Biển Đông: Tới thời của thái độ tốt và hành xử đúng

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Biển Đông: Tới thời của thái độ tốt và hành xử đúng
    Cập nhật lúc 08/07/2011 12:30:35 PM (GMT+7)

    Giữa lúc căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario có chuyến thăm chính thức Trung Quốc hai ngày (7-8/7) để thúc đẩy quan hệ hai bên sau những bất đồng gần đây vì tranh chấp chủ quyền hàng hải.


    >> Biển Đông: Chông gai phía trước
    >> Philippines: Không cho phép nước lớn lấn lướt


    Chuyến thăm này không chỉ để giải quyết những bất đồng hai bên về việc tranh chấp mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Philippines Benigno Simeon Aquino III.

    Động thái trên diễn ra sau hai sự kiện quan trọng tại Manila: kỷ niệm 113 năm thành lập Bộ Ngoại giao Philippines ngày 5/7 và hội nghị Manila về Biển Đông ngày 5-6/7.

    Hội nghị do Viện ngoại vụ Bộ ngoại giao Philippines (FSI), Học viện ngoại giao Việt Nam cùng Đại học quốc phòng quốc gia Philippines (NDCP) phối hợp tổ chức. Sự kiện này thu hút nhiều chuyên gia quốc tế cùng thảo luận về những khó khăn hiện tại về vấn đề Biển Đông. Hội nghị nhấn mạnh cần thông qua một thỏa thuận có tính ràng buộc để ngăn chặn những tranh chấp xảy ra ở Biển Đông có thể leo thang thành xung đột vũ trang.




    "Có rất nhiều căng thẳng, xung đột và hiểu nhầm xuất phát từ sự mơ hồ về đường chữ U, đường 9 đoạn của Trung Quốc"


    Dĩ nhiên, không một giải pháp thực tế nào có thể đạt được nếu Philippines và Trung Quốc cũng như các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông tiếp tục theo đuổi quan điểm cứng rắn về vấn đề chủ quyền. Nhưng nếu Philippines và Trung Quốc thể hiện những sự linh hoạt nhất định trong tuyên bố chủ quyền thì hai nước sẽ tạo ra một xu hướng cho việc thực thi thái độ tốt và hành xử đúng đắn ở Biển Đông mà các bên liên quan khác có thể noi theo.

    Tại hội nghị bàn về Biển Đông ở Manila, các nhà phân tích an ninh và ngoại giao quốc tế không cho rằng căng thẳng hiện tại có thể dẫn tới xung đột, nhưng cảnh báo có thể diễn ra những vụ đụng độ nhỏ khi các bên tuyên bố chủ quyền gia tăng hành động nhằm khẳng định quyền của mình ở Biển Đông.

    Trung Quốc muốn gì?

    "Căng thẳng có những lúc lên, lúc xuống và chúng ta cần một bộ quy tắc hành xử ràng buộc hơn để điều chỉnh hoạt động của các nước ở Biển Đông. Và bộ quy tắc ấy cần phải bao trùm tất cả hoạt động của mọi bên liên quan ở Biển Đông, không chỉ có các nước tuyên bố chủ quyền”, tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Biển Đông, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói.

    Ông cho rằng, căng thẳng gần đây thể hiện sự hạn chế của bộ quy tắc hành xử thiếu tính ràng buộc pháp lý. Ông nhấn mạnh, một thỏa thuận mạnh mẽ hơn cũng còn là vì lợi ích của những nước khác như Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ để bảo vệ tự do hàng hải và hoạt động kinh tế hợp pháp trong vùng biển chiến lược.

    Biển Đông - vùng biển với tầm quan trọng chiến lược, giàu trữ lượng dầu khí - là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

    Tuần trước, một cơ quan nghiên cứu chính sách Australia đã cảnh báo, các sự cố trên biển có thể dẫn tới chiến tranh ở châu Á.

    Cả Philippines và Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông trong vài tháng qua bao gồm cắt cáp các tàu thăm dò, đe dọa hay làm hư hỏng tàu thăm dò và tàu cá, bắn vào ngư dân…

    "Tôi nói rằng, tình hình hiện tại là khẩn cấp vì nếu nó không được giải quyết, chúng ta sẽ thấy các vụ đụng độ trên biển”, Giáo sư Carlyle Thayer của Đại học New South Wales ở Australia nói. Theo ông, Trung Quốc và ASEAN cần nhất trí về một cách thức dựa trên các nguyên tắc với các cơ chế bổn phận và thực thi. "Trung Quốc sau đó phải quyết định. Họ thực sự muốn một hệ thống dựa trên nguyên tắc hay muốn những quy định của riêng mình? Họ muốn hợp tác với ASEAN hay muốn gây rối xung quanh?”, ông Carlyle nhấn mạnh.

    Đường 9 đoạn mập mờ

    Các chuyên gia hàng hải tham dự hội nghị về Biển Đông nói trên đã thúc giục Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền với các vùng tranh chấp trong vùng biển này.

    Họ cũng kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Đông Nam Á thể hiện sự kiềm chế trong quá trình giải quyết, để duy trì hòa bình và hợp tác trong khu vực. Với Biển Đông, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền bằng một bản đồ hình chữ U (còn gọi đường chín đoạn) bao trùm hầu hết vùng biển.

    Lí Minh Giang, chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore nói, tuyên bố chủ quyền kiểu trên của Trung Quốc là rất mơ hồ.

    "Nếu Trung Quốc có thể làm rõ tuyên bố chủ quyền của họ, giải thích về đường 9 đoạn, thì sẽ có lợi cho chính Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền khác cũng như những bên sử dụng Biển Đông. Vì ngay bây giờ, có rất nhiều căng thẳng, xung đột và hiểu nhầm xuất phát từ sự mơ hồ về đường chữ U, đường 9 đoạn”, ông nói.

    Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường song phương và không có sự can dự của bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Theo ông Lí, Trung Quốc không nên gây áp lực hay đe dọa để làm rõ vị trí của mình và thay vào đó là các cuộc hội đàm hòa bình.

    "Tôi cho rằng gây áp lực thực sự không phải là cách tiếp cận tốt, đặc biệt trong bối cảnh khi Trung Quốc cảm thấy mạnh hơn. Áp lực chỉ gây ra phản ứng ngược, nên thuyết phục, đàm phán sẽ tốt hơn. Cần giải thích với Trung Quốc rằng, mọi thứ đã thay đổi, bối cảnh khu vực cũng thay đổi”.

    Thái An (tổng hợp từ abs-cbnnews, Inquirer, Phistar)



    Posted by Vietnamnet on July 08, 2011 at 11:11:05:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]