Cơ sở pháp lý quốc tế về sự thiết lập chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo (13/07/2011) Bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá - Công Đạo vẽ vào thế kỷ XVII. Lễ thả thuyền trên biển trong ngày lễ khao lề thế lính Hoàng Sa Thuyết quyền phát hiện đã được thay thế bằng thuyết chiếm hữu về danh nghĩa đã được các quốc gia áp dụng từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII. Song thuyết chiếm hữu về danh nghĩa càng ngày càng bộc lộ những nhược điểm. Đã xảy ra tình trạng có những nước vô tình hay cố ý lại "phát hiện” và đặt dấu hiệu như cắm cờ, cột mốc, bia về chủ quyền của mình lên những lãnh thổ mà các quốc gia khác đã xác nhận. Do đó mà nảy sinh ra nhiều vụ tranh chấp. Các luật gia càng ngày càng thấy việc phát hiện, kể cả việc phát hiện có để lại dấu vết chỉ đem lại cho quốc gia phát hiện vùng lãnh thổ một danh nghĩa phôi thai, chưa hoàn chỉnh. Danh nghĩa này có thể bị mất đi nếu như nó không được củng cố bằng những hành động thực tế tích cực. Chính vì vậy, thuyết chiếm hữu về danh nghĩa cũng đã bắt đầu bị phê phán từ thế kỷ XVII, theo đó chiếm hữu danh nghĩa chỉ mới là một dạng phôi thai ban đầu không thể tự nó tạo ra danh nghĩa chủ quyền đầy đủ. Việc phát hiện cần phải được bổ sung bằng các hành động chiếm đóng hiệu quả mới có thể tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ. Chủ quyền muốn được xác lập thì phải là thật sự, có hiệu quả, tức là đòi hỏi sự có mặt thực tế của quốc gia chiếm hữu trên vùng lãnh thổ đó. Sau Hội nghị Berlin về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ và sau khoá họp của Viện Pháp luật Quốc tế ở Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1888, nguyên tắc chiếm hữu thật sự trở thành quan điểm chiếm ưu thế trên thế giới. Điều 3, điều 34 và 35 của Định ước Berlin ký ngày 26-6-1885 xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự như sau: "Phải có sự thông báo về việc chiếm hữu cho các nước ký Định ước trên”; "Phải duy trì trên những vùng lãnh thổ mà nước ấy chiếm hữu sự tồn tại của một quyền lực đủ để khiến cho các quyền mà nước ấy đã giành, được tôn trọng”. Đại Nam Nhất Thống toàn đồ Tuyên bố của Viện Pháp luật Quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh "mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên một danh nghĩa sở hữu độc quyền thì phải là thật sự tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. Chính tuyên bố trên của Viện Pháp luật Quốc tế Lausanne đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thật sự của Định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế chứ không chỉ có giá trị với các nước ký Định ước trên. Nội dung chính của nguyên tắc chiếm hữu thật sự là: Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành, tư nhân không có quyền thiết lập chủ quyền lãnh thổ vì tư nhân không có tư cách pháp nhân quốc tế, vì quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia; Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hoà bình trên một vùng lãnh thổ thật sự là vô chủ (res nullius) hoặc là đã được quốc gia làm chủ chủ động từ bỏ (derelicto); Dùng vũ lực để chiếm một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp; Quốc gia chiếm hữu trên thực tế phải thực hiện những hành động chủ quyền ở mức độ tối thiểu phù hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó; Việc thực hiện chủ quyền phải liên tục trên vùng lãnh thổ đó. Ngày 10 tháng 9 năm 1919, Công ước Saint Germain đã được các cường quốc lúc bấy giờ ký tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin năm 1885 với lý do là trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa và như thế nguyên tắc chiếm hữu thật sự không còn giá trị thực tế nữa. Song do tính hợp lý của nguyên tắc này, các luật gia trên thế giới vẫn vận dụng nó khi phải giải quyết các vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Hợp Quốc được thành lập tiếp theo Hội Quốc Liên. Từ các cuộc chiến tranh xâm lược, Hiến chương Liên Hợp Quốc đưa ra nguyên tắc (điều 2 khoản 14) có giá trị như một nguyên tắc pháp lý áp dụng cho tất cả các quốc gia. Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trên đã được phát triển và tăng cường trong Nghị quyết 2625 năm 1970: "Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. Nghị quyết trên cũng qui định: "Các quốc gia có bổn phận không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia.”. Bản dập mộc bản nói về vua Gia Long phái Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa dò xét đường biển Năm 1982, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ("United Nations Convention on Law of Sea” - viết tắt là UNCLOS) công bố ngày 10-2-1982 tại Montego Bay ở Jamaica đã được 159 quốc gia ký nhận. Sau khi có đủ 60 quốc gia duyệt y (ratification), kể từ ngày 16-11-1994 UNCLOS hay LOS Convention trở thành luật quốc tế đối với các quốc gia phê chuẩn và được thi hành, đã xác định về chủ quyền trên biển của mỗi quốc gia. Đối chiếu với trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, theo tập quán pháp lý phương Tây lúc bấy giờ, sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này là một sự thật thể hiện bằng các hành động cụ thể về sự quản lý, chỉ đạo của các Nhà nước Việt Nam đương thời một cách nhất quán, liên tục, hoà bình phù hợp với cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Sau đó, chủ quyền của Việt Nam tiếp tục được khẳng định dựa trên các cơ sở pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp luật Quốc tế Lausanne năm 1888, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về Luật Biển 1982 mà các thành viên ký kết (trong đó có cả những nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) đều phải tôn trọng. Nhóm PV Biển Đông
|