Hoàng Sa-Trường Sa: Tư liệu cổ phươngTây (28/06/2011) Bản đồ do nhà xuất bản Covens and Mortier tại Amsterdam vào năm 1760có ghi chú quần đảo Paracel bên cạnh bờ biển xứ Đàng Trong Tư liệu cổ phương Tây còn lưu lại đến nay cho thấy các nhà hàng hải Bồ Đào Nha là những người đầu tiên của châu Âu có những mô tả về quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ XIV. Nhiều nhật ký hải trình của các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha thời đó đã nói về một dải đá ngầm Pulo Pracela (các bãi ngầm san hô) rất nguy hiểm, bao quát cả vùng Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay, tương tự với những hiểu biết của các nhà địa lý Việt Nam cùng thời. Các cuộc khảo sát Biển Đông của các nhà hàng hải phương Tây sau đó, nhất là của người Hà Lan và Pháp, ngày càng xác định rõ Pracela hay Paracels (Hoàng Sa) là một quần đảo thuộc về nước An Nam (tên gọi Việt Nam thời Pháp thuộc).
Đông Nam Á trên bản đồ của Hondius
Bản đồ hàng hải Châu Âu thế kỷ 15-16 An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Paracels (Cát Vàng, Hoàng Sa) nằm trong vùng biển Việt Nam Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) từng theo giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, trông coi việc tiếp tế cho quân đội ở Phú Xuân (Sắc ngày 16-3-1802), viết trong hồi ký Le Mémoire sur la Cochinchine có đoạn: "Nước Cochinchine mà vua bấy giờ xưng đế hiệu (hoàng đế) gồm xứ Đàng Trong, xứ Tonkin, một phần xứ Cao Miên, một vài đảo có dân cư không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đá nhỏ, đá ngầm và mỏm đá không dân cư”. Xin lưu ý, từ thế kỷ XIII, các nước phương Tây theo Marco Polo mà gọi tên nước ta là Caugigu (phiên âm từ Giao Chỉ Quốc), sau đọc trại thành Kiaoche rồi Cochi. Để khỏi lầm với đất Koci của Ấn Độ, người ta thêm chữ Chine, nên gọi thành Cochinchine là tên chung của Đại Việt. Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, người phương Tây gọi Đàng Ngoài là Tonkin, còn Đàng Trong vẫn gọi là Cochinchine. Giám mục Jean Louis Taberd trong một cuốn sách xuất bản năm 1833 cũng viết về Paracels như sau: "Xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels, mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại, đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong”. An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 cũng khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam. Có thể nói, An Nam Đại Quốc Họa Đồ là một tài liệu phản ảnh những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người phương Tây từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại Quốc. Trong bản đồ này có ghi chú (nguyên văn): "Paracels Deu Cát Vàng” (từ Latin "Deu” = "có nghĩa là”), Paracels có nghĩa là Cát Vàng có nghĩa là Hoàng Sa, là một khẳng định rõ ràng nhất quán chứ không hề suy diễn. Địa danh Paracels ghi bên cạnh những chấm đánh dấu các đảo khoảng vĩ độ 16 Bắc (ngang vĩ độ cửa Tư Dung, Thừa Thiên) lên vĩ độ 17 Bắc (khoảng Cửa Tùng, Quảng Trị) và kinh độ 111 Đông. Điều này phản ánh sự hiểu biết của người phương Tây về Hoàng Sa rất chính xác và không còn nhầm lẫn với quần đảo Trường Sa nữa. Địa Lý Vương Quốc Đàng Trong (Geopraphy of the Cochinchinese Empire) là cuốn sách do tiến sĩ Gutzlaff (1801-1851) Hội viên Hội Địa lý Hoàng gia Anh quốc, viết năm 1849 cho biết từ lâu Chính phủ An Nam đã thiết lập trại binh và một điểm thu thuế trên quần đảo Paracels (tức Cát Vàng) để thu thuế các tàu thuyền đến đây và bảo trợ những người đánh cá bản quốc. Cuốn Bách Khoa Địa Lý Hiện Đại (Geografia moderna universale) của G.R. Pagnozzi xuất bản năm 1823 dành nhiều trang nói về Vương quốc An Nam có đề cập đến Paracels (Hoàng Sa). Trong cuốn Storia delle Indie Orientali của Felice Ripamonti xuất bản tại Milano năm 1825 có phần viết về Đàng Trong: "Thuyền trưởng các tàu buôn qua lại vùng này thích cập cảng Hội An hơn, cảng này không xa thủ đô Huế. Những người đi biển ở 3 cảng này (tức cảng Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hàng năm có chuyến đi biển đến chuỗi đảo và bãi đá nhỏ có tên là Hoàng Sa (Paracels) nằm cách bờ biển Đàng Trong khoảng 20-30 dặm...”. Sách Địa Lý Tóm Tắt (Compendio di Geografia) do Adriano Balbi – nhà địa lý lừng danh người Ý- soạn năm 1850 cho biết Vương quốc An Nam có quần đảo Paracels, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Condor (tức Hoàng Sa, Hải Tặc và Côn Đảo). Cũng trong tác phẩm này tác giả có viết về địa lý Trung Hoa nhưng không hề nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều tài liệu lưu trữ của Anh và Pháp còn ghi nhận về vụ tai nạn tàu Bellona của Đức tại Đá Bắc và tàu Imegi Maru của Nhật tại cụm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa. Hai tàu này chuyên chở đồng do các công ty Anh bảo hiểm, gặp thời tiết xấu tại các khu vực biển nói trên nên bị chìm. Ngư dân đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã cướp các tàu đắm và chuyên chở đồng về đảo Hải Nam chào mời các nhà buôn của họ để bán lại số đồng cướp được. Chính phủ Anh đã phản kháng hành động này và được chính quyền Trung Quốc bấy giờ tuyên bố không chịu trách nhiệm vì quần đảo Paracels nơi hai tàu bị đắm không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Sự kiện này càng khẳng định sự dửng dưng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX. Nhóm PV Biển Đông Posted by daidoanket.vn on July 11, 2011 at 10:04:53:
|