Thứ Bảy, 09/05/2009, 04:45 (GMT+7) Tờ châu bản thời Bảo Đại khẳng định đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam TTCT - Nhà nghiên cứu Phan Thuận An vừa gửi tới Tuổi Trẻ Cuối Tuần thêm một cứ liệu mới chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đó là một tờ châu bản, được ông tìm thấy tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại). Chúng tôi giới thiệu bài viết của ông về tờ châu bản này. Về chủ quyền của VN đối với đảo Hoàng Sa, trước đó chưa có công trình biên khảo nào đầy đủ, kỹ lưỡng, công phu và nghiêm túc bằng chuỗi bài của một số nhà nghiên cứu đăng trên Tập san Sử Địa số 29 mang nội dung “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa” (dày hơn 350 trang) xuất bản tại Sài Gòn đầu năm 1975. Trong đó các tác giả đã trưng dẫn khoảng 100 tư liệu sử sách báo chí bằng chữ Hán, chữ Pháp, chữ Anh, chữ Việt được viết từ thời Lê (1630) đến thời VN Cộng hòa ở miền Nam (1974). Mới đây chúng tôi phát hiện một tờ châu bản có chữ ký của vua Bảo Đại (1926-1945) mà một phần trong đó mang nội dung liên quan đến chủ quyền của Nam triều đối với quần đảo Hoàng Sa. Vào đầu triều Nguyễn, “châu bản” là loại văn thư chữ Hán viết trên giấy, nói về một công việc hay một công lệnh nào đó của triều đình, do các quan ở văn phòng nhà vua soạn thảo và dâng lên vua duyệt khán. Sau khi xem xét nội dung văn bản, nhà vua cho ý kiến của mình, hoặc đồng ý, hoặc bác bỏ, hoặc sửa chữa một số chi tiết trong đó bằng cách dùng bút phê ngay trên văn bản. Nhưng mực của vua dùng để phê ở đây phải là mực màu đỏ (châu), cho nên ý kiến của vua được gọi là “châu phê” và văn bản đã được vua phê duyệt gọi là “châu bản”. Ngay sau đó, văn kiện này được các nhân viên của văn phòng nhà vua sao chép ra để gửi đi thi hành. Còn bản chính được lưu trữ ở tòa nhà Đông Các, tức là thư viện của hoàng gia trong Tử Cấm thành. Về bộ phận văn phòng làm việc bên cạnh nhà vua, từ thời Minh Mạng gọi là “nội các”, đến thời Bảo Đại đổi tên là “ngự tiền văn phòng”. Các vua trước kia đều phê duyệt bằng chữ Hán với bút lông chấm mực son. Đến thời Bảo Đại, các châu bản được đánh máy bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp và nhà vua thường phê chuẩn bằng tiếng Việt với chữ “Chuẩn” (nghĩa là đồng ý cho thi hành) và ký tắt hai chữ BĐ (nghĩa là Bảo Đại) bằng bút chì màu đỏ ở ngay dưới chữ “Chuẩn”. Chúng tôi may mắn sưu tầm được một tờ châu bản có hình thức chữ nghĩa như thế trên một mặt của tờ giấy cỡ 21,5x31cm. Vì đây là một văn bản tương đối ngắn gọn nên chúng tôi xin chép lại nguyên văn phần nội dung chính của nó như sau: “Huế, ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15 Février 1939) Ngự tiền văn phòng kính tâu: Nay văn phòng chúng tôi có tiếp thơ số 177s-sp, ngày 10 tháng 2 năm 1939 của quí khâm sứ đại thần thương rằng ngạch binh thanh khố Trung kỳ có nhiều công lao trong việc dẹp yên các miền man di dấy loạn và việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa, nghĩ nên thưởng ngũ hạng Long tinh cho hiệu kỳ ngạch ấy và nhờ chúng tôi tâu lên hoàng đế ban chuẩn. Chúng tôi có phụng nghĩ dạng bản dụ ngữ ban chuẩn huy chương ấy cho ngạch binh thanh khố Trung kỳ, kính tâu lên hoàng đế tài định, như mông du doãn, hậu chỉ lục tuân. Nay kính tâu. Tổng lý đại thần, Thần: (ký tên: Trần Đình Tùng) Bên lề trái của văn bản, nhà vua có phê chữ “Chuẩn” và ký tắt hai chữ BĐ (Bảo Đại). Trong tờ “tấu” vừa nêu, tác giả của nó có dùng một số từ Hán Việt khó hiểu, nhưng có thể tóm tắt nội dung chính như sau: Vào ngày 10-2-1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong “việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”. Đến ngày 15-2-1939, tổng lý ngự tiền văn phòng Trần Đình Tùng dâng lên hoàng đế Bảo Đại tờ “tấu” xin nhà vua duyệt y và nhà vua đã phê “Chuẩn” (đồng ý cho thi hành). Còn chi phí về thưởng cấp huy chương thì do ngân sách của Tòa khâm sứ Trung kỳ đài thọ. Như thế là mọi việc đều đã diễn ra một cách suôn sẻ theo nguyên tắc hành chính bấy giờ. Trên đây là tờ châu bản gốc mà chúng tôi sưu tầm được. Nó quý ở chỗ đây là bản chính (chứ không phải bản sao), và quý nhất là nội dung của tờ châu bản này một lần nữa khẳng định rằng mãi cho đến trước khi Chiến tranh thế giới lần 2 xảy ra trên Thái Bình Dương, quần đảo Hoàng Sa vẫn còn thuộc về chủ quyền của VN, mặc dù đất nước bấy giờ đang ở dưới sự bảo hộ của Pháp. Châu bản thời Bảo Đại: Bằng chứng về sự thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa Nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã có công sưu tầm một châu bản có giá trị về sự thực thi liên tục chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc vào năm 1939. Đây là văn bản của nhà nước VN thời Pháp thuộc. Văn bản này là tờ tâu của tổng lý ngự tiền văn phòng hoàng đế VN Trần Đình Tùng trình lên hoàng đế Bảo Đại, và đã được hoàng đế phê chuẩn tặng huân chương Long tinh đệ ngũ đẳng cho lính khố xanh đóng đồn phòng thủ đảo Hoàng Sa. Sự kiện này xảy ra ngày 15-2-1939, trước hơn một tháng ngày Nhật tuyên bố kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (31-3-1939), trước gần bảy tháng Chiến tranh thế giới bùng nổ (5-9-1939). Tờ châu bản ngày 15-2-1939 có giá trị lớn về tính chất nguyên bản (bản chính) của văn bản nhà nước cấp cao nhất: văn phòng hoàng đế VN chuẩn việc tặng huân chương Long tinh đệ ngũ đẳng cho lính khố xanh có công phòng thủ quần đảo Hoàng Sa, thể hiện sự thực thi liên tục chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa. Ngay thời Pháp thuộc, VN mất quyền tự chủ, nhất là quyền ngoại giao, song thượng thư Bộ binh Thân Trọng Huề ngày 3-3-1925 cũng đã lên tiếng với viên khâm sứ Trung kỳ khi được hỏi về Hoàng Sa rằng: “Hoàng Sa thuộc về VN từ lâu và không có gì phải tranh cãi”. Trung Quốc sau này lại cứ bắt chước lời nói của thượng thư Bộ binh họ Thân song lại không có cơ sở lịch sử nào cả! TS sử học NGUYỄN NHÃ
|