Ngày 29.08.2011, 14:13 (GMT+7) SGTT.VN - Một bài văn tế lính Hoàng Sa được một dòng họ ở Quảng Ngãi lưu giữ 200 năm vừa được phát hiện. Bài văn tế này trở thành lời hịch Hoàng Sa suốt nhiều năm qua. Binh phu Hoàng Sa khắp nơi Ông Diệp Công Thang với bài văn tế. Ảnh: Lê Văn Chương
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc sở Văn hoá – thể thao – du lịch tỉnh Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn có bốn bài văn tế lính Hoàng Sa còn được lưu giữ qua nhiều đời. Nhưng điều gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu, đó là một bản văn tế lính Hoàng Sa vừa được phát hiện ở một thôn nằm sâu trong đất liền. Đó là gia đình của ông Diệp Công Thang, quê ở thôn Gia Hoà, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh. 88 tuổi, nhưng ông Thang còn khá minh mẫn. Ông Thang hồi tưởng: “Hồi đó, tôi 14 tuổi, cứ mỗi khi đi cúng cầu an, cúng tàu thuyền, cúng cho gia đình ngư dân có người bị nạn trên biển và cúng lính Hoàng Sa thì tôi lại được cha dắt theo”. Và trong những chuyến đi đó, cha con ông Thang thường mang theo một bản văn tế lính Hoàng Sa do nhiều đời trước trong gia đình ông lưu truyền lại. Bài văn tế được ghi chép cẩn thận trên một xấp giấy dó. Ở huyện đảo Lý Sơn, vào ngày 16.3 âm lịch hàng năm, 13 tộc họ tiền hiền và hậu hiền trên đảo có người đi lính Hoàng Sa tổ chức làm lễ khao lề. Còn tại những làng biển trong đất liền, lễ tế lính Hoàng Sa được tổ chức vào dịp đầu xuân. Xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa; xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, hàng năm, dân làng đều mời cha của ông Thang đến làm chủ lễ tế tự, tưởng nhớ ông bà trong tộc họ đi lính Hoàng Sa và không trở về. Trong buổi lễ, cả làng kéo nhau ra bãi biển cắm cờ xí, gióng trống, thả thuyền chở hình nhân trôi về Hoàng Sa. Tất cả lặng đi trước cái giọng trầm đục rền vang của cha ông Thang: “Nghinh hà bá Trường Sa, Hoàng Sa. Triều bả đông hải lãng. Hà bá khai khẩu môn”. Lời điếu gọi linh hồn những chiến binh Hoàng Sa trở về được cất lên. Sau này, lễ tế lính Hoàng Sa ở các làng biển trong đất liền dần dần bị mai một. Nhưng câu chuyện về dòng tộc có người đi lính Hoàng Sa thì vẫn được giữ gìn, lưu dấu trong những trang gia phả trăm năm úa màu của các gia tộc. Ông Thang kể lại những ngày rong ruổi cùng cha đi cúng lính Hoàng Sa cách đây 70 năm. Mỗi chi tiết trong câu chuyện của ông trở thành những tư liệu quý về đội hùng binh Hoàng Sa. Câu chuyện này gây bất ngờ, bởi các binh phu Hoàng Sa không chỉ được tuyển mộ từ các làng chài ven biển, mà còn được tuyển mộ từ các vùng quê xa biển nhưng nằm gần những con sông. Xã Tịnh Long, quê ông Thang nằm cạnh dòng sông Trà, cách biển gần 10km, nhưng vẫn có người đi lính Hoàng Sa. Thời trước, nhiều người già trong làng ông kể lại: Làng mình có người đi lính Hoàng Sa không trở về. Vậy là hàng năm, cha con ông lại giúp dân làng đóng thuyền câu, dựng hình nhân Hoàng Sa để làng Tịnh Long làm lễ tế tự. Trước ngày tổ chức lễ, cha con ông hì hục đan thuyền tre. Nếu làng đứng ra tổ chức, thì đặt làm vài chiếc thuyền to, mỗi thuyền có chiều dài 1,5m. Nếu dòng tộc hoặc gia đình tổ chức cúng riêng trong họ, thì đan thuyền nhỏ hơn. Trên mỗi thuyền đều có một lá cờ, gạo, muối, hình nhân thế mạng, thẻ bài, dây mây. Thuyền được đóng thêm hai cánh buồm nhỏ để gió đẩy ra khơi. Những năm cuối đời, người cha của ông Thang căn dặn: “Sách xưa của ông bà để lại con phải giữ cẩn thận. Trong bộ sách này, có một cuốn cúng tế lính Hoàng Sa, Trường Sa”. Nhắc nhở con cháu về Hoàng Sa Bài văn tế lính Hoàng Sa không chỉ là khúc ngâm ai oán về số phận lính Hoàng Sa, mà còn là lời hịch kêu gọi những ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi hướng về vùng biển máu thịt này suốt mấy chục năm qua. “Tế nhơn độ vật, gởi ích quần lê, anh minh mạc trạng, công đức vô cùng, hữu cầu tất ứng”. Rải những tấm bài vị phơi trên sân, ông Thang đọc một đoạn văn tế lính Hoàng Sa. Ánh mắt của ông như chìm vào một miền xa xăm, vô định giữa biển cả trùng khơi.Trong ngôi nhà của ông, suốt 200 năm qua, bài văn tế lính Hoàng Sa được mấy thế hệ mang ra đọc tế vong linh các chiến binh Hoàng Sa. Bài văn tế lính Hoàng Sa khi được xướng to tại các cửa biển còn là lời nhắc nhở đối với các ngư dân về mảnh đất chủ quyền Hoàng Sa. Hoàng Sa có biết bao người đã ngã xuống khi ra cắm bia khẳng định chủ quyền. Theo sử sách, đội Hoàng Sa phải có trước, hoặc muộn nhất kể từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 –1687). Đội Hoàng Sa bị triệt bãi từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Bóng dáng những hùng binh Hoàng Sa gồng người chèo thuyền ra Hoàng Sa không còn. Tuy nhiên, bài văn tế lính Hoàng Sa thường xuyên được xướng lên ở các vùng biển Quảng Ngãi đã trở thành niềm cảm hứng cho những chiếc thuyền của ngư dân tiến ra vùng biển này. Cách đây hơn 60 năm, ở Quảng Ngãi đã có nhiều thanh niên trai tráng lèo lái con thuyền với chiếc máy lôka nhỏ xíu của Nhật, cộng với sức gió, căng buồm tiến ra Hoàng Sa. Ông Đỗ Bạn, một ngư dân ở huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Thời đó, không có định vị, la bàn, bà con ngư dân cho thuyền ra Lý Sơn lấy hướng, 4 giờ sáng bắt đầu khởi hành đi Cát Vàng. Vừa đi vừa nhìn trời, nhìn trăng sao để đoán hướng. Ông bà xưa đi được, thì bây giờ con cháu cũng phải đi”. Bài văn tế lính Hoàng Sa không chỉ là khúc ngâm ai oán về số phận lính Hoàng Sa, mà còn là lời hịch kêu gọi những ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi hướng về vùng biển máu thịt này suốt mấy chục năm qua.
|