Phần II: Phương tiện và trang bị của đội Hoàng Sa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX

    [history-hoangsatruongsa]

    Thứ Tư, 22/04/2009, 21:30 (GMT+7)

    Phần II:

    Phương tiện và trang bị của đội Hoàng Sa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX

    TTO - Đội Hoàng Sa sử dụng các loại thuyền buồm nhẹ và nhanh. Theo J. Barrow viết trong A voyage to Cochinchina thì các tàu thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels thuộc nhiều kiểu dạng khác nhau.

    Cũng theo cuốn du ký Suma Oriental của Tomé Pires người Bồ Đào Nha, được A. Cortesas dịch với nhan đề The Suma Oriental, an account of the East, from the Red Sea to Japan, xuất bản tại London năm 1944, khoảng những năm 1513 - 1514 kể lại cuộc hành trình và những nhận xét của tác giả về các miền đất đã đi qua ở Phương Đông từ Biển Đỏ cho tới Nhật Bản, trong đó có tả vương quốc Cauchy - chyna tức Đàng Trong nước Đại Việt thời Lê - Mạc. Tác giả cho biết có rất nhiều cư dân khai phá vùng bờ biển với một số lớn các “lancharas”, một loại thuyền buồm đi nhanh.

    Trong các tài liệu cổ của Việt Nam đã dẫn trên cho biết đội Hoàng Sa chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ gọi là “tiểu điếu thuyền” (Phủ Biên Tạp Lục) hay “tiểu thuyền” (Dư Địa Chí và Hoàng Việt Địa Dư Chí). Thích Đại Sán trong Hải Ngoại Kỷ Sự, cũng viết “Thời quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền buôn tấp vào. Mùa thu nước ròng cạn, chảy rút về hướng Đông, bị một ngọn sóng đưa thuyền đi có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió dâng mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa...”.

    Thích Đại Sán cũng nói thuyền đánh cá ấy gọi là thuyền điếu xá. Chính chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã cho thuyền điếu xá (thuyền đánh cá) đón tiếp đệ tử và vật phẩm của Thích Đại Sán đến sau tại đảo Tiên Bích Sa (cù lao Chàm). Khi Thích Đại Sán rời Quảng Đông đi bằng loại thuyền lớn, chứa tới bốn trăm người phải dùng cả 2 chiếc thuyền nhỏ dẫn đường. Tuy thuyền đi mau như bay nhưng có lần bị mắc cạn, có lần suýt bị nạn vì không theo lối thuyền con chỉ dẫn.

    Thuyền đánh cá thế kỷ XVII, XVIII ở nước Đại Việt được làm giản dị nhất là ở khu vực Sa Kỳ, cù lao Ré. Theo tài liệu được lưu lại ở đảo cù lao Ré mà ông Nguyễn Hạp xuất thân từ gia đình ngư dân lâu đời ở cù lao Ré đã vẽ, thì thuyền loại này có mê hay đáy dưới bằng tre đan, trát phân trâu, rồi quét dầu rái lên. Song phía trên thành thuyền làm bằng gỗ chò hay sao, có 3 cột buồm bằng gỗ kiền kiền và các bộ phận không quan trọng như các then thì làm bằng gỗ mù u có sẵn ở địa phương. Chính dân chài tự đóng thuyền lấy. Tuy nhỏ song lại nhẹ dễ chạy nhanh và thường chạy bằng buồm, có loại buồm như Thích Đại Sán kể giống chiếc rìu.

    Nhỏ, nhẹ, ít người lại chọn thời điểm thuận gió thì thuyền đi nhanh gấp 10 lần như Thích Đại Sán ghi chép như trên. Thường thuyền ở vùng cù lao Ré - Sa Kỳ có 3 cánh buồm đan bằng lá, các dụng cụ như lu chứa nước đều bằng tre. Gần đây ở cù lao Ré còn thấy một vài thuyền đánh cá có cấu trúc tương tự như những thuyền truyền thống xưa của vùng này, đi biển xa như Hoàng Sa.

    Sự thực lịch sử đã cho biết các thuyền đánh cá Việt Nam với vật liệu nhẹ như trên, nhỏ bé đã dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô ở Hoàng Sa và cũng thích hợp hoàn cảnh dân chài biển vùng Sa Kỳ - cù lao Ré, đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.

    Địa bàn hoạt động của đội Hoàng Sa có không gian rất rộng. Khởi đầu là những đảo gần bờ biển nhất. Song trong 6 tháng hàng năm từ năm này qua năm khác, đội Hoàng Sa mở rộng phạm vi hoạt động khắp các đảo san hô ở biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa và kiêm quản đội Bắc Hải ở Trường Sa bây giờ.

    Nếu các đảo phía Bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc) thì các đảo ở phía Nam tiếp tới là Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đi khắp nơi song do kiêm quản các đội khác (như đội Bắc Hải) nên nó là đầu mối thâu tóm mọi hoạt động trong phạm vi rất rộng: khắp các đảo biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung bộ Việt Nam, khoảng Quảng Trị, Thừa Thiên, từ phía Tây Nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay.

    Về nhiệm vụ, đội Hoàng Sa cần phải làm những công việc sau: (1) thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa (phía Nam tức phần Trường Sa hiện nay do đội Bắc Hải phụ trách) và (2) kiêm quản, trông coi đội khác cùng làm nhiệm vụ song ở địa bàn khác như đội Bắc Hải ở phía Nam (Phủ Biên tạp Lục, quyển 2, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên quyển 10, Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6…).

    Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ này bắt đầu thời Gia Long mới được ghi (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên đệ nhất kỷ, quyển 50, quyển 52). Riêng về nhiệm vụ dọ thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về các bọn cướp biển thì đơn xin phường An Vĩnh tách khỏi xã An Vĩnh ngày 1 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) đã đề cập đến ở trên đây, chứng tỏ người dân đã tha thiết tự thấy có nhiệm vụ này.

    Đương nhiên khi dân binh tình nguyện thì nhà nước dễ chấp nhận vì nhà nước không phải tốn công đứng ra tổ chức, vả lại tính chất bán quân sự của đội Hoàng Sa đương nhiên phù hợp với nhiệm vụ này. Như thế nhiệm vụ của đội Hoàng Sa rất nặng nề, không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác quân sự và quản lý biển đảo. Công việc này rất quan trọng trong thời các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn.

    Trong công việc khai thác tài nguyên, đội Hoàng Sa đã thu lượm nhiều hải vật quý lạ ở Hoàng Sa như hải sâm, ốc hoa, ốc tai voi có chiếc lớn như chiếc chiếu, bụng có châu ngọc lớn như ngón tay trẻ em, sắc đục không bằng sắc con trai châu song vỏ ốc có thể tách ra từng phiến, cũng có thể dùng vỏ ốc làm thành vôi; có thứ ốc xà cừ, người ta có thể dùng để dát các đồ dùng; có con đại mạo hay đại mội, tức con đồi mồi rất lớn hay con hải ba (ba ba biển tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi, nhưng nhỏ hơn). Những hải sản quý trên tuy cũng có nộp cho nhà vua theo quy định, song vẫn cho đội Hoàng Sa bán, thường thì bán cho thị trường Hội An - nơi tiêu thụ nhiều và có giá hơn.

    Quan trọng hơn là các hàng hóa từ các tàu đắm mà Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư viết rằng hàng hóa thu được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng ống. Phủ Biên Tạp Lục thì ghi: những đồ hải vật như gươm và ngựa bằng đồng hoa bạc, tiền bạc, vàng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ.

    Lê Quý Đôn hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hóa trong Phủ Biên Tạp Lục có cho biết, trong sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu, người chỉ huy đội Hoàng Sa trong nhiều năm, đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa cụ thể như sau:

    - Năm Nhâm Ngọ (1702), đội Hoàng Sa lượm được 30 thoi bạc.

    - Năm Giáp Tuất (1704), lượm được 5100 cân thiếc.

    - Năm Ất Dậu, lượm được 126 thoi bạc.

    Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quý Tỵ (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng. Chính P. Poivre viết trong du ký năm 1750 rằng: “Người ta đã thấy ở đô thành Huế những khẩu súng thần công bằng sắt cỡ đạn 6 livres, có trang trí chữ ghi của Công ty Đông Ấn Hà Lan, những khẩu súng này đã thu lượm được ở quần đảo Paracels, trong số các di vật của các tàu đi qua đây bị đắm” (Journal R.E.O, III, 1885).

    Chắc chắn trong thời còn chiến tranh, súng đạn thu được ở các tàu đắm ở Hoàng Sa là rất quý giá. Việc đi biển xa (viễn dương) khiến các thành viên đội Hoàng Sa rất giỏi đi biển. Từ thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị thủy quân hoạt động mạnh ở Hoàng Sa cũng đều nhờ những người hướng dẫn hải trình là những dân đi biển giỏi trong đó có dân binh đội Hoàng Sa. Chính vì thế, các thuyền thuộc lực lượng thủy quân triều Nguyễn từ kinh thành Huế trước khi ra Hoàng Sa phải tới tập trung ở Quảng Ngãi.

    “Lính Hoàng Sa đi dễ, khó về”

    Với nhiệm vụ nặng nề, công việc nguy hiểm, biển khơi ẩn chứa nhiều tai họa khó lường trong khi phương tiện thời đó lại khá thô sơ, những người lính trong đội Hoàng Sa thời đó hầu như thường phải đối mặt với sự hy sinh, với cái chết. Chính vì vậy nên ngoài lương thực, nước uống, họ còn mang theo một đôi chiếu, 7 sợi dây mây (hay cây ré), 7 cái đòn tre.

    Nếu chẳng may có mệnh một ở giữa biển thì dùng chiếu ấy quấn xác, đòn tre dùng làm nẹp và lấy dây mây bó lại rồi thả xuống biển. Chiếc thẻ tre nhỏ ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người mất được cài kỹ trong bó chiếu, cũng là dấu hiệu nhận biết nếu có ai vớt được. Quả thật họ đúng là những chiến sĩ dũng cảm, vì nước quên thân, được nhân dân luôn tôn vinh, tưởng nhớ.

    Tại xã An Vĩnh, nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ hiện còn di tích một ngôi miếu ở cạnh cửa biển Sa Kỳ là ngôi miếu Hoàng Sa thờ lính Hoàng Sa và thờ bộ xương con cá voi (tương truyền do binh Hoàng Sa đưa từ Hoàng Sa về) - ngôi miếu này bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và bộ xương cá voi thần linh ở miếu này được chuyển sang thờ tại lăng Thánh, ngay cạnh ngôi miếu xưa.

    Tại cù lao Ré hiện vẫn còn Âm Linh Tự tức miếu Hoàng Sa, ở thôn Tây xã Lý Vĩnh, tức phường An Vĩnh xưa và Âm Linh Tự ngoài trời ở xã Lý Hải tức phường An Hải xưa. Cũng tại xã An Vĩnh và cả làng An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo cù lao Ré) có tục tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ hàng năm vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, tại các đình làng. Hiện nay chỉ còn đình làng xã Lý Hải, tức phường An Hải xưa.

    Lính Hoàng Sa được tế sống vì nhiệm vụ quá nguy hiểm: “lính Hoàng Sa đi dễ khó về”. Trừ các chỉ huy như đội trưởng, thuyền trưởng, các lính thường lấy trai tráng chưa có gia đình, vừa khỏe mạnh vừa không vướng vợ con. Tại thôn An Vĩnh thuộc xã Tự Kỳ hoặc tại đảo cù lao Ré có nhiều gia đình còn gia phả và bàn thờ những người đi lính Hoàng Sa như nhà ông Phạm Quang Tỉnh ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh có nhà thờ (hình 2. 54) và gia phả ông tổ Phạm Quang Ảnh, người được vua Gia Long cử làm đội trưởng đội Hoàng Sa năm 1815.

    Trong buổi tế sống lính Hoàng Sa đó, họ làm những hình nộm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc để giả hình người và đem tế tại đình. Tế xong họ đốt đi, hoặc đóng thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên và thả trôi ra biển gọi là “khao lễ thế lính Hoàng Sa” còn gọi là “lễ tế sống lính Hoàng Sa” với quan niệm các hình nộm kia sẽ gánh chịu mọi hiểm nguy, tai nạn trên biển thay cho đội Hoàng Sa và cầu mong cho người thân của họ bình an trở về.

    Ngày nay tại các nhà thờ tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đều có tổ chức tục lễ như thế và hiện tại gia đình các tộc họ cũng còn giữ bài Văn khao thế lính Hoàng Sa gồm một nửa chữ Hán, một nửa chữ Nôm có đoạn: “Ngày hôm nay (hoặc đêm nay, buổi sáng nay) có theo ý người… ở tỉnh… nước Đại Nam, xin cúng thế một cỗ thuyền mô hình, trôi theo đường thủy Hoàng Sa, mấy cỗ bàn, vàng bạc, đáp lễ thần quan, xin dâng lên khảo thủy đạo một tiệc, thành kính bày lễ la liệt...” Văn tế do ông Nguyễn Xuân Cảnh, 72 tuổi, thôn Tây, xã Lý Hải, huyện Lý Sơn cất giữ.

    N.N.

    Đội Bắc Hải

    Đội Bắc Hải hoạt động dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa trong khu vực phía Nam của biển Đông tức quần đảo Trường Sa và vùng phụ cận.

    Dưới thời Đại Việt, Chúa Nguyễn cai quản Nam Hà, dần dần tìm ra các đảo san hô hết sức rộng ở biển Đông. Do vậy, ngoài đội Hoàng Sa, còn thành lập thêm đội Bắc Hải để khai thác, quản lý các đảo này. Tuy nhiên, các chúa Nguyễn vẫn để đội Hoàng Sa kiêm quản để có một đầu mối, hầu có thể dễ dàng nắm tình hình ở biển Đông. Như vậy, cai đội Hoàng Sa đồng thời kiêm quản đội Bắc Hải.

    Về thời điểm ra đời của đội Bắc Hải, các tài liệu hiện còn không cho biết chính xác. Chỉ biết chắc chắn là đội Bắc Hải ra đời sau đội Hoàng Sa và trước năm 1776 - tức là trước khi Lê Quý Đôn viết Phủ Biên Tạp Lục, trong đó lần đầu tiên đề cập đến hải đội này.

    Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 của Lê Quý Đôn đã ghi chép rất cụ thể về đội Bắc Hải như sau:

    “Họ Nguyễn còn thiết lập một đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính (ở gần bờ biển) thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh Dương lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác”.

    “Những người được bổ sung vào đội Bắc Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò.” Không thấy nói miễn tiền thuế.

    Đội Bắc Hải hoạt động trên vùng biển phía Nam, ở quần đảo Trường Sa hiện nay) và cả Côn Lôn, Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đại mội, hải ba, đồn ngư (cá heo lớn như con heo), lục quý ngư, hải sâm (con đỉa biển)”. Ở phía Nam Biển Đông (khu vực Trường Sa hiện nay) ít có bão lớn, không nguy hiểm, ít có vụ đắm tàu nên rất ít thu lượm được các sản vật từ tàu đắm như vàng bạc, súng ống mà chủ yếu là hải sản, đặc biệt là loại cá heo (đồn ngư)...

    Đội Bắc Hải được các tài liệu ở các thời gian sau (thế kỷ XIX) tiếp tục ghi chép. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên soạn xong năm 1844 chép rằng đội Bắc Hải mộ dân thôn Bình Thuận, Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra các đảo ở Bắc Hải lượm hóa vật, cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản. Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 6, tỉnh Quảng Ngãi, soạn xong năm 1882 cũng còn viết “đội Bắc Hải ra đảo Côn Lôn tìm lấy hải vật cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”. Không có tài liệu nào cho biết đội Bắc Hải ngưng hoạt động trước hay sau đội Hoàng Sa.

    (Trích từ “Trường Sa, mảnh đất thiêng của Việt Nam” báo Thanh Niên ngày 1-1-2008)

    NGUYỄN NHÃ Tiến sĩ sử học





    Posted by Tuổi Trẻ on April 25, 2009 at 04:26:55:


    [history-hoangsatruongsa]