Sắp hoàn thành kỷ yếu về chủ quyền đối với Hoàng Sa

    [history-hoangsatruongsa]

    Đà Nẵng:
    Sắp hoàn thành kỷ yếu về chủ quyền đối với Hoàng Sa

    Cập nhật lúc 16:02, Thứ Năm, 19/11/2009 (GMT+7)
    ,
    - UBND huyện đảo Hoàng Sa dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành cuốn kỷ yếu hệ thống các nguồn thông tin, tư liệu về lịch sử và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.


    Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ cho hay, từ khi thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường đến nay, UBND huyện Hoàng Sa đã sưu tầm được hàng trăm tư liệu lịch sử qua các thời kỳ về sự xác lập chủ quyền của VN trên quần đảo này; xây dựng phòng truyền thống, đặt tên đường Hoàng Sa, tổ chức gặp gỡ nhân chứng từng sống và làm việc tại Hoàng Sa hơn 35 năm trước…



    Nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa đã được UBND huyện đảo Hoàng Sa sưu tầm. Ảnh: HC


    Đặc biệt, để lưu lại hồi ức và tâm nguyện của những nhân chứng từng sinh sống, công tác ở quần đảo Hoàng Sa cũng như hệ thống các nguồn thông tin, tư liệu về lịch sử và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa đang tổ chức xây dựng kỷ yếu về huyện đảo Hoàng Sa.


    Trong quá trình sưu tầm tư liệu và nhân chứng, bộ phận làm kỷ yếu về huyện đảo Hoàng Sa đã tìm gặp được 30 nhân chứng người Việt Nam ở trong và ngoài nước từng làm việc tại huyện đảo. Trong đó có 4 người là chiến sĩ cách mạng hoạt động tại Đà Nẵng bị thực dân Pháp đưa ra quần đảo Hoàng Sa để xây cầu cảng.


    Từ các cuộc gặp gỡ những nhân chứng ở nhiều nơi trên cả nước, bộ phận làm kỷ yếu đã thu thập, ghi chép và sưu tầm nhiều tài liệu, hiện vật quý về Hoàng Sa. Sau khi cơ bản hoàn thành nội dung cuốn kỷ yếu sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các nhân chứng từng sinh sống, công tác tại Hoàng Sa. Dự kiến, cuốn kỷ yếu về Hoàng Sa sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Đây sẽ là nguồn tài liệu có giá trị lịch sử, pháp lý và là bằng chứng cụ thể, sinh động khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.


    UBND huyện đảo Hoàng Sa cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng xây dựng đề tài nghiên cứu về quá trình khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong lịch sử. Để phục vụ việc nghiên cứu, UBND huyện làm việc với các ngành, địa phương thu thập tư liệu chứng cứ và sắp xếp một cách khoa học.


    Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã hoàn thành và đang chờ thẩm định, phê duyệt nội dung tài liệu giáo khoa địa lý, lịch sử, văn học địa phương đối với bậc THCS và THPT. Trong đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung về kiến thức địa lý tự nhiên, quá trình lịch sử thực hiện chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ nêu cao ý thức chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa.


    Hiện UBND huyện Hoàng Sa vẫn hoạt động theo chương trình được phê duyệt, kinh phí hoạt động của UBND huyện năm 2009 là 30 triệu đồng. Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng mới đây, UBND huyện Hoàng Sa đã đề nghị tăng thêm biên chế, cho xây dựng riêng trụ sở hành chính của UBND huyện và đang chờ HĐND TP xem xét.


    Đối với việc chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vừa thành lập 2 đơn vị hành chính là ủy ban thôn đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật (tức đảo Phú Lâm và đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa), ông Đặng Công Ngữ nhấn mạnh: “Đảo Phú Lâm và đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa trực thuộc UBND TP Đà Nẵng thực hiện quyền quản lý lãnh thổ. Bộ Ngoại giao đã cực lực phản đối vì việc làm này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam”.

    Hải Châu,



    Posted by Vietnamnet on November 19, 2009 at 10:09:33:


    [history-hoangsatruongsa]