng căn cứ quân sự, nhà cửa, đài khí tượng, hải đăng, miếu thờ Bà, cầu tàu, bia chủ quyền...
    Cho đến ngày bị Trung Cộng xâm chiếm, bia chủ quyền vẫn còn dòng chữ như sau: “Républic Francaise - Empire d'Annam - Archipel des Paracels”. Phía Ðông Bắc của đảo vẫn còn vài ngôi mộ binh lính thời nhà Nguyễn. Phía Tây Nam đảo còn có một am thờ gọi là Miếu Bà với một bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Ðài Khí Tượng, gọi là “Station d'Observation 838,” chính thức hoạt động từ năm 1938 với nhân viên thuộc Ty Khí Tượng Hoàng Sa của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa được đưa đến đảo làm việc. Từ năm 1931 đến 1975, thường xuyên có một đội lính từ Quảng Nam (Trung Phần Việt Nam) ra trấn giữ đảo. [Vào Tháng Giêng năm 1974, một trung đội Ðịa Phương Quân thuộc Chi Khu Hòa Vang, Tiểu Khu Quảng Nam, giữ nhiệm vụ phòng thủ đảo này. Ngoài một số ít hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Cộng xâm lấn đảo, số còn lại đều bị bắt làm tù binh và bị đưa về giam tại lục địa Trung Quốc, sau đó được trả tự do.]
    - Ðảo Hữu Nhật (Robert), còn gọi là Canquan Dao hoặc Cam Tuyền, mang tên suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật là người đến đo đạc Hoàng Sa hồi năm 1836 dưới triều Minh Mạng (nhà Nguyễn). Từ Tháng Ba đến Tháng Tám hằng năm, bãi biển đảo này đầy những con vích từ biển kéo lên bờ đẻ con.
    - Ðảo Duy Mộng (Drummond), còn gọi là Jinquing Dao. Ðảo có nhiều chim yến và con vích đến sinh sống.
    - Ðảo Quang Hòa Ðông (Duncan), còn gọi là Chenhang Dao, là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, với diện tích 0.48km2 (48ha) và chu vi 2,700m, chung quanh đầy cát vàng (Hoàng Sa).
    - Ðảo Quang Hòa Ðông nằm kế bên Quang Hòa Tây, diện tích 0.09km2 (9ha) và chỉ nhỏ bằng 1/10 đảo Quang Hòa Ðông.
    - Ðảo Quang Ánh (Money Island), còn gọi là Jinyin Dao hoặc Kim Ngân, được vây quanh bằng những bãi đá ngầm sắc nhọn nên tàu lớn không thể bỏ neo được. Ðảo này mang tên Phạm Quang Ánh, một đội trưởng Hoàng Sa có công đo đạc đảo hồi năm 1815, dưới triều Gia Long (nhà Nguyễn).
    Ngoài 6 đảo trên, cũng thuộc nhóm Lưỡi Liềm, còn có 4 đảo nhỏ - Ba Ba(hoàn Thử), Ốc Hoa (Toàn Phủ), Lưỡi Liềm (Crescent Island hoặc Ðảo Thạch), và Xà Cừ-và các mỏm đá - Ðá Hải Sâm (Antelope Reef), Ðá Lồi (Discovery Reef hoặc Yuzhuo Jiao), Ðá Chim Yến (Vuladdore Reef), và Ðá Bạch Qui (Passu Keah hoặc Panshi Yu).

    2. Nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group) bao gồm các đảo tương đối lớn và cao nhất trong Quần Ðảo Hoàng Sa và cũng là quần đảo sơn hô lớn nhất trên Biển Ðông (South China Sea).
    Ðảo lớn nhất trong nhóm là đảo Phú Lâm (Woody Island), còn gọi là Yongxingdao. Phú Lâm cũng là đảo lớn nhất trong Quần Ðảo Hoàng Sa, nằm ở tọa độ 112.20 Ðông kinh tuyến và 16.50 Bắc vĩ tuyến, với bề dài 3,700m và bề rộng 2,800m. Trên đảo cây cối mọc um tùm (kể cả cây dừa) nên đảo có tên gọi là Phú Lâm. Ðảo được phủ một lớp phân chim đen rất dày do có vô số chim yến bay đến đây sinh sống. Ðây là đảo duy nhất từ xa có thể nhìn thấy được. Trên đảo có cầu tàu lớn, sân bay, đài kiểm báo và nhiều phương tiện quân sự khác.
    Ngoài ra, trong nhóm An Vĩnh còn có Ðảo Cây Tre (Tree Island hoặc Zhaoshu dao), Ðảo Bắc (North Island hoặc Beidao), Ðảo Nam (South Island hoặc Nandao), Ðảo Giữa (Middle Island hoặc Zhongdao), Ðảo Ðá (Rocky Island). Cũng thuộc nhóm đảo An Vĩnh còn có các cồn, như Cồn Cát Tây (West Sand hoặc Xi Shazhou) và Cồn Cát Nam (South Sand hoặc Nan Shazhou).

    3. Nhóm Linh Côn nằm ở cực Ðông của Quần Ðảo Hoàng Sa bao gồm những đảo nhỏ, không quan trọng. Ðảo lấy tên một chiếc tàu bị lâm nạn nơi đây vào hồi đầu thế kỷ 20.
    Ðảo chính nơi đây là Linh Côn, có diện tích chừng 1, 6km2, là đảo có nước ngọt và có vùng san hô bao quanh. Phía Tây nhóm đảo Linh Côn có Ðá Tháp (Pyramid Island), Bãi Thủy Tề (Neptuna bank hoặc beibianlang). Về phía Nam và Tây Nam, có bãi Quảng Nghĩa (Jehangir Bank hoặc Zhanhan tan), Bãi Bồng Tan, Bãi Ốc Tai Voi (Herald bank), và Bãi La Mác. Ở cực Nam của Nhóm Linh Côn là Ðảo Tri Tôn (Triton Island hoặc Zhongjian Dao) với nhiều hải sản và san hô đủ màu.

    Quần Ðảo Trường Sa

    Theo tác giả Nguyễn Nhã, người Pháp gọi Quần Ðảo Trường Sa là Archipel des Iles Spratly, trong khi người Anh và Mỹ gọi là Spratley Islands hoặc Spratlies. Trung Quốc gọi quần đảo này là Nam Sa (Nansha) hoặc Nan Wei Quần Ðảo. Phi Luật Tân gọi quần đảo này là Kalayann. Nhật Bản gọi quần đảo này là Shinnan Guto. Quần Ðảo Hoàng Sa nằm cách Quần Ðảo Hoàng Sa 350 hải lý và cách các thành phố trên bờ biển Việt Nam như Vũng Tàu 305 hải lý, Cam Ranh 250 hải lý, Phú Quốc 240 hải lý và Phan Thiết 270 hải lý.
    Quần Ðảo Trường Sa trải dài từ vĩ tuyến 6 đến vĩ tuyến 11 Bắc vĩ độ và từ kinh tuyến 112 đến 115 Ðông kinh độ trong một vùng biển rộng từ 160,000 tới 180,000km2. Vùng biển này tuy rộng nhưng diện tích các đảo, đá và bãi nổi lên khỏi mặt nước lại rất ít, tổng cộng khoảng 11km2.
    Bản thống kê của Việt Nam (Cộng Sản Việt Nam) hồi năm 1988 cho biết quần đảo này bao gồm 137 đảo, đá, và bãi - không kể 5 bãi ngầm (Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Ðường, Phúc Nguyễn, và Từ Chính) thuộc thềm lục địa Việt Nam. Theo bản thống kê của Pháp hồi năm 1933, Quần Ðảo Hoàng Sa gồm 9 đơn vị chính cùng các đảo, đá và bãi phụ cận. Phi Luật Tân thì liệt kê đến 53 đơn vị gồm các đảo và cù lao trong một khu vực 976 dặm vuông.
    Tuy nhiên, căn cứ vào bản đồ vẽ năm 1979 của Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam (Cộng Sản Việt Nam) thì, từ Bắc xuống Nam, Quần Ðảo Trường Sa gồm 9 cụm đảo chính:
    1. Cụm đảo Song Tử gồm 2 đảo, 2 đá và 2 bãi. Hai đảo là Ðảo Song Tử Ðông (Northeast Cay, mà Trung Quốc gọi là Pei Zi Dao hoặc Pei-tzu Tao, và Phi Luật Tân thì gọi là Parola Island) và Song Tử Tây (Southwest Cay, mà Trung Quốc gọi là Nan Zi Dao hoặc nan-tzu Dao), và Phi Luật Tân thì gọi là Pugad Island). Ðây là hai hòn đảo nằm sát bên nhau ở mé cực Bắc của quần đảo, ngang vĩ độ với Phan Rang (Ninh Thuận). Từ thế kỷ 17, các đội Bắc Hải gồm các suất đinh từ tỉnh Bình Thuận dưới thời các vua, chúa Việt Nam đã ra tuần thám Quần Ðảo Trường Sa.
    Ðảo Song Tử Ðông có hình tròn, bề dài 900m và bề rộng 250m (diện tích gần 20 mẫu Anh). Ðảo có cao độ 3 mét với nhiều bãi cát và san hô chung quanh với nhiều cây cối, kể cả dừa. Năm 1963, Việt Nam Cộng Hòa có dựng một bia chủ quyền trên đảo. Nhưng Phi Luật Tân đã cho quân chiếm đảo từ năm 1968. Ðảo Song Tử Tây hình lưỡi liềm, có bề dài 700m và bề rộng 300m. Ðảo này tuy nhỏ hơn Song Tử Tây nhưng lại có nước ngọt và nhiều loại cây cỏ, trong đó có dừa. Trên đảo còn có một đài ra-đa thời Việt Nam Cộng Hòa. Hiện nay, Quân Ðội Nhân Dân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang trấn giữ hòn đảo này.
    Cụm đảo Song Tử còn có Ðá Bắc (North Reef), Ðá Nam (South Reef), các bãi cạn Ðinh Ba và bãi Núi Cầu (mà Trung Quốc gọi là Lys Shoal hoặc Lesi Ansha, và Phi Luật Tân thì gọi là Bisugo Shoal).

    2. Cụm đảo Thị Tứ nằm ở phía Nam cụm Song Tử, gồm đảo Thị Tứ và các bãi đá. Ðảo Thị Tứ (Thi Tu Island) -mà Trung Quốc gọi là Zhong Ye Dao hoặc Chung-Ye Tao, và Phi Luật Tân thì gọi là Pagasa Island-nằm ở phía Ðông Bắc của Ðảo Trường Sa (Spratley) do san hô tạo thành, có lẫn cát trắng và đá vôi. Ðảo hình bầu dục, với bề dài 700m và bề rộng 550m, trên đó có giếng nước ngọt. Quân đội Phi Luật Tân đổ bộ lên đảo hồi năm 1968, xây căn cứ quân sự trên đó với một phi đạo.

    3. Cụm đảo Loại Ta nằm ở phía Ðông cụm Thị Tứ gồm đảo Loại Ta và cồn san hô An Nhơn hoặc Lancan (Lankian Cay mà Trung Quốc gọi là Yang xin Zhou, và Phi Luật Tân gọi là Panata). Ðảo này hình tròn, có đường kính 300m và cao chừng 2m, với nhiều cây lớn trên đó, kể cả dừa. Ðảo có vẻ đẹp nên thơ nhờ nhiều bãi cát trắng vây quanh. Quân đội Phi Luật Tân chiếm đóng đảo này từ năm 1970. Phía Ðông cụm Loại Ta còn có Ðảo Dừa và Ðảo Cá Nhám.

    4. Cụm Ðảo Nam Yết hoặc Ti Gia nằm ở phía Nam Cụm Loại Ta và có vòng san hô bao quanh. Cụm này gồm đảo cao nhất là Ðảo Nam Yết (Namyiy Island, mà Trung Quốc gọi là Hong xiu Dao), Ðảo Sơn Ca (Sand Cay hoặc Dungian Shazhou), và đảo lớn nhất là Ðảo Ba Bình (Itu Aba Island hoặc Taiping Dao) cùng Bãi Bàn Than, Ðá Núi Thị (Petley Reef hoặc Bolan jiao), Ðá Én Ðất (Eldad Reef hoặc Anda jiao), Ðá Lạc (Meiji jiao), Ðá Gaven (Gaven Reef hoặc Nan xun jiao), Ðá Lớn (Great Discovery Reef hoặc Daxian jiao), Ðá Nhỏ (Small Discovery Reef hoặc Xiaoxien Dao), và Ðá Ðền Cây Cỏ (Western/Flora Temple Reef hoặc Fulusi jiao).
    Riêng Ðảo Nam Yết, tuy nhỏ hơn Ðảo Ba Bình (hiện do Ðài Loan chiếm đóng) nhưng lại là đảo cao nhất trong Quần Ðảo Trường Sa, có hình chữ C với bề dài 700m, bề rộng 250 và chiều cao 2m. Trên đảo có nhiều loại cây như xú hương, nhàu, mù u, dừa và có giếng nước lợ. Hồi trước 1975, trên đảo có các công sự làm bộ chỉ huy phòng thủ quần đảo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và hiện nay đảo do Quân Ðội Nhân Dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trấn giữ. Ðảo Sơn Ca giống hình chữ C, dài 391m, rộng 156m và cao 3m, trước năm 1975 do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ và hiện nay thì do Quân Ðội Nhân Dân của Cộng Sản Việt Nam phòng thủ. Ðảo Ba Bình, lớn nhất trong quần đảo, có chiều dài 1,360m và chiều rộng 350m (diện tích 489,600m2), và cao 3.8m. Ðất đai trên đảo màu mỡ, có thể trồng các loại cây ăn trái và lấy củ như chối, rau cải và khoai mì. Thời Pháp thuộc, đảo này do Pháp quản lý với một đài khí tượng trên đó, nhưng kể từ năm 1956, Ðài Loan đã xây dựng căn cứ quân sự nơi đây.
    Ngoài ra, phía Tây Nam cụm Nam Yết còn có Ðá Chữ Thập (Fiery Cross hoặc N.W. Yungshu jiao hoặc Kagilingan Reef) hiện do quân Trung Quốc chiếm đóng.

    5. Cụm đảo Sinh Tồn (Union Reefs) nằm ở phía Nam cụm Nam Yết, gồm có Ðảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island hoặc Hing hong Dao), Ðảo Sinh Tồn Ðông, Ðảo Len, Ðá Nhạn Gia, Ðá Bình Khê (Endmund Reef), Ðá Ken Nan (Mekennan Reef), Ðá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Ðá Bình Sơn (Hallet Reef), Ðá Bãi Khung (Holiday Reef), Ðá Ðức Hòa (Empire Reef), Ðá Ba Ðầu (Whitsun Reef hoặc Weinan jiao)... Trước năm 1975, cụm đảo này (gồm 3 đảo và nhiều đá) do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ, và sau đó là Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam. Năm 1988, một trận hải chiến giữa Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc đã diễn ra với kết quả là hai chiến hạm Việt Nam bị đánh chìm và hơn 70 thủy thủ mất tích, dẫn đến việc Trung Quốc chiếm đóng các Ðá Kennan và Gác Ma. Ðến năm 1992, Trung Quốc lại chiếm thêm Ðá Ba Ðầu và Ðá Lạc. Như thế, trong phạm vi rặng đá ngầm nhỏ mang tên Johnson Reefs thuộc cụm đảo Sinh Tồn, trên Ðá Côlin ở mạn Bắc thì có quân Việt Nam và trên Ðá Gác Ma ở mạn Nam thì có quân Trung Quốc.
    6. Cụm đảo Trường Sa nằm phía Nam và Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn gồm 3 đảo, là Trường Sa (Spratly Isand, Nan wei Dao, mà người Pháp gọi là Ðảo Bão Tố, Ile de Tempête), Trường Sa Ðông (Central Reef hoặc Zhong jiao) và Phan Vinh (Pearson Reef hoặc Bisheng jiao).
    Ðảo Trường Sa có hình tam giác, với đường đáy dài 350m và hai cạnh kia mỗi cạnh 450m, và cao độ từ 2.1 tới 3.5 mét. Trên đảo có nước ngọt, không có cây lớn mà chỉ có các loại rau cỏ cùng với các loại chim hải âu, chim én và chim sơn ca. Trước năm 1975, quân trú phòng của Việt Nam Cộng Hòa đã xây một cầu tàu trên đảo. Sau năm 1975, Quân Ðội Nhân Dân của Cộng Sản Việt Nam lại xây dựng một sân bay dài 800m trên đảo.
    Ngoài 3 đảo, cụm Trường Sa còn có các đá: Ðá Lát (Ladd Reef hoặc Riji jiao), Ðá Ðông (East Reef hoặc Silangan Reef hoặc Dong jiao), Ðá Châu Viên (Cuarteron Reef hoặc Hua yang jiao), Ðá Tốc Tan (Alison Reef hoặc Liumen jiao), Ðá Núi Le (Coznwallis S. Reef hoặc Nan hua jiao), Ðá Tiên Nữ (Tennent Reef hoặc Pigeon hoặc Tian Ian jiao) và các bãi gần thềm thục địa Việt Nam: Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Ðường, Phúc Nguyên, và Tư Chính.

    7. Cụm Ðảo An Bang ở phía Nam cụm Ðảo Trường Sa gồm có Ðảo An Bang (Ambonay Cay hoặc Ambo Shazou) cùng các bãi và đá: Bãi Ðất (Orleana Shoal hoặc Aonan Ansha), Bãi Ðịnh (Kinhston Shoal hoặc Jin duansha), Bãi Vũng Mây (Johnson Patch hoặc Changpun ansha), Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef hoặc Bai jiao), Bãi Trăng Khuyết (Half Moon Soal hoặc Banyue jiao), Bãi Kiệu Ngựa (Asdasier Reef hoặc Andu jiao), Ðá Ba Kè (Bombay Castle hoặc Pongo bao), Ðá Hà Tần (Lizzie Webr hoặc Li xei jiao), Ðá Lục Giang (Hopp Reef hoặc He jiao), Ðá Long Hải (Livok Reef hoặc Nan tang quan jiao), Ðá Công Ðo (Commodore Reef hoặc Siling jiao)...
    Ðảo An Bang giống như một cái túi với phần đáy nằm phía Ðông và phần miệng thắt lại ở phía Tây. Ðảo nhỏ với bề dài 200 mét và bề rộng 20 mét và cao 2 mét. Trước năm 1975, đảo An Bang do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trú đóng. Sau 1975, đảo do Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam phòng thủ. Phía Ðông Nam Bãi Thuyền Chài có quân trú phòng của Mã Lai Á trên các Ðá Kỳ Vân, Ðá Kiệu Ngựa, Ðá Bông Lau. Ở phía Ðông của cụm đảo An Bang hiện có quân trú phòng Phi Luật Tân trấn đóng trên Ðá Công Ðo.

    8. Cụm Ðảo Bình Nguyên ở về phía Ðông của Quần Ðảo Trường Sa, gồm có 2 đảo là Ðảo Bình Nguyên (Flat Island hoặc Fei xin Dao) và Ðảo Vĩnh Viễn (Nanshan Island hoặc Ma huan Dao). Ðảo Bình Nguyên có bề ngang rất hẹp và thấp hơn Ðảo Vĩnh Viễn. Ðảo Vĩnh Viễn dài 580m và cao 2m.
    Phía Nam gần Ðảo Vĩnh Viễn có Ðá Hoa, Ðá Ðít Kim Sơn, Ðá Ðinh, Ðá Hàn Sơn... Xa hơn nữa về phía Nam thì có Ðá Vành Khăn (Mischief Reef hoặc Mei di jiao), Ðá Bốc San (Boxall Reef, Pai she jiao), Bãi Cạn Suối Ngà (First Thoms Shoal hoặc Xinyu jiao), Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal hoặc Ren ai ansha).... Phía Ðông Ðảo Bình Nguyên và Ðảo Vĩnh Viễn có Ðá Hợp Kim (Hopkins Reef hoặc Huo xing jiao), Ðá Ba Cờ (Baker Reef hoặc Pei she jiao), Ðá Khúc Giác (Iroquois Reef hoặc Feng lai jiao), Ðá Gò Già (North Pennsylvania Reef hoặc Yang ming jiao), Bãi Mỏ Vịt (Hirane Shoal hoặc An tang tan), Bãi Cạn Nam (Southern Bank hoặc Nan fang gian tan), Bãi Cạn Nâu (Brown ank hoặc Zhong xi tan), Bãi Cạn Rạch Vang (Templer bank hoặc Zhong xi tan)... (V.P.)




    Posted by HSTS on October 23, 2008 at 20:21:47:


    [history-hoangsatruongsa]