Báo VN nói về Công hàm Phạm Văn Đồng Lần đầu tiên một tờ báo của Việt Nam đưa ra giải thích về nội dung bức công hàm gây tranh cãi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm thứ Tư 20/07 đăng bài 'Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam'. Tờ báo này nói ngay từ đầu bài, rằng việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14/09/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó". Lâu nay, các kênh chính thống của Trung Quốc bao gồm cả báo chí và truyền thông đã không ít lần nhắc tới bản Công hàm 1958, trong đó ông Phạm Văn Đồng viết Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 'ghi nhận và tán thành' tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý; đồng thời sẽ "chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển". Tuy nhiên, bài báo Đại Đoàn Kết phân tích nội dung công hàm này không có nghĩa ông thủ tướng Việt Nam DCCH lúc đó công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà việc mà báo này gọi là "giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ (Trung Quốc)". Bối cảnh 'phức tạp và cấp bách' Bản Công hàm 1958 được giải thích chỉ có tính chất ngoại giao Bài viết của Nhóm Phóng viên Biển Đông trên tờ Đại Đoàn kết phân tích về bối cảnh của bản Công hàm 1958 gửi Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc là thời điểm "có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan". Trong bối cảnh đó, bản công hàm được giải thích là "đơn giản chỉ là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp", tức "chỉ là những tuyên bố mang tính chính trị và ngoại giao chứ hoàn toàn không có ý nghĩa pháp lý". Bài báo viết: "Nội dung công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Các phóng viên cũng phân tích rằng trong lúc đó, về phương diện pháp lý, nước Việt Nam DCCH "không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Thực tế trước năm 1975, các bên tranh chấp đối với hai quần đảo này là Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines, chứ không có miền Bắc Việt Nam. "Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam DCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp."
Nhóm phóng viên kết luận: "Về thực chất, công hàm 1958 chỉ là sự thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc mà thôi." Họ cũng đưa ra một nhận xét trực diện là: "Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc". Lời lẽ và ngôn từ như trên ít thấy trên báo Việt Nam. Mới đây, cũng báo Đại Đoàn Kết đăng bài đả phá báo chí Trung Quốc 'hăm dọa dân tộc'. Một thời gian nay đã có nhiều kiến nghị của giới trí thức và người dân Việt Nam yêu cầu được cung cấp thêm thông tin về quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong liên quan tới các quần đảo ở Biển Đông. Dư luận cũng đòi hỏi được giải thích về bản Công hàm 1958. Đây là lần đầu tiên trên kênh thông tin chính thức, Công hàm 1958 được mang ra phân tích cặn kẽ. Bấm Xem thêm: Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc tuyên bố về Hoàng Sa.
|