Bảo vệ chủ quyền và thông tin Trân Văn, phóng viên RFA Thanh niên Sinh viên Việt Nam biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn hồi cuối năm 2007, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông - tên gọi một nhóm nghiên cứu phi chính phủ, thành hình sau hàng loạt những bất ổn, đe dọa chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông - vừa cho biết đang và sẽ còn tiếp tục công bố rộng rãi những tài liệu nhằm “góp phần nâng cao ý chí, ý thức và kiến thức của người Việt trong cuộc đấu tranh vì chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như tại Biển Đông”. Có gì đáng chú ý và cần ngẫm nghĩ quanh chuyện nhiều thế hệ người Việt cùng sưu tầm, hệ thống hoá và phổ biến những thông tin liên quan tới Hoàng Sa, Trường Sa cũng như chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông? Trân Văn trao đổi với ông Dương Danh Huy – một thành viên của Qũy Nghiên Cứu Biển Đông... Nghiên cứu Biển Đông Trân Văn: Thưa ông, chúng tôi được biết Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông đã tổ chức sưu tầm, sau đó đánh máy, và đã cũng như sẽ công bố một số tài liệu có liên quan đến Biển Đông cũng như có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về việc này được không ạ? Ông Dương Danh Huy: Gần đây Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông chúng tôi tổ chức đánh máy 4 tài liệu khác nhau liên quan tới Biển Đông. Đây là những tài liệu mà chúng tôi cho là rất quý cho trí thức Việt Nam nói riêng và mọi người Việt Nam nói chung, để chúng ta có thể hiểu rõ thêm vấn đề, để xây dựng thêm ý chí, ý thức và kiến thức của người Việt liên quan tới vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa và Biển Đông. Tài liệu thứ nhất mà chúng tôi phổ biến là Tập san Sử Địa 29: Đặc khảo Hoàng Sa, Trường Sa . Đây là một tập san dưới thời Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1975. Tập San Sử Địa số 29 ra đời sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Đặc khảo gồm nhiều bài viết của nhiều học giả Việt Nam Cộng Hoà hồi đó, và từ đó cho tới nay Tập San Sử Địa Số 29 là một trong số rất ít những quyển sách của chúng ta có về Hoàng Sa-Trường Sa, thành ra đây là một tài liệu rất quý. Tài liệu thứ nhì mà chúng tôi phổ biến là Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển. Công ước này ra đời từ năm 1982, và năm nay Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, được sự giúp đỡ của các cộng tác viên, đã đánh máy bản dịch tiếng Việt của công ước này và công bố rộng rãi với sự giúp đỡ của Vietnamnet. Đây là lần đầu tiên người Việt chúng ta phổ biến rộng rãi bộ luật quan trọng này. Tài liệu thứ ba chúng tôi đánh máy, cũng với sự giúp đỡ của các cộng tác viên, là quyển sách Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ông Lưu Văn Lợi. Ông Lợi là cựu Trưởng Ban Biên giới Việt Nam, thành ra quyển sách này có thể được coi như là quan điểm chính thức của Việt Nam vào thời đó. Trong nhiều năm qua, đây có lẽ là quyển sách quan trọng nhất mà Việt Nam đã xuất bản liên quan tới chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Tài liệu thứ tư mà chúng tôi vừa công bố, cũng với sự giúp đỡ của các cộng tác viên, là một quyển sách rất quý. Quyển sách này của một nữ giáo sư luật quốc tế, người Pháp, tên là Monique Chemillier-Gendreau, đã áp dụng luật quốc tế vào vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa và kết luận là "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam": (Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, ISBN 9041113819, 2000). Trong quá trình chứng minh điều đó, bà cũng đã phản biện tất cả những lý lẽ chủ quyền của Trung Quốc, thành ra nếu người Việt chúng ta muốn biết lý lẽ thuộc về bên nào thì đây là quyển sách rất quý, không những để chúng ta hiểu vấn đề mà có thể đem kiến thức đó ra để đấu tranh chống lại tuyên truyền của Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế. Chúng tôi theo đuổi sự công bằng ở Biển Đông, không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các nước trên thế giới. Và phương cách hoạt động của chúng tôi là bảo vệ chủ quyền Việt Nam như trong phạm vi luật pháp quốc tế. Ô. Dương Danh Huy
Ông Dương Danh Huy: Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông hình thành vào cuối năm 2007. Sự hình thành đó là kết quả của một số hoài bão trong nhiều năm của anh em chúng tôi, trong đó đầu tiên là anh Nguyễn Đức Hùng ở bên Úc, rồi anh Trần Vinh Dự, Trần Đăng Khoa và tôi, bắt đầu từ khi Trung Quốc tàn sát ngư dân Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ năm 2005. Chúng tôi cảm thấy là người Việt chúng ta quá thiếu những tổ chức phi chính phủ (NGO), phải nói thẳng là không có tổ chức phi chính phủ nào liên quan tới vấn đề Biển Đông. Hoài bão của chúng tôi từ lúc đó là thành lập Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được. Tới cuối năm 2007, chắc anh (Trân Văn) cũng nhớ các phong trào biểu tình chống các hành động bá quyền xâm lăng của Trung Quốc ở Biển Đông, lúc đó Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông chính thức ra đời. Vì chủ quyền dân tộc Trân Văn: Thưa ông, tôn chỉ của Quỹ là như thế nào? Ông Dương Danh Huy: Tôn chỉ của Quỹ là đấu tranh cho Biển Đông một cách bất bạo động. Chúng tôi theo đuổi sự công bằng ở Biển Đông, không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các nước trên thế giới. Và phương cách hoạt động của chúng tôi là bảo vệ chủ quyền Việt Nam như trong phạm vi luật pháp quốc tế. Cách làm việc của chúng tôi là phi chính trị. Chúng tôi không ủng hộ bên nào mà cũng không đả kích bên nào. Trân Văn: Thưa ông, hồi nãy ông có đề cập đến các cộng tác viên, xin ông cho biết ngoài những thành viên chính thức thì những cộng tác viên đã tham gia vào công việc có tính chất thiện nguyện này ra sao? Họ gồm những ai và họ ở những đâu? Ông Dương Danh Huy: Cộng tác viên là một nhóm có khoảng một trăm người. Bất cứ ai muốn ủng hộ công việc của Quỹ cũng có thể tham gia Nhóm Cộng Tác Viên. Khi tham gia thì không có bất cứ điều gì ràng buộc đối với cộng tác viên. Sau khi tham gia thì Quỹ có thể đưa ra một số dự án rồi ai muốn góp sức thì góp. Đó là một quy chế hoàn toàn thiện nguyện. Thường thường là chúng tôi chọn một số tác phẩm mà chúng tôi nghĩ là cần được công bố và chúng tôi đi tìm nguồn của tác phẩm đó. Ví dụ chúng tôi đã làm việc với một tổ chức khác liên quan tới Hoàng Sa - Trường Sa, gọi là Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa, thì những người này vì ở Việt Nam thành ra có nhiều tài liệu bằng tiếng Việt, còn những thành viên của Quỹ mà ở nước ngoài thì có nhiều tài liệu bằng tiếng Anh hơn. Với sự cộng tác của Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa, chúng tôi đã thu thập được những tài liệu mà chúng tôi tìm kiếm. Và chúng tôi kêu gọi Nhóm Cộng Tác Viên, ai muốn tham gia dự án đánh máy quyển sách này hay quyển sách kia, thường thường là có rất nhiều người tham gia. Trân Văn: Họ là người ở trong nước hay ở nước ngoài? Rồi độ tuổi như thế nào, thưa ông? Ông Dương Danh Huy: Tôi đoán là họ vừa ở trong nước vừa ở nước ngoài vì bất cứ ai cũng có thể tham gia. Trân Văn: Tổng cộng bộ tài liệu mà ông đã kể thì khoảng bao nhiêu trang ạ? Ông Dương Danh Huy: Tôi nghĩ 4 tài liệu này tổng cộng là khoảng một ngàn trang. Trân Văn: Và những tài liệu này đã được bao nhiêu người cùng đánh máy để chuyển những thông tin đó đến cho đồng bào của mình? Ông Dương Danh Huy: Mỗi đợt đánh máy có khoảng từ 5 tới 10 người tham gia. Trân Văn: Và tinh thần cũng như thái độ làm việc của họ ra sao, thưa ông? Ông Dương Danh Huy: Họ đã bỏ rất nhiều công sức ra cho công việc này. Tôi rất cảm kích đối với sự tham gia và giúp đỡ của họ . Trân Văn: Thưa ông, theo như lời ông kể, cả 4 tài liệu đều rất quan trọng trong việc cung cấp thêm thông tin, kiến thức về Biển Đông cũng như về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, ông có thể cho biết là nếu thính giả của chúng tôi quan tâm đến những tài liệu này thì họ có thể tìm nó ở đâu? Ông Dương Danh Huy: Chỉ có Tập San Sử Địa Số 29 chúng tôi chưa công bố vì có một số chữ Hán-Nôm chúng tôi chưa biết cách đánh máy Hán-Nôm, còn Luật Biển Liên Hiệp Quốc thì đã được công bố trên trang mạng của Vietnamnet, và hai quyển sách “Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của ông Lê Văn Lợi, và quyển “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của bà Gendreau thì có trên website của Quỹ. Trân Văn: Địa chỉ website của Quỹ là gì ạ? Ông Dương Danh Huy: Website của Quỹ là http://www.seasfoundation.org Trân Văn: Trong trường hợp nếu thính giả của chúng tôi cảm thấy muốn hỗ trợ, muốn đóng góp thời gian và công sức của họ vào những công việc của Quỹ thì họ có thể liên lạc với các ông như thế nào? Ông Dương Danh Huy: Người ta có thể liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ liên lạc trên trang mạng của Quỹ.
|