Hoàng Sa là một phần máu thịt của Việt Nam

    [history-hoangsatruongsa]


    Thứ Bảy, 25/04/2009, 08:34 (GMT+7)

    Hoàng Sa là một phần máu thịt của Việt Nam

    TT - Đó là nội dung cuộc trao đổi mà ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - dành riêng cho Tuổi Trẻ. Ông là người được UBND TP Đà Nẵng bổ nhiệm làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa vào hôm nay (25-4).


    Ông Đặng Công Ngữ (trái): “Hằng năm chúng tôi nhận được rất nhiều thư, quà của các em học sinh gửi về thăm hỏi Hoàng Sa” - Ảnh: Đăng Nam

    - Ông Đặng Công Ngữ nói: Từ trước đến nay, khi được giao quản lý huyện đảo Hoàng Sa, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đã nỗ lực trong việc thu thập các chứng cứ, tài liệu liên quan đến Hoàng Sa và chủ quyền của Nhà nước VN trong từng thời kỳ để từ đó khẳng định được tính lịch sử, tính liên tục của nó. Hiện có một số người từng sống và làm việc ở Hoàng Sa trước năm 1975 đang sống tại Đà Nẵng và nhiều vùng đất khác trên cả nước đã liên lạc với chúng tôi.



    Ông Đặng Công Ngữ - Ảnh: Đăng Nam

    Các nhân chứng đã và đang cung cấp nhiều tư liệu rất quý về quần đảo Hoàng Sa. Tất cả những tư liệu sống này chúng tôi sẽ tập hợp thành một cuốn kỷ yếu về Hoàng Sa. Tôi cũng xin nói từ nhiều năm nay, cứ vào dịp tết là các cháu thiếu nhi, các nhà sư tu hành trên mọi miền đất nước đều gửi thư, quà về cho chúng tôi nhờ chuyển ra thăm đảo. Tất cả những hiện vật ấy đều được chúng tôi lưu giữ.

    * Chính quyền huyện đảo Hoàng Sa sẽ có cơ cấu như thế nào và sẽ hoạt động ra sao, thưa ông?

    - Ngoài chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa được UBND TP Đà Nẵng bổ nhiệm, sắp tới lần lượt sẽ có phó chủ tịch và các ủy viên. Tùy theo khối lượng công việc mà bộ máy sẽ tiếp tục được hình thành và chính quyền mới của huyện đảo này cũng theo đó được kiện toàn. Đặc biệt, huyện Hoàng Sa sẽ cùng với Sở Nội vụ xúc tiến lại đề án xây dựng trụ sở, bộ máy chính quyền chuyên trách, bảo tàng và một số chương trình tuyên truyền, giáo dục khác về Hoàng Sa. Việc đầu tiên là sẽ nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm những thông tin, dữ liệu về Hoàng Sa để xuất bản cuốn kỷ yếu của huyện đảo.

    Với hơn 500 tư liệu, hiện vật, thư tịch đã có, chúng tôi đã thành lập Bảo tàng Hoàng Sa. Bảo tàng Hoàng Sa có hai phiên bản: một phiên bản nằm ở Bảo tàng Lịch sử của TP Đà Nẵng và một phiên bản ở Bảo tàng Hoàng Sa đặt tại 132 Yên Bái, Đà Nẵng. Sau khi công bố chức danh chủ tịch thì trụ sở huyện đảo cũng sẽ đặt tại 132 Yên Bái. Chính quyền TP Đà Nẵng từ nhiều năm nay đã rất quan tâm và hằng năm vẫn cấp kinh phí từ ngân sách cho huyện đảo hoạt động, trong đó chủ yếu là để sưu tầm các tư liệu lịch sử.

    * Ông có thể cho biết chính quyền huyện sẽ làm gì để duy trì sự quản lý liên tục của Nhà nước với huyện đảo Hoàng Sa?

    - Hoàng Sa đối với mỗi người dân VN là một điều gì đó rất thiêng liêng, nó gắn với quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Với những người được giao nhiệm vụ để thực thi quyền hạn của mình trên quần đảo Hoàng Sa, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Trước mắt phải đảm bảo duy trì sự quản lý liên tục của Nhà nước trên quần đảo Hoàng Sa. Về lâu dài là tìm bằng chứng để đấu tranh trên nhiều mặt trận, từ mặt trận ngoại giao, chính trị và kể cả công tác tuyên truyền để giữ vững chủ quyền lãnh thổ một cách trọn vẹn. Đồng thời phối hợp cùng ngành giáo dục truyền đạt cho học sinh, sinh viên biết rõ thêm về một vùng thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa thông qua các buổi học lịch sử, ngoại khóa.

    Chúng tôi đang cố gắng xã hội hóa công tác tuyên truyền làm thế nào để càng nhiều người dân biết về Hoàng Sa càng tốt. Cuối tháng 3 vừa rồi, ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), khi tộc họ Đặng quyết định bàn giao tờ lệnh quý có từ 175 năm về trước cho Bộ Ngoại giao thì đã dấy lên phong trào hướng về Hoàng Sa. Đây là một tín hiệu tốt giúp chúng tôi có điều kiện thu thập nhiều hơn nữa những tư liệu, hiện vật và chứng cứ liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa.

    * Ông có kỳ vọng gì về công việc sắp tới của mình?

    - Tôi và các cộng sự của mình sẽ tiếp tục cùng toàn dân cả nước đấu tranh để khẳng định chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa thuộc về VN, tiếp tục thu thập tư liệu liên quan đến Hoàng Sa để làm kỷ yếu và hồ sơ lưu trữ. Và bất luận thời gian có kéo dài bao lâu đi nữa, những gì mà chúng tôi làm đều nhằm khẳng định trước công luận quốc tế về sự thật Hoàng Sa chính là một phần máu thịt của VN.

    KIM EM - ĐĂNG NAM thực hiện

    _________________________

    Phát hiện mới từ tờ lệnh của tộc họ Đặng:

    Thêm nhiều bằng chứng về “hùng binh Hoàng Sa”


    Nghiên cứu tờ lệnh cổ mà tộc họ Đặng ở xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã hiến tặng cho quốc gia, các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều bằng chứng mới về chủ quyền VN trên biển Đông. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, cho biết:


    Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (trái) tiếp nhận tờ lệnh quý về Hoàng Sa tại nhà thờ tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) - Ảnh: Minh Thu

    - Sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương về việc đi Hoàng Sa - Trường Sa thể hiện rõ ngay ở dòng đầu của văn bản cổ này. Đó là việc quan bố chánh và án sát Quảng Ngãi vâng lệnh Bộ Binh và Bộ Hình cấp bằng cho những người đi Hoàng Sa - tức việc thực thi mệnh lệnh của nhà nước. Vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Quảng Ngãi mới chính thức thành lập.

    Nhiều năm sau đó, Quảng Ngãi cũng như nhiều tỉnh đều chưa có quan tuần phủ. Bố chánh Quảng Ngãi 1834 là Lê Nguyên Trung, rồi sau đó là Trương Văn Uyển, 1835 là Tôn Thất Bạch. Án sát Quảng Ngãi 1834 là Nguyễn Đức Hội và1835 là Đặng Kim Giám. Khi cần ban một quyết định cơ mật, cả quan bố chánh và án sát cần phải thống nhất. Quy định đó được ghi trong Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn và châu bản. Do vậy, trong văn bản cổ này chỉ có ấn triện của quan án sát lẫn quan bố chánh là hoàn toàn đúng theo quy định của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ.

    * Văn bản quý do tộc họ Đặng gìn giữ có mối quan hệ như thế nào với hải đội Hoàng Sa - Bắc Hải trong những năm sau đó, thưa ông?

    - Trong văn bản cổ của dòng họ Đặng ghi cụ thể về thời gian ấn định để các thủy thủ đi Hoàng Sa: cứ vào hạ tuần tháng ba hằng năm thì thuận thời tiết mà đi. Các bộ chính sử và châu bản triều Nguyễn cũng ghi rõ những chuyến đi Hoàng Sa vào các năm từ 1834-1838 với những tên tuổi cai đội, đội trưởng, chánh đội trưởng như: Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Biện; các hướng dẫn viên đường thủy như Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh; các viên giám thành vẽ họa đồ Hoàng Sa là Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Hoàng...

    Tên tuổi họ đã lưu trong sử sách, trong đó có năm những người đi Hoàng Sa đo vẽ bản đồ chưa thật sự hoàn thiện, lại về chậm trễ nên mỗi người bị phạt 80 trượng như chuyến đi Hoàng Sa năm Minh Mạng thứ 16 (1835).

    * Thưa ông, dựa vào những bộ chính sử triều Nguyễn thì văn bản cổ do tộc họ Đặng ở Lý Sơn gìn giữ có ý nghĩa như thế nào về việc xác lập tên tuổi những người đã đến Hoàng Sa?

    - Có thể nói văn bản cổ quý giá của dòng họ Đặng lưu giữ 175 năm qua không chỉ góp phần bổ sung cho những điều ghi trong chính sử, châu bản của triều Nguyễn mà còn xác lập thêm một số danh tánh của những “hùng binh Hoàng Sa” như cách gọi của vua Tự Đức.

    Trong văn bản cổ của tộc họ Đặng có ghi: Võ Văn Hùng giỏi việc đi thuyền, rành rẽ hải phận, là người đã được cử đi từ năm trước (1833) nên lần này (1834) lại được tiếp tục giao nhiệm vụ tuyển chọn thêm những binh phu am hiểu hải trình, đưa các phái viên ở kinh thành, biền binh, thủy quân thẳng tiến ra đảo Hoàng Sa.

    Nếu so sánh các bộ chính sử của triều Nguyễn, vào năm Minh Mạng thứ 16, chuyến đi Hoàng Sa về chậm trễ, cai đội Phạm Văn Nguyên và các viên giám thành đều bị phạt, nhưng Võ Văn Hùng và Phạm Văn Sanh là những người có công, tận tâm đo đạc hải trình nên được thưởng; các dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cùng đi cũng được thưởng mỗi người một quan tiền.

    Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), chính Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh cùng thủy sư suất đội Phạm Văn Biện - người chỉ huy chuyến đi Hoàng Sa lần này - do khởi hành chậm trễ nên lại bị phạt. Quân lệnh nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng. Thời ấy sứ mệnh đi Hoàng Sa lẫn Trường Sa là một nhiệm vụ cực kỳ quan yếu như đã có ghi trong văn bản cổ của tộc họ Đặng ở Lý Sơn.

    MINH THU thực hiện

    Nhớ Hoàng Sa

    Ông Nguyễn Văn Đức - “đảo trưởng” đợt thứ 38 (từ tháng 10-1969 đến tháng 2-1970) - chìa cho chúng tôi xem tấm sự vụ lệnh màu giấy ố vàng bởi đã qua gần 40 năm cất giữ. Người đàn ông với mái tóc đã ngả sang màu muối tiêu trầm ngâm: “Tôi giữ tấm giấy này như một kỷ vật về Hoàng Sa. Vùng đất mà tôi chỉ ở có ba tháng lúc còn trai trẻ, đến bây giờ đã gần thất thập nhưng những gì diễn ra trong thời gian ở đó vẫn hiển hiện trong tôi như mới hôm qua, hôm kia”.

    Ông Đức nhớ lại: “Lúc đó tôi mới tròn 22 tuổi. Cùng đi với tôi còn có 34 người được biên chế thành một trung đội. Tàu xuất phát lúc 20g hôm trước từ cảng Tiên Sa, đến 16g ngày hôm sau thì đến Hoàng Sa. Do gần bờ có nhiều rạn san hô, tàu lớn không cập bờ được nên chúng tôi phải di chuyển lên đảo bằng canô”.

    Theo lời ông Đức, trong chuyến tàu ra đảo năm ấy, nhóm ông còn mang theo 30 con gà, 30 con vịt, hai con heo. Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, họ làm thịt con heo lớn cúng đảo, rồi lấy thịt ướp để dành ăn dần.

    Ông Đức chậm rãi kể: trên đảo có một tòa nhà lớn (dành cho đảo trưởng) cao khoảng 8m, tường rất dày, có trang bị hai khẩu đại liên 50mm. Trong phòng làm việc của đảo trưởng ở tòa nhà này có một bức tường ghi tên tất cả những người lính ra giữ đảo. Hai ngôi nhà khác được xây kiên cố cho các tốp lính, kho chứa quân trang, quân dụng và lương thực, thực phẩm. Trên đảo có máy phát điện dùng dầu, chỉ chạy vào chiều tối và khi cần thiết. Có một nhà kho chứa lương thực dự trữ đủ dùng cho một trung đội trong một năm.

    Ông Đức nói rằng thời tiết ở Hoàng Sa bình thường rất dễ chịu nhưng mùa mưa hay có bão biển nên các ngôi nhà trên đảo đều được xây rất kiên cố. Mỗi khi có gió mạnh, hễ đi tuần tra trên đảo thì phải chọn hướng đi cùng chiều, nếu không rất dễ bị gió quật ngã xuống biển.

    “Tụi tôi sống với nhau rất hòa thuận, như anh em một nhà. Mấy anh bên khí tượng cũng vậy. Xa đất liền, xa gia đình biền biệt suốt ba tháng liền không thư từ, tin tức nên anh em gắn bó với nhau lắm. Hồi ấy tôi còn trẻ, chưa bận bịu chuyện gia đình nhưng rất nhớ Sài Gòn. Vậy mà về Sài Gòn thì lại nhớ lúc ở Hoàng Sa” - ông Đức tâm sự.

    KIM EM - ĐĂNG NAM







    Posted by Tuổi Trẻ on April 26, 2009 at 00:28:03:


    [history-hoangsatruongsa]