Sang xứ bò tót tìm dấu tích Hoàng Sa - Trường Sa Tháng 12/2004 trong một lần du lịch Tây Ban Nha tình cờ chúng tôi được gặp một người bạn cũ của Việt Nam- GS sử học Enrique Alvarez Cabal.
Trong một quán bar mờ ảo giữa thủ đô Madrit đầy tuyết, chúng tôi vừa thưởng thức rượu vang đỏ Tây Ban Nha, các màn trình diễn đấu bò tót ly kỳ vừa hồi tưởng lại mối quan hệ lịch sử giữa hai dân tộc Tây Ban Nha và Việt Nam cách xa nửa vòng trái đất. Chợt ông reo lên phấn khởi: Tôi hay nghiên cứu lịch sử hàng hải của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tới các nước hải ngoại, tôi biết có nơi lưu trữ một tấm bản đồ giá trị về Hoàng Sa, Trường Sa của các bạn. Ngày mai chúng ta sẽ đi xem. Nghe đến Hoàng Sa, Trường Sa nơi đất khách quê người, có người Việt nào mà không thấy bồi hồi. Mặc dù đây không phải là mục đích chuyến đi, chúng tôi chỉ mong đêm qua mau để được chứng kiến một bằng chứng mới về chủ quyền của người Việt.
Nghe nói đến Việt Nam, Hoàng Sa, Trường Sa, các nhân viên ở đây rất nhiệt tình giúp đỡ. Họ bê ra những bản catalog dày cộp để tra cứu. Nhưng đến ngày thứ hai cũng chẳng tìm thấy đâu. Thất vọng định ra về, chợt thấy trong đống bản đồ cũ nát mang ra cuối cùng dòng chữ Cochinchina Pilot và những phác thảo trên giấy can là các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi muốn reo lên mà cổ như nghẹn lại. Bản đồ Biển Đông do nhà xuất bản Luân đôn in năm 1791 – A new chart of the China Sea with its several entrances, printed for Robert Sayer, London năm 1791 (Xin xem hình kèm theo) thể hiện quần đảo Paracels nằm trong hình cờ đuôi nheo ghi rõ according to the Draft of Cochinchina Pilot 1764 (vẽ theo Dự thảo Hàng hải chỉ nam của xứ An Nam năm 1764). Tài liệu này chứng tỏ trong khi xây dựng các tài liệu hướng dẫn hàng hải, các nhà hàng hải phương Tây đã tham khảo các hiểu biết của chính quyền An Nam và thừa nhận quần đảo này thuộc An Nam. Lịch sử là sự thật
Chúng ta có thể so sánh bản đồ dạng đơn giản của Đỗ Bá (Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư" - 1686), và của Lê Quý Đôn ("Phủ biên tạp lục" – 1776, Đại Nam Nhất thống toàn đồ 1838 của triều Nguyễn với Bản đồ biển Nam Trung Hoa do nhà hàng hải danh tiếng người Hà Lan Henricus Van Langren vẽ năm 1595; Và bản đồ của Công ty Đông ấn (Indiae Orientalis Nova Descriptio) vẽ 1633 hay Bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ của giáo sỹ Jean Louis Tabert ghi tên Paracel Seul Katvang 1838 đã được nêu trong sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam 1979 để thấy được điều đó. BÀI LIÊN QUAN Hơn nữa đây là bản đồ chuyên ngành hàng hải, đính kèm Hàng hải chỉ nam vùng biển An nam chứ không phải bản đồ địa lý thông thường. Hình vẽ các nhóm đảo paracels cũng chi tiết hơn, thể hiện sự kéo dài của quần đảo quá vị trí Hoàng Sa ngày nay, đối xứng với Cam Ranh, Sài Gòn và khoảng cách xa bờ hàng trăm hải lý nên không thể coi đó là sự thể hiện các đảo ven bờ Việt Nam như một số lập luận nguỵ biện. Các hiểu biết này giống với các hiểu biết của người Việt xưa, những người đã khám phá và cai quản Paracels, và phù hợp với kỹ thuật hàng hải hải đồ lúc đó. Các bản đồ Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, A rập thế kỷ XVII đều có nội dung tương tự. Chỉ từ giữa thế kỷ XIX, người ta mới phân tách Paracels thành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cho thấy nhiều dân tộc khác đã nhận biết về sự tồn tại của Bãi Cát vàng thuộc Việt Nam. Đánh giá chúng thuộc về các nhà nghiên cứu. Đối với chúng tôi, đây là một trong những bản đồ đầu tiên của phương Tây ghi nhận rõ nhất mối liên hệ giữa An Nam và Hoàng Sa từ rất sớm. Nó cũng thể hiện tấm lòng của những người bạn Tây Ban Nha, những người bạn ngoại quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Sự thật trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử vẫn là sự thật.. TS Nguyễn Hồng Thao
|