Thứ Sáu, 08/05/2009, 16:15 (GMT+7) Lặng lẽ vì Hoàng Sa Tôi bất ngờ và choáng ngợp trước khối sách báo, thư tịch, những thông tin liên quan đến Hoàng Sa mà nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương (Đà Nẵng) âm thầm sưu tập từ hơn 10 năm nay. Hành trình tìm tư liệu, nhân chứng Tại cuộc họp mặt đặc biệt giữa chính quyền và công dân huyện đảo Hoàng Sa - những người từng sống và làm việc tại Hoàng Sa trước 1974 hôm 20.4, ông Đặng Công Ngữ - người sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện đảo này - đã tha thiết kêu gọi các nhân chứng hãy cung cấp những hiện vật, dữ liệu về Hoàng Sa. Đặc biệt, là xin các cụ cố nhớ, giới thiệu những người khác, từng là bạn, là đồng nghiệp của mình ở Hoàng Sa trước đây, giờ còn sống. Ngay lập tức ông Nguyễn Nhự, nguyên là viên chức đài khí tượng Hoàng Sa (1968-1970) giới thiệu thêm nhân chứng sống khác: "Tôi biết còn có ông Võ Giới, người thôn Liêm Lạc, xã Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Ông Giới là chiến sĩ du kích cách mạng, khi tham gia đánh trận Mậu Thân - 1968 vào Đà Nẵng đã bị bắt vì có người chiêu hồi chỉ điểm. Để "dằn mặt" phong trào cách mạng lúc đó, chính quyền Sài Gòn cũ đã tuyên án tử hình đối với ông Giới và đày ra Hoàng Sa...". Thông tin ấy thật sự chấn động đối với chính quyền, báo giới và cả những nhà sử học, bởi xưa nay chưa ai biết, nói về việc có tử tù bị đày ở Hoàng Sa mọi thời kỳ... Tôi khấp khởi mừng thầm vì đã "ngửi" thấy bài phóng sự, lặng lẽ tìm về Hoà Xuân. Con đường quê vàng ươm trong nắng sớm, rực rỡ bởi lúa chín đơm trĩu lên cả bờ. Đến quán nước đầu thôn hỏi đường thì may mắn đúng địa chỉ: "Ừ, thì đây chính là thôn Liêm Lạc!" - người nhà quê vốn nhiệt tình. "Chú hỏi ông Giới già hay trẻ? Có phải ông Giới tử tù không?". Chao ôi, chính xác quá rồi! Theo chỉ dẫn của chị chủ quán tốt bụng, tôi tất tả vượt qua quãng đồng còn lại để đến nhà ông Giới. Thấy khách lạ, ông Giới bỏ dở việc lợp ngói, tụt vội từ trên mái nhà xuống. Một ông lão nguyên là tử tù, nhưng giờ phương phi, nhanh nhẹn, tôi không bỏ lỡ cơ hội để ghi nhanh mấy tấm hình. Không kịp rót nước cho khách, ông hồ hởi kể lại quá trình tham gia cách mạng, bị bắt, rồi bị tuyên án tử hình. "Sau khi bị nhốt thêm 6 tháng, họ đưa tôi đày ra đảo..." - ông Giới thực sự xúc động khi kể về chuyện cũ, còn tôi thì ngước mòm như nuốt từng lời kể, ghi chép cẩn thận như sợ nó sẽ mất theo ông vì tuổi già. Rồi bộp chộp: "Xin ông kể về những kỷ niệm đặc biệt của mình khi ở Hoàng Sa!". "Hoàng Sa nào? Tôi bị đày ra... Côn Sơn!" - Ông Giới trợn mắt, còn tôi thì chưng hửng, đánh rơi luôn cuốn sổ tay... Đây không phải lần đầu tiên "lạc đường", nhưng chưa bao giờ tôi thất vọng đến thế. Song đến khi nghe câu chuyện lặng lẽ đi tìm nhân chứng, tài liệu, sách báo... về Hoàng Sa của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương tôi mới thấy chuyện của mình không đáng để ông cười ruồi. Ông Tương không nhớ nổi số lần mình ngược xuôi vào Sài Gòn, ra Hà Nội, lục tìm đến các thư viện, bảo tàng, các trung tâm lưu trữ quốc gia, lội về các vùng quê để tìm nhân chứng, tư liệu Hoàng Sa kể từ năm 1998 đến nay. Bây giờ ông có cả một kho tư liệu, một "núi" sách báo viết về Hoàng Sa. Đó là chưa kể những nhọc nhằn về tâm trí, những trăn trở, thất vọng của ông khi chưa đưa được những thông tin quý giá về Hoàng Sa ra công chúng, độc giả. Lại cắm mốc Hoàng Sa Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương sắc sảo và minh mẫn lạ thường so với tuổi tám mốt của mình. Trong khi ở đầu đường Trần Quý Cáp, Đà Nẵng - ngã rẽ vào nhà ông chen chúc người trẻ tuổi ngồi rung chân càphê sáng, thì tôi đã thấy ông cắm cúi trên tập bản thảo (viết tay) "Quần đảo Hoàng Sa không thể chuyển nhượng của Việt Nam". Trụ sở UBND huyện đảo Hoàng Sa (dự kiến đóng trên bán đảo Sơn Trà) sẽ là điểm tham quan, du lịch, điểm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của người dân cả nước.
Hoá ra, từ năm 2008, khi ông Tương đặt vấn đề xin xuất bản cuốn sách khảo cứu văn hoá - lịch sử về Hoàng Sa, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã chấp thuận, xem đây là một công trình khoa học xã hội nhân văn của địa phương. Khi đề án này được đệ trình lên Thành uỷ, UBND TP.Đà Nẵng, lãnh đạo địa phương đã giao cho Sở Nội vụ - Cơ quan thường trú huyện đảo Hoàng Sa tại Đà Nẵng chủ trì cùng Sở khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng đọc bản thảo, thẩm định... Những công việc ấy đã diễn ra suôn sẻ từ năm 2008 đến nay. Theo ông Nguyễn Duy Nhất, Phó GĐ Sở Nội vụ, bản thảo cuốn sách viết về Hoàng Sa của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương đã được các cơ quan liên quan thẩm định, đồng thuận và đánh giá rất cao. Sở Nội vụ đã trình Ban Tuyên giáo, Thường vụ Thành uỷ và đã có công văn phúc đáp việc phê duyệt, chuẩn bị cho xuất bản. Đây là niềm vui, nỗi mong chờ không chỉ riêng đối với tác giả. Cuốn sách này thực ra ông Nguyễn Phước Tương đã nung nấu, ấp ủ hàng chục năm nay, ông lặng lẽ sưu tầm, dịch thuật, viết đề cương sẵn cho cuốn sách. Đó là một tập hợp những tư liệu quý giá, chính thống từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, những tư liệu đã từng được Nhà nước kiểm soát, công bố, từ hơn 150 tư liệu, sách bằng tiếng Pháp, tiếng Việt, chữ Hán mà ông Tương đã chắt lọc, biên khảo. Trong đó có 20 bản đồ cổ từ các nước phương Tây, Trung Quốc và các triều đại phong kiến Việt Nam, thể hiện, minh chứng rõ về chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Đặc biệt, ông Tương đã dịch thuật từ 26 cuốn tài liệu bằng tiếng Pháp, trong đó có nhiều cuốn giá trị như "Bí mật của san hô vòng của quần đảo Hoàng Sa" của tác giả Jean Yves Claeys viết năm 1944 tại Pháp. Ông Claeys viết cuốn sách này nhân một chuyến đi ngang vào Hoàng Sa, tàu bị mắc cạn, sắp đắm. Trong đó, ông Claeys ghi rõ Hoàng Sa thuộc chủ quyền của xứ Đàng Trong. Hay cuốn "Góp phần nghiên cứu quần đảo Hoàng Sa" của Maurice Clergest viết năm 1932. "Ghi chép về quần đảo Hoàng sa" của E.Saurin viết về địa chất của quần đảo năm 1955. Sách "Quần đảo Hoàng Sa theo các thư tịch cổ về lịch sử và địa lý" của tác giả Võ Tòng Lê, viết bằng tiếng Pháp năm 1974... Tất cả những tư liệu ấy, dù viết về lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, song đều nêu rõ nguồn gốc, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Theo ông Nguyễn Phước Tương, cuốn sách dự kiến dày gần 500 trang, gồm 17 chương. Trong đó ông Tương đã phân chia hợp lý từng nội dung để tận dụng, đưa được nhiều nhất những thông tin liên quan đến Hoàng Sa. Đặc biệt ở chương 4 - các di tích và bất động sản ở Hoàng Sa, ông Tương đã viết chi tiết, chú dẫn cẩn thận về hơn 20 di tích của người Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Điều tôi quan tâm nhiều nhất là phần lớn những di tích ấy vẫn còn hình ảnh, hiện vật, và còn trong trí nhớ của những nhân chứng sống hiện đang ở Đà Nẵng mà tôi đã từng nghe họ kể. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, nguyên là một giáo viên ngành khoa học xã hội và nhân văn thời Pháp thuộc. Năm 1945, ông lại đảo chiều, đi học bác sĩ thú y và dạy ở Đại học Nông nghiệp 2 ở Hà Bắc, mãi đến năm 1977 ông mới về lại Quảng Nam quê nhà. Từ năm 1977 đến 1999, ông Tương lại lao vào nghề kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp, rồi làm công tác nghiên cứu ở trung tâm thông tin tư liệu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Tuy nhiên, dù làm ở đâu, nghề gì thì ông Tương vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học, viết sách. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách khoa học tự nhiên về ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thú y; nhưng đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm văn học, khảo cứu văn hoá, lịch sử nổi tiếng như "Tiếng kêu cứu của trái đất", sách song ngữ Pháp - Việt "Đô thị cổ Hội An và những di sản tiêu biểu", "Xứ Quảng - vùng đất và con người"... Ngoài ra ông cũng có nhiều tác phẩm văn học viết về con người, vùng đất và lịch sử của địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông Tương tâm sự: "Được tìm hiểu, nghiên cứu, viết về Hoàng Sa, Trường Sa đó là niềm vui, mong ước khát khao của không chỉ riêng tôi. Tôi chỉ làm bởi sự thôi thúc của một người công dân khi nghĩ về mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc nhưng số phận lại hẩm hiu. Tôi biết có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, phần lớn người dân cũng âm thầm, lặng lẽ vì Hoàng Sa như mình. Nhưng sự tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền huyện Hoàng Sa, chính quyền TP.Đà Nẵng hôm nay đối với sự ra đời cuốn sách của tôi hôm nay là điều đáng mừng nhất không chỉ riêng đối với người dân Đà Nẵng. Tôi tin, rồi đây sẽ có nhiều tác giả, nhiều cuốn sách hay về Hoàng Sa đến được với độc giả". Tôi mừng vui lây cái niềm vui của nhà nghiên cứu già tận tuỵ, và nghĩ rằng, những nỗ lực của mọi công dân thế hệ này đang làm cũng giống như bao lớp tiền nhân đi trước, thêm một lần cắm mốc cho Hoàng Sa. Thanh Hải - Lao Động
|