Thứ Sáu, 24/04/2009, 14:33 (GMT+7) Sống lại ký ức Hoàng Sa Một cán bộ UBND huyện đảo Hoàng Sa cho biết, sau khi UBND TP.Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (25.4.2009), chính quyền mới của huyện đảo này cũng theo đó được kiện toàn. Đặc biệt, huyện Hoàng Sa sẽ cùng với Sở Nội vụ, xúc tiến lại đề án xây dựng trụ sở, bộ máy chính quyền chuyên trách, bảo tàng và một số chương trình tuyên truyền, giáo dục khác về Hoàng Sa. Những thông tin, tư liệu về Hoàng Sa sẽ có điều kiện đến với rộng rãi công chúng, học sinh, sinh viên hơn. Những câu chuyện sống động về Hoàng Sa của những nhân chứng, người từng sống và làm việc tại Hoàng Sa sẽ được kể nhiều hơn. Họ sẽ không còn "cô đơn" với ký ức của mình... >> Hoàng Sa tươi đẹp trong trí nhớ Một Hoàng Sa linh thiêng Ông Nhự là một trong số ít những người đi ra Hoàng Sa đến 3 nhiệm kỳ (9 tháng, từ 1968-1971), bởi theo ông: "Tôi bỏ cuốc bên ruộng, leo lên bờ là thành viên chức ngành khí tượng. Những công việc của tôi do các anh chị đồng nghiệp hướng dẫn, chứ không được đào tạo qua trường lớp nào như người khác. Bởi con đông nên tôi phải chịu khó, xung phong đi Hoàng Sa nhiều lần. Tôi đi Hoàng Sa, cơ quan lo toàn bộ chuyện ăn ở, lương 6.000 đồng/tháng, ở nhà vợ và 5 con nhận đầy đủ". Ông kể, công việc thường ngày của cán bộ thuỷ văn cũng như lính địa phương quân ở Hoàng Sa rất nhàn hạ. Giờ rảnh rỗi, họ thường kéo nhau ra miếu thờ Phật Bà Quan Âm để hóng mát, xem cá. Đó là ngôi miếu cổ sát mép biển phía nam của đảo chính. Trước miếu có hai phiến đá to, nhô hẳn ra mặt biển, tạo hàm ếch lớn. Đó là nơi mà vô vàn cá hồi, cá nhám, cá khế, tôm mực... tung tăng trong làn nước trong vắt như tiên cảnh. Tại đây, ngoài tượng Phật bằng đá cao khoảng 1,5 mét, còn có 2 ghế cố định bằng bêtông, giường thờ... Trên đó có để cuốn sổ vừa ghi bằng tiếng Pháp, vừa tiếng Việt. Câu chuyện trong cuốn sổ cho biết, người Pháp đã cho phu đưa tượng Phật cổ vô Đà Nẵng. Việc vận chuyển qua biển cả lại êm xuôi, nhưng khi cập bến sông Hàn - đoạn gần Cổ viện Chăm, Phật tượng này bỗng nặng trĩu, bao nhiêu cần cẩu to, hiện đại đến cũng không nhấc lên nổi hoặc bị gãy. Hoảng sợ trước sự linh thiêng của tượng, họ đã vội chuyển tượng ra lại Hoàng Sa, đặt tại vị trí cũ và tu bổ miếu thờ. "Sách lưu niệm ghi sờ sờ ở đấy, vậy mà có người không tin. Một hôm nọ, có 2 cậu lính địa phương quân thấy quá nhiều cá trước miếu nên rủ nhau đem lựu đạn ra đánh. Kẻ trước người sau dắt díu nhau ra khoảng 10 mét, rồi người đi trước rút chốt. Thế nhưng không hiểu sao, cậu lính đó không chịu ném lựu đạn, mặc cho người bạn phía sau hoảng hốt hối thúc. Lựu đạn nổ, cá không chết, nhưng cả 2 người đều phải bị nằm lại tại nghĩa địa với tiền nhân trên đảo, với 2 tấm chiếu cá nhân. Từ đó, không còn ai dám đánh cá trên đảo bằng lựu đạn, thuốc nổ nữa". Chúng tôi một mực không tin, nhưng ông Nhự quả quyết rằng, 2 người lính ấy chết có ít nhất 30 người trên đảo bấy giờ chứng kiến, chôn cất họ. Và cả câu chuyện về súc gỗ thần kỳ bên miếu thờ Phật. Ông Nhự kể rằng, chính vì mình hay siêng năng chuyện hậu cần, cơm nước, nên khi thấy súc gỗ to, chắc, ông đã mang rìu ra định chẻ làm củi. Nhưng nhiều lần leo lên đều trượt ngã. Ông đã nhờ mấy người lính ra đẩy giúp. Nhưng sức trẻ của họ cũng chịu thua khi bổ rìu xuống là gỗ toé lửa lên bất thường. Những câu chuyện nửa thực, nửa hư của ông lão ở tuổi 86 có thể khó thuyết phục người nghe, nhưng chúng tôi trân trọng bởi đó là những kỷ niệm, điều ông tin tưởng, ấp ủ cả một đời người. Song có điều thật mà nhiều "công dân" Hoàng Sa xác nhận, đó là ngôi miếu thờ là nơi ấm áp nhất trong tâm linh người đi biển, đảo. Nhất là đối những tàu cá ngư dân dạt vào tránh bão ở Hoàng Sa, họ lên đảo thắp hương tại miếu, hướng tâm linh đến đức Phật, tạ ơn sự che chở của đảo. Bây giờ ở tuổi xế chiều, ông Nhự an nhàn nơi đồng quê với ruộng vườn ở Hoà Tiến. Mười cô con gái đã thành gia thất, cậu con trai út... thứ 14 của ông cũng đã sinh con. Nhưng những kỷ niệm, câu chuyện về một Hoàng Sa linh thiêng vẫn in đậm trong tâm trí ông và được hăng hái kể như chuyện mới vừa xảy ra. Ngọn "hải đăng" Hoàng Sa Ông Nguyễn Duy Nhất - Phó GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng, một trong những cán bộ kiêm nhiệm của chính quyền Hoàng Sa tại cơ quan thường trú của huyện đảo ở Đà Nẵng - đã tỏ ra vui mừng trước việc UBND TP sẽ bổ nhiệm chủ tịch mới của huyện. Ông nói: "Việc đầu tiên của chính quyền mới của UBND huyện đảo Hoàng Sa là sẽ nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm những thông tin, dữ liệu về Hoàng Sa để xuất bản cuốn kỷ yếu đầu tiên của huyện đảo. Tiếp đó, chúng tôi sẽ khởi động lại dự án xây dựng trụ sở UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Hoàng Sa và bộ máy cán bộ chuyên trách của UBND huyện". Theo ông Nhất, thì đề án xây dựng trụ sở UBND huyện đảo Hoàng Sa đã có từ vài năm trước đây. Hiện các bộ, ngành trung ương đã cơ bản thông qua, tuy nhiên còn một vài vướng mắc về kế hoạch tài chính nên chưa thực hiện được. Dịp này là cơ hội tốt để xúc tiến lại dự án đó. Tôi lại tò mò hỏi ông, là Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, với số ít những "công dân hiếm", già, nơi làm việc sẽ không có cảnh đông đúc dân chúng chen nhau giải quyết những thủ tục hành chính, không có cảnh kiện tụng việc tranh chấp đất đai..., vậy ông sẽ làm gì? Ông Ngữ rất muốn chia sẻ dự định của chính quyền, nhưng chưa tiện nói trước: "Chúng tôi đã có sẵn những kế hoạch, nhưng làm đến đâu sẽ nói đến đấy vậy". Thế sau này, học sinh, sinh viên, những người dân của địa phương khác tò mò đến thăm UBND huyện đảo Hoàng Sa, kể cả đoàn khách nước ngoài thì ông sẽ "tiếp" họ bằng những câu chuyện gì? "Hơn 500 hiện vật, thư tịch... hiện có ở Bảo tàng Hoàng Sa (đặt tại trụ sở cơ quan thường trú UBND huyện Hoàng Sa tại Đà Nẵng - PV), những câu chuyện từ các nhân chứng, sách báo, kỷ yếu... về Hoàng Sa sẽ giúp chúng tôi giới thiệu với du khách" - ông Ngữ cũng kết thúc câu chuyện dở dang với những lời từ chối khéo léo. Tuy vậy, một thông tin mới đến từ GĐ Sở GDĐT Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hoa - đã giải thích thêm: "Kể từ năm học 2009-2010, ngành GDĐT Đà Nẵng sẽ chính thức đưa vào chương trình chính khoá, dạy về lịch sử, văn học, địa lý địa phương, trong đó có chương trình giáo dục lịch sử về Hoàng Sa. Đây là chủ trương lớn của Bộ GDĐT, và đề án của Sở GDĐT cũng đã được UBND TP.Đà Nẵng thông qua. Ngoài ra, thực hiện chủ trương "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", ngành GDĐT Đà Nẵng sẽ tổ chức cho các thầy cô, học sinh, sinh viên đi tham quan, tìm hiểu văn hoá, lịch sử của các bảo tàng, đình làng, các công trình văn hoá, trong đó sẽ đến tham quan các địa chỉ liên quan đến Hoàng Sa. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị UBND huyện đảo Hoàng Sa phối hợp với Sở GDĐT, tạo điều kiện cho ngành giáo dục đưa giáo viên, học sinh đến tham quan Bảo tàng Hoàng Sa. Tổ chức các buổi ngoại khoá để các thầy cô và học sinh có dịp nghe các nhân chứng sống của Hoàng Sa kể chuyện lịch sử...". Như vậy, những ước nguyện, mong muốn mà các nhân chứng đã một phần nào được đáp ứng. Hoàng Sa sẽ được nhắc nhớ nhiều hơn, nhất là cho thế hệ mai sau. Những chương trình, kế hoạch đó sẽ là "ngọn hải đăng" Hoàng Sa từ đất liền. THANH HẢI - Lao Động
|