Giữ chủ quyền bằng chứng cứ lịch sử

    [history-hoangsatruongsa]

    Thứ Năm, 19/03/2009, 08:07 (GMT+7)

    Thời sự & suy nghĩ:

    Giữ chủ quyền bằng chứng cứ lịch sử




    Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông
    TT - “Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” là chủ đề một cuộc hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội diễn ra đúng vào lúc đang có nhiều sự kiện nóng trên biển Đông. Chính tên gọi của cuộc hội thảo đã đặt ra những vấn đề mà chúng ta phải giải quyết trên hành trình tái xác lập chủ quyền của mình với Hoàng Sa, Trường Sa và vùng lãnh hải trên biển Đông.


    Nhiều nhà khoa học như Nguyễn Nhã, Nguyễn Quang Ngọc, những chuyên gia về biên giới và công pháp quốc tế như Lưu Văn Lợi, Cao Xuân Thự, Lê Văn Cương... đã dành phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của mình để nghiên cứu về biển Đông, về chủ quyền của các triều đại VN trong lịch sử đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Những tư liệu lịch sử mà họ đã dày công tìm kiếm và kiểm chứng đã góp phần minh chứng cho một sự thật lịch sử: VN, xa hơn nữa là Đại Việt, là các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ những năm xa xưa của thế kỷ 17.

    Những mốc thời gian 1686, 1701, 1776, 1816, 1821, 1833, 1864... trong các tài liệu lịch sử của VN, Trung Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh... khi được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng VN và trên các ấn bản khoa học của nước ngoài tất nhiên sẽ có sức thuyết phục hơn những bản đồ vẽ lại hay cái mốc thời gian 1909 (thời điểm tên gọi Tây Sa và Nam Sa xuất hiện trong bản đồ và tài liệu Trung Quốc).

    Nhưng ít ai biết, để có được những kết quả nghiên cứu đó, các nhà khoa học VN phải làm việc trong môi trường và hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều so với đồng nghiệp ở các nước láng giềng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã cho biết tài liệu có giá trị nhất là châu bản triều Nguyễn, gồm các bản tấu của các quan chức địa phương, có bút phê của các vua Nguyễn từ Gia Long trở đi, trong đó có những tư liệu rất rõ ràng về việc xác lập chủ quyền VN trên quần đảo Hoàng Sa... hiện đang được lưu giữ tại kho lưu trữ trung ương 1 ở Hà Nội và các nhà nghiên cứu chỉ được tiếp xúc với... bản photocopy.

    Các nhà nghiên cứu khác cũng cho biết rất nhiều tư liệu quý về VN hiện đang được lưu trữ tại những kho lưu trữ khổng lồ của Pháp (Aix-en-Provence), Hà Lan (thư viện Công ty Đông Ấn Hà Lan), ở Mỹ (Lưu trữ quốc gia và thư viện các trường ĐH)... nhưng do điều kiện kinh phí khó khăn, họ không thể trực tiếp sang tận nơi để tiếp cận. Trong khi đó, theo TS Lê Văn Cương, chỉ riêng luận án tiến sĩ về biển Đông của các nghiên cứu sinh Trung Quốc tại các trường ĐH danh tiếng trên thế giới đã có tới 17 luận án, tất cả từ nguồn ngân sách nhà nước.

    TS Nguyễn Thị Lan Anh - một chuyên gia về luật quốc tế của Học viện Ngoại giao, bảo vệ luận án tại Anh về luật biển - tâm sự: “Tôi chỉ mơ ước một lần đặt chân đến Trường Sa. Tôi nghiên cứu biển Đông gần 20 năm nay chỉ toàn qua... tài liệu giấy tờ”. Ailien Tran, nghiên cứu sinh của Chương trình Fulbright, kêu gọi: “Hãy sử dụng chất xám và tài năng của các học giả người Việt ở nước ngoài, hãy kêu gọi lòng yêu nước của họ qua việc đề nghị họ cung cấp những nghiên cứu và tư liệu mới nhất về chủ quyền biển đảo của VN. Tôi không tin có nhà khoa học gốc Việt nào lại từ chối”.

    Các nhà khoa học luôn sẵn sàng và các chứng cứ lịch sử thì vẫn còn đó, đợi những bàn tay phủi bụi thời gian để đưa ra ánh sáng, chứng minh với cả thế giới về chủ quyền chính đáng từ xa xưa của những người Việt yêu và chinh phục biển Đông.

    THU HÀ





    Posted by Tuổi Trẻ on March 24, 2009 at 03:54:50:


    [history-hoangsatruongsa]