Thứ Tư, 18/03/2009, 07:45 (GMT+7) Cần giải quyết vấn đề biển Đông bằng công pháp quốc tế TT (Hà Nội) - Đó là quan điểm chung của các học giả, nhà ngoại giao, nhà sử học... tại hội thảo “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” diễn ra lần đầu tại VN do Chương trình nghiên cứu biển Đông, Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 17-3. Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông
Quan hệ quốc tế tốt sẽ tạo ra cơ hội đưa vấn đề ra công luận, chỉ có thể giải quyết vấn đề khi sát cánh cùng thế giới.” Đó là kiến giải chính của Ailien Tran - ĐH California, hiện là nghiên cứu sinh chương trình Fulbright (Mỹ) về vấn đề biển Đông - được khá nhiều sự đồng thuận tại hội thảo. Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Cù Zap
Ngày 17-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của VN trước việc Trung Quốc đưa tàu Ngư Chính 311 ra hoạt động tại biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói: “Lập trường của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rất rõ ràng. VN quan tâm và sẽ theo dõi sát hoạt động của tàu Ngư Chính 311 ở biển Đông. Mọi hoạt động khai thác hải sản và tài nguyên biển ở biển Đông cần được thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển của các nước liên quan theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982”. TTXVN Các nhà sử học Nguyễn Nhã, Nguyễn Quang Ngọc đã minh chứng bằng các tài liệu từ châu bản triều Nguyễn, sử Trung Quốc, bản đồ cổ Trung Quốc đến các tài liệu phương Tây để khẳng định rằng: VN là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trên tất cả các tài liệu của Trung Quốc, cái tên Tây Sa và đảo Nam Sa (tên mà Trung Quốc dùng để gọi Hoàng Sa và Trường Sa của VN) chỉ xuất hiện từ năm 1909. Trong khi đó, tài liệu xưa nhất của VN còn lưu giữ được là Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư - năm 1686, ghi rõ hằng năm chúa Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng, còn tư liệu trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 mô tả kỹ càng về Hoàng Sa, trong đó có khẳng định chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Tài liệu quan trọng nhất là châu bản triều Nguyễn, thế kỷ 19, lưu những bản tấu, phúc tấu của đình thần và các bộ, những chỉ dụ của nhà vua về việc xác lập chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa: vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc… Chính tài liệu của người Trung Quốc (Hải ngoại ký sự - Thích Đại Sán) năm 1696 đã khẳng định chúa Nguyễn sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa. Tài liệu của phương Tây thì còn nhiều và dễ tìm kiếm hơn. Tài liệu xưa nhất còn lưu được là Nhật ký trên tàu Amphitrite (1701) xác nhận Paracels (tức Hoàng Sa) là một quần đảo thuộc về nước An Nam. An Nam đại quốc họa đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 ghi rõ Paraceu Cát Vàng với tọa độ rõ ràng như hiện nay - Cát Vàng chính là tên chữ Nôm của Hoàng Sa. The journal of the Asiatic society of Bengal, Vol VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels… Sự hiểu biết về lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế của từng người dân và xã hội của các quốc gia có liên quan, theo các học giả, sẽ góp phần tạo dư luận với Chính phủ để các bên tìm tiếng nói chung cho việc giải quyết tranh chấp xảy ra trên biển Đông. Vị thế biển Đông Các nhà khoa học tham gia hội thảo cho rằng cần phải xác định lại và quảng bá đến mọi tầng lớp xã hội cả VN và nước ngoài về vai trò, vị trí của biển Đông trên bản đồ địa chính trị thế giới: biển Đông là nơi giao nhau của nhiều tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, 400 tàu lớn qua lại mỗi ngày, 25% mậu dịch và 1/2 lượng dầu tiêu thụ của thế giới qua biển Đông. 80% dầu thô của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu đi qua biển Đông. Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, phốt phát và nhiều khoáng sản quý hiếm. Trữ lượng dầu mỏ ở thềm lục địa là 29,1 tỉ tấn, khí đốt là 5,8 tỉ m3.
|