Thứ Năm, 23/04/2009, 11:15 (GMT+7) Hoàng Sa tươi đẹp trong trí nhớ Theo kế hoạch, ngày 25-4, Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ bổ nhiệm trực tiếp Chủ tịch của UBND huyện đảo Hoàng Sa. Theo đó, huyện này sẽ tập hợp tư liệu xuất bản kỷ yếu về Hoàng Sa, xây dựng bảo tàng để trưng bày, giới thiệu những hiện vật, thư tịch... về Hoàng Sa. Và một cuộc họp mặt "đặc biệt" giữa chính quyền và công dân huyện đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng vừa diễn ra ngày 20.4 hết sức cảm động. Sự "đặc biệt" không chỉ ở con số dưới... 10 người, mà còn ở thái độ của lãnh đạo chính quyền từ cung cách quan tâm, cư xử cho đến xưng hô... hết sức trân trọng, nâng niu những "công dân hiếm" của mình. Họ là năm trong số ít những nhân chứng từng sống và làm việc tại Hoàng Sa, giờ đều ở tuổi "thất thập cổ lai hy". Dù mắt họ đã mờ, chân yếu, nhưng trong ký ức, một thời trai trẻ ở Hoàng Sa vẫn hào hùng, tươi đẹp như ngày nào. Hoàng Sa - dải đất thiêng liêng của tổ quốc - trong những câu chuyện kể của họ giàu đẹp, lung linh đến lạ thường, nhưng cũng mang nỗi khắc khoải, thổn thức, bởi với họ, những ký ức đẹp đẽ ấy giờ chỉ còn là hoài niệm... Bài 1: Người công binh và giấc mơ dang dở Tôi vào Internet, mở Google Earth cho ông xem ảnh về đảo Hoàng Sa bây giờ. Mắt ông sáng lên vì bắt gặp những hình ảnh thân quen, nhưng rồi chợt chùng xuống ngay. Lặng thinh một hồi, ông chỉ tay vào bản đồ nói tiếp: "Lẽ ra cái sân bay ấy giờ là của Việt Nam mình, do chính tay chúng tôi xây dựng...". Ông là Nguyễn Văn Cúc, 61 tuổi, nguyên là lính công binh thời quân đội Sài Gòn cũ, là người cuối cùng rời Hoàng Sa - tháng giêng 1974. Ông Cúc bị bắt trong chuyến công tác thứ tư ra Hoàng Sa khảo sát, thiết kế để xây dựng một sân bay trên đảo... Duyên nợ với Hoàng Sa Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của chính quyền UBND huyện đảo Hoàng Sa và 5 công dân của mình - những người từng sống, làm việc trên đảo Hoàng Sa trước năm 1974 vào chiều 20.4.2009 làm tôi giật mình: Các cụ đã quá già yếu, có người đã nói trước quên sau, những câu chuyện, những kỷ niệm, kỷ vật quý giá về Hoàng Sa không mấy chốc sẽ theo các cụ về Tây Thiên cực lạc. Đó là lý do tôi lần theo địa chỉ, đến gõ cửa nhà của từng cụ để mong được hóng chuyện về Hoàng Sa. Người trẻ nhất trong số 5 nhân chứng sống Hoàng Sa tại Đà Nẵng là ông Nguyễn Văn Cúc, 61 tuổi, sống nhàn cư trong một ngôi nhà cổ tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. Ngôi nhà ông rợp mát bởi bóng những hàng xoài rậm lá, gió biển thốc vào lồng lộng làm loãng đi cái oi bức của trưa hè. Ông đã lao nhọc tham gia kiến tạo hạ tầng trên đảo, thương quý những sinh cảnh tuyệt vời của tạo hóa nơi ấy, rồi đến bờ vực của sự sống - còn khi xảy ra hải chiến - 1974, để trở về với đất liền. Ông nói: "Con người ai cũng có số mệnh định sẵn. Và tôi như có duyên số với Hoàng Sa". Ông Cúc sinh ra trong một gia đình ngư dân ở làng chài Mân Thái, trên bán đảo Sơn Trà. Ông cha đã bao đời lênh đênh trên biển làm nghề đánh cá. Nhưng ông chỉ được theo cha vài lần ra khơi, vì còn phải đi học. Để khỏi đối đầu với những cuộc chiến sinh tử thời loạn lạc, năm 1970, ông đã xin vào làm công binh kiến tạo ở Liên đoàn 8, Đại đội 812 thuộc quân đội Sài Gòn cũ, đóng tại Đà Nẵng. Nhưng rồi thời gian tham gia xây dựng cầu, đường, xây nhà gia binh chưa được bao lâu thì ông Cúc bị điều đi Hoàng Sa. Cái lý do mà họ chọn ông không chỉ có thể lực tốt, là con nhà ngư dân, mà còn vì ông có bằng thuyền trưởng, có kinh nghiệm đi biển. Và từ năm 1972-1973, ông đã 3 lần theo tàu chiến để hải hành đến Hoàng Sa khảo sát, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Công trình sửa chữa hệ thống bể ngầm chứa nước ngọt trên đảo chính là tiêu tốn nhiều thời gian nhất. Đó là hệ thống gần 30 hầm ngầm xung quanh ngôi nhà được đặt làm trụ sở của đài khí tượng thuỷ văn, mỗi hầm có sức chứa trên 1.000 mét khối nước, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhiệm vụ của ông Cúc cùng đồng nghiệp là khảo sát, sửa chữa để bền vững hoá và xây thêm bể chứa nước phục vụ nước ngọt cho cả quần đảo Hoàng Sa. Mỗi nhiệm kỳ đi Hoàng Sa là 3 tháng, nhưng ông đã phải nhiều lần ra vào quần đảo này để khảo sát, thiết kế, phục vụ cho việc lập dự án, chuyển vật tư thiết bị từ đất liền ra. Biển đảo Hoàng Sa hoang sơ tuyệt đẹp đã in đậm trong tâm trí ông Cúc, như tuổi thơ của ông vẫn đầm mình trên biển Mỹ Khê ở quê nhà. Chuyến hải hành cuối cùng Lần ra Hoàng Sa cuối cùng của ông Cúc là thực hiện nhiệm vụ khoan lấy mẫu đất, khảo sát thực địa để phục vụ dự án xây dựng sân bay trên đảo Hoàng Sa. Cùng đi lúc ấy có một chuyên gia người Mỹ, hai sĩ quan quân đội. Tuy nhiên, lần trở về ấy đầy trắc trở khi xảy ra chiến sự trên biển. Tôi cùng hơn 30 lính địa phương quân đóng trên đảo cùng một số cán bộ của đài khí tượng thuỷ văn đã bị bắt, bị dẫn độ đi nhiều nơi, hơn 1 tháng sau, chúng tôi mới được đưa về Hồng Kông, bàn giao cho Hội Chữ thập Đỏ. Từ Hồng Kông bay về sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn trên chiếc Boeing 207. Cuộc trở về từ cõi chết ấy đẫm nước mắt, không chỉ vì mừng vui sống sót, được đông đảo học sinh, sinh viên, báo chí ra tận sân bay chào đón với biểu ngữ "Anh hùng Hoàng Sa đảo trở về", mà chúng tôi còn đứt ruột vì bay ngang qua Hoàng Sa - dải đất thiêng liêng của tổ quốc vừa chìm trong khói lửa, bị tạm mất. Giấc mơ xây dựng sân bay của Việt Nam tại Hoàng Sa của chúng tôi đã thành dang dở. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, ông Cúc về xin vào lái xe cho Ban An ninh quận 3 (Công an quận Sơn Trà bây giờ). Năm 1978 chuyển sang Cty vận tải ôtô Quảng Nam - Đà Nẵng rồi công tác đến năm 1997 mới xin về hưu sớm. Cái làng chài Mân Thái thưa thớt dân cư, quanh năm chỉ nghe sóng vỗ của ông Cúc bây giờ đã xênh xang phố mới. Bờ biển nghèo, nay san sát resort, nhà hàng cao cấp, nhưng ngôi nhà cổ của ông Cúc vẫn khiêm tốn trong hẻm sâu. Ông Cúc tâm sự: Con tôi những hai gái, một trai. Trong đó, Nguyễn Thành Nhân là thằng con trai mà vợ tôi mang bầu trong lúc chia tay đi Hoàng Sa lần cuối. Lần ra đi định mệnh ấy, tôi luôn day dứt khi nghĩ về đất liền, vợ con. Thế nhưng, bây giờ con tôi ít đứa nào biết về Hoàng Sa, hỏi chuyện về Hoàng Sa cả. Ngoài một số ít những bài báo gần đây, hiện có quá ít thông tin, sách vở nói về Hoàng Sa. Tôi thường cô đơn với ký ức của mình. May mà đến năm 2007, UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức gặp mặt những nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa, tôi mới gặp lại những người đồng cảm với mình. Lần gặp thứ hai này, được biết chính quyền sẽ xuất bản kỷ yếu, sách về Hoàng Sa, tôi càng mừng. Con cháu mình cần phải biết nhiều hơn về mảnh đất thiêng liêng, vợi xa nhưng vô cùng đẹp đẽ ấy của tổ quốc. Tôi cũng sẵn sàng kể chuyện Hoàng Sa cho các cháu học sinh, sinh viên, nếu ngành giáo dục địa phương tổ chức được những buổi học lịch sử ngoại khoá... THANH HẢI - Lao Động
|