hứ sáu, ngày 08 tháng 07 năm 2011 | 07:38 (GMT+7) VN trong cuộc chơi nóng lạnh của TQ ở Biển Đông Tình thế lưỡng nan của VN, Philippines và những cơ hội mới Khó ai không nghĩ rằng viên gạch tạo nền móng cho tranh chấp hôm nay để giành quyền kiểm soát Biển Đông, đã được Trung Quốc đặt từ hơn 20 năm trước. Liệu Trung Quốc sẽ nghĩ gì và làm gì cho 40 năm sau, hay gần hơn là cho 20 hay 10 năm tới?
>> Cuộc chơi chèn ép chủ quyền song phương của TQ ở Biển Đông >> Tình thế lưỡng nan của VN, Philippines và những cơ hội mới Hai lá bài nóng lạnh ngẫu nhiên của Trung Quốc Không có gì lạ là ngay sau khi đe dọa dùng vũ lực chống Việt Nam vào ngày 21/06/2011 trên báo Hoàn cầu, thì Trung Quốc - Việt Nam đã họp mặt cấp cao ngày 25/06/2011, tái tuyên bố tôn trọng 16 chữ vàng về quan hệ láng giềng tốt. Chú ý là 2 sự kiện chỉ cách nhau có 4 ngày với những tín hiệu hoàn toàn đối nghịch nhau từ phía các cơ quan Trung ương của Trung quốc. Như đã nói, sự kiện sau là dấu hiệu tích cực, cho thấy sự giảm nhiệt trong khu vực. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, tình hình hoàn toàn không đơn giản: Trung Quốc đang chơi hai lá bài nóng lạnh theo kiểu bất định (randomizing strategies), làm Việt Nam mất phương hướng (indifference). Hãy điểm lại các sự kiện gần đây nhất: Hôm 26/05/2011, tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, chỉ vài ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực, Shangri-La. Ngay sau cuộc gặp bên lề Hội nghị, mà phía Trung Quốc nhấn mạnh cam kết xử lý tranh chấp hòa bình và gìn giữ tình hữu nghị Trung - Việt, vào sáng ngày 09/06/2011, Trung Quốc lại chủ đích cho 3 tầu bán vũ trang, tấn công, cắt cáp tầu Viking 02 của Việt Nam.
Ngày 20 - 21/06/2011, khi hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông đang diễn ra tại Washington, thì 21/06 Trung Quốc chính thức đe dọa dùng vũ lực chống Việt nam trên tờ Hoàn cầu. Tiếp theo, ngày 25 - 26/06, trong cuộc gặp mặt cao cấp Trung - Việt, Trung Quốc tái khẳng định gìn giữ quan hệ láng giềng tốt; cùng định hướng dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại niềm tin của nhân dân hai nước. Nhưng ngay vào lúc nói các lời lẽ đó, một Tướng của Trung Quốc, Bành Quang Khiêm, Phó Tổng thư ký Ủy ban chính sách an ning quốc gia, lại tuyên bố có thể sẽ dạy cho Việt Nam một bài học lớn hơn (cuộc chiến tranh biên giới Trung - Việt) trên kênh truyền hình Trung ương Trung quốc vào 25/06. Và chỉ vài ngày sau, chính quyền tỉnh Hải Nam lại ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên cả vùng biển của Việt Nam, tiếp tục xâm phạm trực tiếp chủ quyền của Việt Nam, ngay sau tuyên bố chung tại cuộc họp ngoại giao cấp cao giữa hai nước. Việt Nam trong cuộc chơi Trong nghiên cứu chiến lược, khi Trung Quốc chơi ngẫu hứng hai lá bài nóng lạnh như vậy, Việt Nam dễ bị mất phương hướng. Theo nghĩa, Việt Nam cũng bị ngẫu nhiên lái theo Trung Quốc. Cụ thể là với xác suất dương, hay với rủi ro có thật, Việt Nam bị rơi vào "vòng tay" của Trung Quốc, mà không thể phối hợp với Mỹ một cách thường xuyên, hay sự phối hợp chỉ có tính nhất thời. Tức là, Việt Nam bị "nhẩy" một cách ngẫu nhiên giữa 2 chiến lược: tự vệ đơn phương và phòng thủ cùng với Mỹ, một khi có chiến sự nổ ra bất ngờ với Trung Quốc (Xem sơ đồ 2). Như vậy, có một sự rất khác với Philippines, mà sự phối hợp nhất quán với Mỹ cho phép tạo sức mạnh răn đe. Ngược lại, Việt Nam phải đối mặt với khả năng (dù không phải chắc chắn sẽ xảy ra) là Trung Quốc sẽ bất ngờ tấn công Việt Nam ở một khâu then chốt, mà nó cho phép: (i) Tăng quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với con đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. (ii) Tăng khả năng tạo tranh chấp, lan dần vào các vùng không có tranh chấp, thông qua sự chèn ép về quyền khai thác các tài nguyên mang tính loại trừ, cụ thể là dầu khí. (iii) Điểm tấn công phải cho phép phát huy tối đa chiến lược chơi ngẫu hứng hai lá bài nóng lạnh, sao cho: Việt Nam bị ép vào thế buộc phải tự vệ đơn phương khi nổ ra xung đột. Mỹ không kịp trở tay hoặc không thể điều động chiến hạm, tàu sân bay tới, chỉ vì một xung đột có quy mô xem ra là nhỏ. Sự lựa chọn điểm và thời điểm tấn công, thỏa mãn cả 3 điều kiện nói trên sẽ làm tăng cao nhất cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho Trung Quốc. Cụ thể là, tự vệ đơn phương sẽ làm sự thôn tính xảy ra nhanh. Sau khi thôn tính, xung đột song phương sẽ lan rộng hơn, phức tạp hơn, mà Trung Quốc có thể sử dụng tốt nhất lợi thế vượt trội để chèn ép, đem lại lợi ích dài hạn cho Trung Quốc. Nói rõ hơn, Trung Quốc đang lái xung đột về trạng thái song phương, ngay trong bối cảnh có nỗ lực đa phương để kiềm chế xung đột.
Mặc dù mọi so sánh đều là khập khiễng. Nhưng về lịch sử, vụ Trung Quốc bất ngờ tấn công bãi Gạc Ma vào tháng 03/1988, khi Liên Xô cũ còn đóng quân tại Cam Ranh như một lá chắn hữu hiệu để bảo vệ Trường Sa, là một ví dụ đáng ghi nhớ. Đó là thời điểm mà chiến tranh biên giới Việt - Trung đã giảm nhiệt. Ước mong của nhân dân Việt Nam là có quan hệ tốt với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Ước mong đó đã được hiện thực hóa từng bước qua những trao đổi ngoại giao cấp chính phủ. Giao dịch thương mại đã nhen nhóm trở lại, khi đốm lửa chiến tranh xem ra đang nguội dần. Trong bối cảnh đó, ít ai ngờ rằng, Trung Quốc sẽ bất ngờ cho quân tấn công Bãi Gạc Ma. Hãy nhìn từ ngày ấy, để hiểu rõ mất mát của dân tộc, khi các chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh kề bên vòng tròn bất tử - biểu tượng chủ quyền của Việt Nam trên đảo - để bảo vệ lá cờ tổ quốc. Hãy nghĩ theo chiều dài lịch sử cho đến ngày hôm nay, khi tranh chấp biển đảo, khai thác dầu, diễn ra căng thẳng nhất là quanh vùng biển gần Trường Sa, Hoàng Sa, và đang lan dần vào thềm lục địa, sát bờ biển Việt Nam, qua vụ Bình Minh 02 và Viking 02. Khó ai không nghĩ rằng viên gạch tạo nền móng cho tranh chấp hôm nay để giành quyền kiểm soát Biển Đông, đã được Trung Quốc đặt từ hơn 20 năm trước. Và nếu tính cả Hoàng Sa, thì sự chuẩn bị đã có gần 40 năm. Liệu Trung Quốc sẽ nghĩ gì và làm gì cho 40 năm sau, hay gần hơn là cho 20 hay 10 năm tới? Việt Nam hiện nay, cũng giống như 20 năm về trước, khó có thể làm gì nhiều để ứng phó với cách mà Trung Quốc ứng xử lá mặt lá trái, lúc nóng lúc lạnh, khiến chính mình bị dao động giữa một bên là chiến lược phòng thủ chung với Mỹ và ASEAN; và bên kia là buộc phải ở vào thế tự vệ đơn phương, khi bất ngờ bị Trung Quốc tấn công. Nhưng Việt Nam cũng có thể chơi ngẫu hứng để đáp trả ngẫu hứng. Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa các đàm phán song phương với Trung Quốc. Đồng thời, cần hành động thực tế hơn, nhưng ngẫu nhiên và khó xác định hơn, trong việc củng cố hợp tác phòng thủ với Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ và các nước ASEAN. Điều đó là lẽ phải, nhằm bảo đảm sự ổn định khu vực và tự do, an toàn hàng hải. Các phương án có thể trải rộng từ việc tăng khả năng cảnh báo sớm, tăng sức mạnh phòng thủ ở các điểm chiến lược; cho đến phối hợp tập trận, bảo vệ an toàn hàng hải; hợp tác tuần tra trên không và trên biển thuộc chủ quyền quốc gia, đi kèm với hoạt động nhân đạo, cứu hộ, hay khảo sát khí tượng, nghiên cứu môi trường tự nhiên và thềm lục địa. Cách chơi ngẫu hứng như vậy sẽ làm thay đổi kỳ vọng của các bên, kể cả Trung Quốc về được và mất khi nổ ra xung đột; do đó ảnh hưởng tới xác suất gây ra xung đột. Chính Việt Nam cũng có thể lái Trung Quốc trở lại thế đa phương để giải quyết xung đột song phương; cụ thể là khi khả năng có sự đáp trả mang tính phối hợp quốc tế là đủ cao, thì tự nó đã tạo ra sự răn đe hữu hiệu với các hành động gây chiến hung hăng nhất. Theo cách tiếp cận như vậy, chúng ta phải mở rộng khái niệm về chủ quyền trong một Thế giới mới, mà sự liên kết kinh tế - địa - chính trị làm nền tảng vững chắc cho cơ chế phối hợp an ninh đa phương. (Economies of scale and scope in coordination mechanism). Nói rõ hơn, dù rằng chúng ta tôn trọng và gìn giữ tình hữu nghị với Trung Quốc. Nhưng việc ngồi im không làm gì, khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền khai thác tài nguyên mang tính loại trừ, như đánh bắt cá hay khai hác dầu thô tại thềm lục địa của Việt Nam, thì điều đó không chỉ làm tổn thất niềm tự hào dân tộc, mà còn làm suy yếu tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam với Trung Quốc. Nói rõ hơn, chúng ta nên có những giải pháp cụ thể để bảo vệ chủ quyền thông qua hợp tác kinh tế - địa - chính trị với tất cả các nước liên đới, không chỉ riêng với Trung Quốc. Cụ thể là chúng ta có thể cho thuê (lease) dài hạn, ví dụ là 100 năm, các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam cho các quốc gia như Nga, Mỹ, Nhật, nhằm khai thác dầu thô hoặc đánh bắt cá. Các khoản thuế (tax) hoặc lợi tức (rent) từ việc cho thuê quyền khai thác tài nguyên mang tính loại trừ này chính là biểu hiện cụ thể về kinh tế của chủ quyền không thể bị xâm phạm của Việt Nam. Khi mà các dạng thuế, lợi tức được ghi nhận và quyền sở hữu của các quốc gia hay công ty nước ngoài được đảm bảo theo công ước quốc tế, thì tất yếu sẽ làm giảm các tranh chấp song phương, vì khả năng bảo vệ chủ quyền được tăng lên. Một khía cạnh nữa là việc phối hợp khai thác và bảo vệ tài nguyên không loại trừ: đường hàng hải chiến lược qua Biển Đông, với hơn 1/3 giá trị thương mại toàn cầu đi qua đó. Tiềm năng phát triển kinh tế và vị thế địa lý chiến lược của Việt Nam có thể tạo ra sự bổ trợ lẫn nhau, cho phép Việt Nam tham dự ngày càng nhiều hơn vào việc khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ và ngày một tăng này. Việt Nam có thể cho thuê không cảng và hải cảng chiến lược, mà nó cho phép tăng tính an toàn và hiệu quả, hay giảm chi phí và rủi ro trong vận chuyển trên không và trên biển. Điều đó làm tăng sự đóng góp của Việt Nam vào giá trị thương mại của nguồn tài nguyên không loại trừ - đường vận chuyển quốc tế dọc theo Biển Đông. Ở đây có sự ghép nối giữa lợi ích thương mại và bảo đảm an ninh đa phương, mà các bên liên quan đều hưởng lợi. Vì vậy, giá trị của sự phối hợp là rất lớn. Từ các điểm nút chiến lược ven biển, sự bùng nổ về giao dịch, vận chuyển quốc tế sẽ cho phép các dòng vốn, công nghệ, và các phương thức tổ chức hiệu quả lan truyền vào Việt Nam. Các nguồn lực này sẽ tạo nên sự tăng trưởng dựa trên hiệu quả hay vốn tri thức, kéo theo sự hoà nhập mạnh của Việt Nam vào chuỗi thương mại toàn cầu. Nói rõ hơn, việc khai thác lợi thế về thông thương và tăng cường giao dịch quốc tế chính là làm tăng giá trị kinh tế của chủ quyền và sức mạnh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
|