Thứ Ba, 28/06/2011 - 15:00 Viện chính sách Australia cảnh báo về căng thẳng ở Biển Đông (Dân trí) - Viện Lowy, một trong những viện nghiên cứu nổi tiếng về chính sách của Australia, hôm qua đã đưa ra một báo cáo cảnh báo rằng những căng thẳng ở Biển Đông có thể đưa các cường quốc trong khu vực và Mỹ tới xung đột. Các tàu chiến của Australia. “Các tuyến đường biển ở châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương đang ngày càng trở nên đông hơn, nóng bỏng hơn và có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. Không quân và hải quân đang được tăng cường giữa lúc cán cân sức nặng chiến lược kinh tế đang có sự thay đổi”, các tác giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs viết trong báo cáo của Viện Lowy. “Mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục và căng thẳng hơn. Khi con số và nhịp độ các vụ việc gia tăng, có thể một vụ việc sẽ leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc thậm chí có thể là xung đột”, báo cáo viết. Cuộc nghiên cứu về các cường quốc và an ninh hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương được công bố giữa lúc Trung Quốc chuẩn bị ra mắt tàu sân bay đầu tiên, có thể là vào tuần này, một động thái gây lo lắng trong khu vực về sự phát triển quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã điều tàu hải giám lớn nhất tới Biển Đông, gây lo ngại cho các nước trong khu vực trong đó có Philippines, vốn cũng có các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Hôm qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết phàn nàn việc Trung Quốc sử dụng vũ lực nhằm vào các tàu của Việt Nam và Philippines tại Biển Đông. Hai tác giả Medcalf và Heinrichs cho hay các cuộc tuần tra hàng hải và giám sát xâm nhập diễn ra ngày càng nhiều, cùng với chủ nghĩa dân tộc và những tranh chấp về tài nguyên, tất cả những điều này khiến việc quản lý tranh cãi về chủ quyền biển trở nên khó khăn hơn. Báo cáo cũng nhắc tới những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bắt đầu từ cuộc tập trận hải quân Trung Quốc gần đảo Okinawa của Nhật Bản tháng 4/2010, sau đó là vụ Nhật bắt giữ một ngư dân Trung Quốc khi tàu cá nước này va chạm với một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Những vụ việc trên đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao và Trung Quốc đã ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Mặc dù có những tín liệu cho thấy quan hệ song phương đang ấm dần lên sau thảm hoạ động đất/sóng thần hồi tháng 3 tại Nhật Bản, nhưng những lo ngại về an ninh vẫn rất căng thẳng sau khi Nhật Bản điều chiến đấu cơ truy đuổi các máy bay giám sát Trung Quốc sau khi máy bay Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo tranh chấp hồi tháng 3. Báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc đã gây lo ngại cho các quốc gia Đông Nam Á về tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và cho Australia về hành động an ninh tiềm năng trong tương lai. Trong khi đó, có những tin đồn rằng sự cạnh tranh trên biển giữa Ấn Độ và Trung Quốc “chỉ còn là vấn đề thời gian”. Medcalf và Heinrichs cho hay cần có các nỗ lực mới nhằm xây dựng lòng tin trong khu vực và đưa Trung Quốc vào các cuộc đối thoại quân sự với Mỹ và Nhật Bản. Hai tác giả cũng nói rằng cần thiết lập các đường dây nóng an ninh hàng hải giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Nhật Bản nhằm cho phép phản ứng nhanh trước các sự cố bất ngờ. An Bình
|