Tháng 7 - tháng quan trọng cho đàm phán về vấn đề Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ Bẩy, 09/07/2011 - 10:08
    Tháng 7 - tháng quan trọng cho đàm phán về vấn đề Biển Đông

    (Dân trí) - Trong bối cảnh những tranh chấp đang làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, tháng 7 có thể là tháng quan trọng cho các cuộc thảo luận về vấn đề này với những cuộc gặp song phương giữa các bên liên quan và hội nghị quốc tế có nhiều nước tham gia.


    Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh ngày 8/7.
    Các cuộc gặp song phương

    Sau cuộc gặp giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn hồi cuối tháng 6 - trong đó hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của đàm phán ngoại giao trong giải quyết những tranh chấp lãnh hải,

    Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng vừa ra tuyên bố chung cam kết tuân thủ bản Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông ( DOC ) và không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
    Chuyến thăm Bắc Kinh trong hai ngày 7 và 8/7 của Ngoại trưởng Philippines nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Benigno Aquino “trong tương lai gần”, với vấn đề Biển Đông nằm nổi bật trong chương trình nghị sự.

    Giới chức Philippines và dư luận nước này cho rằng các cuộc tiếp xúc song phương có thể giúp “hạ nhiệt” căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, mở ra con đường ngoại giao cho giải quyết vấn đề này.

    Theo ông Su Hao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, các cuộc thảo luận song phương - như đã được tiến hành gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc, có thể là một mô thức giải quyết các tranh chấp tương tự. “Các cuộc tiếp xúc cấp cao giúp xoá đi những hiểu lầm và ổn định hoá tình hình, mang lại lợi ích cơ bản cho tất cả các bên”, ông này nói.

    Hội nghị ARF

    Theo kế hoạch, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) sẽ diễn ra từ ngày 16-31/7 tại đảo Bali (Indonesia). Tham dự ARF lần này sẽ có các chuyên gia về vấn đề an ninh quốc tế đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối thoại bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Nga.

    Báo chí khu vực gần đây cho rằng Mỹ và Philippines dự định đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại ARF. Ngoại trưởng Philippines cũng từng tuyên bố tranh chấp Biển Đông sẽ là chủ đề chính của diễn đàn này, còn Đại sứ Mỹ tại Philippines cho rằng ARF là cơ hội tốt nhất để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

    Một vài nước còn lại, bề ngoài có vẻ không có liên quan trực tiếp tới vấn đề Biển Đông, cũng tỏ ra hết sức tích cực đối với vấn đề này.

    Do Biển Đông là huyết mạch quan trọng sống còn của Nhật Bản, nên mặc dù không có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, nhưng Nhật Bản cũng muốn đề cập đến vấn đề này.

    Cách đây 10 năm, Ấn Độ đã đề ra cái gọi là chiến lược “Đông tiến” và tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia Đông Nam Á nhằm mở rộng tiếng nói trong vấn đề Biển Đông; Australia và một số nước EU lấy lý do “quyền hàng hải ở Biển Đông” liên quan tới lợi ích của họ để “không thể khoanh tay trước vấn đề này”.

    Vai trò của Indonesia


    Dư luận đang trông đợi Indonesia đóng vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề của khu vực, đặc biệt là những tranh chấp ở Biển Đông.

    Indonesia đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN từ đầu năm nay với một sự tự tin lớn. Hồi tháng 1/2011, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa phát đi tín hiệu rằng một loạt tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông sẽ là trọng tâm then chốt của các nỗ lực ngoại giao của Indonesia.

    Trong một bài phân tích, Jessica Brown - nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu độc lập của Australia - cho biết mấy tháng trước, Indonesia luôn giữ vai trò “điều đình” trong tranh chấp Biển Đông, song gần đây nước này đã trở nên hết sức thận trọng.

    “Jakarta hiểu rằng chỉ thông qua đàm phán đa phương mới có thể giải quyết vấn đề, đương nhiên Mỹ là một thành viên không thể thiếu trong quá trình đàm phán. Đây chính là lý do tại sao Indonesia gần đây lại giữ thái độ im lặng”, ông Brown viết.

    “Chỉ có một sự lựa chọn cho ASEAN trong tranh chấp Biển Đông và Indonesia trên cương vị Chủ tịch ASEAN là tiếp tục khuyến khích Mỹ đóng vai trò tích cực trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc. Điều này không có nghĩa là ASEAN không thích hợp cho vai trò trung gian”.

    Trung Quốc cho rằng các tranh chấp tại đây phải được giải quyết trên cơ sở song phương. Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN có liên quan - Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei - cho rằng chỉ hành động như "một dàn nhạc" thì mới có thể đối phó với nước láng giềng mạnh mẽ phía Bắc.

    Giới phân tích trong và ngoài khu vực cũng cho rằng với tư cách Chủ tịch ASEAN, Indonesia có thể thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông trong một diễn đàn đa phương rộng rãi hơn do ASEAN dắt dẫn, như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) hoặc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

    “Indonesia hiểu rằng việc giữ cả Trung Quốc và Mỹ bên cạnh ASEAN là điều rất quan trọng. Chỉ khi nào ASEAN có thể đóng một vai trò trong việc đưa các cường quốc khu vực chính ngồi vào bàn thảo luận và giúp các nước Đông Nam Á nhỏ hơn có tiếng nói trọng lượng hơn thì Hiệp hội này mới có thể tự giải quyết được vấn đề Biển Đông. Sự im lặng gần đây của Indonesia về Biển Đông cho thấy Jakarta đã nhận thức được điều này”, tờ Thái Dương của Hồng Kông hôm 4/7 viết.

    Nguyễn Viết




    Posted by Dân Trí on July 09, 2011 at 01:49:25:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]