Khám phá thư tịch, sắc phong cổ gắn liền với biển đảo Việt Nam

    [history-hoangsatruongsa]

    Khám phá thư tịch, sắc phong cổ gắn liền với biển đảo Việt Nam (05/08/2011)

    Liên hoan làng biển Việt Nam 2011 đã chính thức khép lại vào hôm qua (4-8) với nhiều dư âm đẹp... một trong những điểm nhấn để lại ấn tượng mạnh nhất, chính là việc lần đầu tiên tại làng biển Ninh Chữ (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), các tài liệu, sắc phong và thư tịch cổ từ thời phong kiến, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa... được giới thiệu.



    Liên hoan làng biển Việt Nam 2011 đã chính thức khép lại vào hôm qua (4-8) với nhiều dư âm đẹp... một trong những điểm nhấn để lại ấn tượng mạnh nhất, chính là việc lần đầu tiên tại làng biển Ninh Chữ (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), các tài liệu, sắc phong và thư tịch cổ từ thời phong kiến, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa... đã được giới thiệu tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

    Góp phần vào thành công của triển lãm các thư tịch, sắc phong của triều đại phong kiến với chủ quyền biển đảo trong Liên hoan làng biển Việt Nam 2011 là bộ sưu tập ảnh của đoàn Quảng Ngãi. Bộ sưu tập gồm 22 tác phẩm với chủ đề "Biển - đảo Quảng Ngãi và Hoàng Sa, Trường Sa” trong đó có những bức ảnh chụp lại tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đông đảo du khách đặc biệt quan tâm.



    Triển lãm các tài liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam
    Thông qua những thư tịch cổ, sắc phong của các triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã phong tặng cho các dòng họ ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thêm một lần nữa khẳng định rất rõ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiêu biểu nhất phải kể đến bức sắc chỉ cổ năm 1834 của dòng họ Đặng ở huyện Lý Sơn - một tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa (toàn bộ nội dung sắc chỉ này, báo Đại Đoàn Kết đã đăng toàn văn trong bài "Lý Sơn – Hòn đảo tiền tiêu” số 183 ngày 2-8-2011). Cùng với sắc chỉ họ Đặng này còn có sắc chỉ họ Vũ, họ Phạm... Nói về ý nghĩa to lớn của những thư tịch, sắc phong này, theo ông Lê Hồng Khánh - Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Ngãi), đây là các tờ lệnh của quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, thừa lệnh triều đình lệnh cho ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị thuyền cùng ngư dân tham gia thám sát các vùng xứ Hoàng Sa. Qua những văn bản cổ còn lưu giữ này, thế hệ hôm nay có thể thấy được việc tuyển quân cho đội Hoàng Sa không phải đột xuất, mà là việc làm thường xuyên của quan lại đầu tỉnh ở địa phương. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, việc tuyển quân cho đội Hoàng Sa được diễn ra hằng năm. Việc tuyển quân cho đội Hoàng Sa chứng minh rằng, nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình trên hai quần đảo này.

    Cũng như nhiều du khách có mặt tại Ninh Thuận trong những ngày diễn ra liên hoan, ông Nguyễn Hữu Nghị, (Trưởng đoàn TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Đến với Liên hoan Làng biển Việt Nam 2011 tại Ninh Thuận, bên cạnh tham gia các chương trình văn nghệ dân gian, thi đấu thể thao, ẩm thực, thả diều nghệ thuật... chúng tôi đặc biệt chú ý đến triển lãm tư liệu, thư tịch, sắc phong cổ liên quan đến các làng biển và biển, đảo của Việt Nam”. Ngoài bộ sưu tập thư tịch, sắc phong của đoàn Quảng Ngãi, các địa phương khác ở miền Trung cũng mang đến làng biển Ninh Chữ, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm những hiện vật. Tỉnh Bình Thuận tham gia triển lãm các tác phẩm nghệ thuật với chủ đề "Bình Thuận ấn tượng 2011”, ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp tại địa phương giới thiệu địa danh, danh lam thắng cảnh, dự án du lịch ven biển. Người dân Ninh Thuận cũng bày tỏ lòng tri ân đối với các vị tiền hiền, người có công khai khẩn vạn lạch, hình thành nên các làng biển Ninh Thuận ngày nay thông qua việc trưng bày những hình ảnh về cảnh quan, nét đẹp của quê hương và con người Ninh Thuận, về sắc phong mà các triều đại đã phong cho các đình làng ven biển và những khoảnh khắc kỳ diệu, thân thương về Trường Sa. Bên cạnh việc triển lãm ảnh, giới thiệu các địa danh, danh lam thắng cảnh, dự án du lịch ven biển... tỉnh Ninh Thuận còn trưng bày, giới thiệu 20 thư tịch, sắc phong liên quan đến cư dân vùng biển. Có thể thấy, những tấm sắc phong mà người dân làng biển Ninh Thuận còn lưu giữ đến ngày nay là một minh chứng khẳng định, từ nhiều thế kỷ trước, trên vùng đất Ninh Thuận đã có sự góp mặt của người Việt. Hơn nữa, những tấm sắc phong này cũng giúp khẳng định chính xác tên gọi từ sơ khai của các làng biển Ninh Thuận, vốn đang bị mai một bởi quá trình đô thị hóa và sự chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính. Không khó để khẳng định, 20 sắc phong cổ từ thời Tự Đức đến thời Khải Định được trưng bày tại Liên hoan làng biển Việt Nam 2011 đã thể hiện các vương triều phong kiến Việt Nam luôn quan tâm tới chủ quyền đất liền ven biển, hải đảo và đời sống ngư dân.



    Ông Võ Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - Trưởng ban Tổ chức Liên hoan nhấn mạnh: Liên hoan Làng biển Việt Nam khu vực Nam Trung Bộ là một sự kiện du lịch quan trọng hướng đến mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức về quốc phòng - an ninh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam; tôn vinh bản sắc văn hóa làng biển, quảng bá du lịch, khẳng định tiềm năng du lịch biển, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ”. Từ thành công của Liên hoan làng biển Việt Nam 2011, hy vọng, liên hoan lần sau sẽ sớm được tổ chức, nhằm tạo điều kiện, giao lưu văn hóa biển giữa các miền, qua đó tuyên truyền cho người dân nhận thức về an ninh quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.

    MINH HIẾU




    Posted by daidoanket.vn on August 06, 2011 at 02:02:57:


    [history-hoangsatruongsa]