Một đầu mối quản lý biển? >> Soạn Luật Biển: Tổ quốc là trên hết Đề xuất lập Cục Biển Trung Quốc đã có Cục hải dương, tương đương cấp bộ, làm đầu mối giải quyết tất cả những vấn đề liên quan tới biển đảo. Ở ta hiện còn đang có nhiều đầu mối, theo ông, chúng ta cần có một đầu mối quản lý? Muốn quản lý biển hiệu quả cũng như phát triển kinh tế biển, chiến lược biển, nhất là giải quyết vấn đề tranh chấp biển thì việc thu về một cơ quan có tên Cục Biển là một giải pháp tốt và cấp thiết phải thực hiện ngay. Nếu ta tập trung được một đầu mối quản lý biển thì đầu mối này trực thuộc nơi nào là tốt nhất, thưa ông? Đầu mối phải ở cấp bộ, trực thuộc Chính phủ mới có khả năng xây dựng chiến lược biển và điều phối các hoạt động về biển liên quan với các bộ khác. Chứng cứ không thể chối cãi Là một nhà nghiên cứu sử học đã có luận án liên quan tới Biển Đông và hải đảo, theo ông, chúng ta có những chứng cứ nào đủ cơ sở pháp lý để chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam, nếu trong trường hợp đưa ra tòa án quốc tế? Chính quyền Quảng Đông thời triều đại nhà Mãn Thanh năm 1909 cho các đảo ngoài quần đảo Pratas (mới đặt tên Đông Sa năm 1907) là vô chủ, nên đã cắm cột mốc, đặt tên là Tây Sa. Chính quyền Quảng Đông hồi ấy cho rằng hành động của họ không có nước nào phản đối cả. Song sự thật hồi ấy, Việt Nam bị Pháp đô hộ, mất hết quyền ngoại giao, không được phép phản đối hay lên tiếng về chủ quyền của mình. Tuy nhiên, một chính quyền địa phương như tỉnh Quảng Đông không có giá trị pháp lý quốc tế. Việc khai thác các sản vật ở Hoàng Sa và Trường Sa của đội dân binh Hoàng Sa và đội dân binh Bắc Hải thời Chúa Nguyễn và đầu nhà Nguyễn suốt từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX. Từ năm 1816, nhà Nguyễn đã dùng thuỷ quân xác lập chủ quyền theo phương cách phương Tây đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, trồng cây, đào giếng, lập đền thờ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Điều quan trọng đã làm đúng theo pháp lý quốc tế thời bấy giờ là chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước. Điều này không hề thấy có ở bất cứ nước nào đang tranh chấp về chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này đã ghi chép rõ không những trong các bộ chính sử của Quán triều Nguyễn như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực lục Chính biên, Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu cũng các tác phẩm địa lý cũng của triều đình Nguyễn như Đại Nam nhất thông chí, Hoàng Việt dư địa chí... Đặc biệt hơn nữa được ghi trong sách pháp chế Khâm định Đại nam hội điển sự lệ ghi chép từ năm 1836, thành lệ hàng năm, Thủy quân cùng dân binh Hoàng Sa đi cắm mốc, dựng bia, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Có giá trị pháp lý hơn nữa là vô số các văn bản nhà nước từ Châu bản Triều Nguyễn gồm các lời tâu của các bộ Công, bộ Binh cũng như lời Châu phê của vua Minh Mạng. Các tư liệu phương Tây, kể cả bản đồ như bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838 đính phụ lục trong cuốn tự điển Latinh - An Nam ghi rất rõ Paracel seu Cát vàng (seu tiếng Latinh có nghĩa hay là) nằm trong tọa độ hiện nay của Hoàng Sa chứ không phải ven biển như các nhà nghiên cứu Trung Hoa nói. Việt Nam không thiếu luật gia giỏi Nếu đưa vấn đề Hoàng Sa ra công lý quốc tế, chúng ta sẽ phải chuẩn bị những gì? Việc đưa ra toà án quốc tế như Tòa án La Haye thì phải có sự đồng thuận của các bên liên quan. Trước đây, chính quyền thực dân Pháp đã ít nhất 2 lần đề nghị với Trung Hoa đưa ra toà án quốc tế giải quyết tranh chấp, song không được phía Trung Hoa chấp nhận vì họ không có những bằng chứng gì cụ thể cả, chỉ mang tính suy diễn. Dĩ nhiên việc ta chuẩn bị những thẩm phán viên quốc tế, luật gia quốc tế cho các toà án quốc tế như Trung Quốc đã làm là điều cấp bách. Song hiện nay không thiếu những luật gia người Việt giỏi khắp nơi trên thế giới. Thưa ông, ngoài chính sách ngoại giao khôn khéo, dựa vào các nước Asean trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, ông từng phát biểu, cái quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để tạo ra được sự đồng thuận? Dựa vào khối Asean là điều tất yếu, dựa vào các nước khác đang quan tâm và có quyền lợi ở Biển Đông là điều chúng ta phải làm. Trong quá khứ, ông cha ta đã làm rất tốt khi phải đối đầu với nước lớn bên cạnh mình. Thời đại ngày nay có khác với thời đại phong kiến xưa, nhưng có những khó khăn, nhạy cảm không kém xưa. Tôi cho rằng Biển Đông là thử thách lớn lao chưa từng có trong lịch sử ngàn năm nay, vừa có nhiều nguy cơ vừa quá trọng đại, hiểm yếu vì thời đại kinh tế biển phát triển, Biển Đông là yết hầu của nước ta. Không có nó, Việt Nam không những không phát triển mà không thể tồn tại. Vì thế rất cần bản lĩnh của người lãnh đạo và sự đồng thuận của toàn dân tộc. Muốn đồng thuận thì lãnh đạo phải biết nghe ý dân, nhất là các vị lão thành cách mạng và trí thức. Đoàn Quý Nên thành lập Bộ Biển trực thuộc Chính phủ. Tôi xin nhắc lại nước ta là một quốc gia biển, được biển bao quanh, sông chảy ra biển, hưởng lợi từ biển từ ngàn đời nay. Xin đừng quên điều đó. , Tôi thấy những vấn đề cấp bách mà giáo sư nêu trên là cần thiết. Chúng ta nên kêu gọi tất cả các đồng bào người Việt quan tâm đến vấn đề này, cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Rất cần những nghiên cứu và những người nghiên cứu như thế này. Bài viết không lớn tiếng tranh luận nhưng có sức thuyết phục. Bài viết không có câu khẩu hiệu nào nhưng có sức kêu gọi. Người viết rất bình tĩnh nhưng thể hiện rất rõ sự lo lắng của người viết cho vận mệnh đất nước. Chúng tôi trân trọng bài viết và kính trọng người viết.
|