Cập nhật: 13:57 GMT - thứ ba, 12 tháng 7, 2011 'Nhân sự cũ lại không bàn về biển đảo'
Hình do PetroVietnam công bố về vụ ngày 26/5 mà phía Việt Nam cho là tàu Trung Quốc đã gây hấn Hội nghị Trung ương II của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất một tuần họp bàn nhưng lại không đề cập đến chủ đề thời sự nóng bỏng là tranh chấp ngoài Biển Đông, gây ra thất vọng trong giới vận động chính trị. Trả lời BBC Việt Ngữ ngày 12/7, ông Lê Hồng Hà, cựu chánh văn phòng Bộ Công an nhưng nay là nhà bình luận thời sự, cho rằng phương án nhân sự cao cấp đệ trình lên Quốc Hội khóa tới "vẫn là theo đường lối lâu này, chưa có gì đổi mới". Nhưng theo ông, riêng việc Hội nghị trung ương kết thúc kỳ họp hôm Chủ Nhật 10/7 vừa qua mà không đề cập tới chủ đề Biển Đông là chuyện rất đáng nói. Tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong mấy tháng gần đây đã dẫn tới phản ứng của Việt Nam và Philippines trước hoạt động khẳng định chủ quyền mạnh bạo của Trung Quốc tại đây. Trung Quốc một mặt kêu gọi giải quyết tranh chấp qua thương lượng một cách hòa bình, mặt khác kiên quyết tuyên bố chủ quyền tại phần lớn khu vực Biển Đông.
Trong khi đó Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc gây hấn và phá hoại thiết bị tàu thăm dò dầu khí và chính những vụ việc này đã dẫn tới các cuộc biểu tình quần chúng phản đối Trung Quốc tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. "Buồn và thất vọng" Theo phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, giải thích thì biểu tình là "phản ứng của người dân trước những sự kiện ở Biển Đông". Tôi cho rằng thái độ như thế là hơi bạc nhược Việc chính phủ Việt Nam không có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc đã khiến những người như ông Lê Hồng Hà cảm thấy "buồn và thất vọng". Ông Lê Hồng Hà giải thích: "Vấn đề sôi nổi, liên hệ trực tiếp đến vận mệnh của đất nước, đến tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, là vấn đề Biển Đông, thì Hội nghị Trung ương đã không bàn gì hết, cũng như không đưa ra một tuyên bố gì về vấn đề này." "Có lẽ người ta cho rằng cần có sách lược đúng đắn trong việc đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông nên họ có thái độ như vậy, nhưng theo tôi Trung ương họp bàn mà không tỏ thái độ về vấn đề Biển Đông thì như thế sẽ không có lợi cho uy tín của Đảng đối với nhân dân đất nước này," ông Lê Hồng Hà nói. Vẫn theo ông Lê Hồng Hà trước việc "Trung Quốc có những hành động xâm lấn trắng trợn và rất ngang ngược" thì tất nhiên Biển Đông đang trở thành vấn đề chính trị sôi nổi. Trước lập luận rằng chính phủ Việt Nam có thể cho rằng Trung Quốc là một nước lớn, nếu tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc thì có thể không có lợi về phương diện ngoại giao, ông Lê Hồng Hà nói:
Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Hồ Xuân Sơn sang thăm Trung Quốc và họp bàn với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, hôm 25/06, một động thái được nhìn nhận như một nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai nước qua con đường thương thảo. Tân Hoa Xã hôm 28/06 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, nói Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến đi của ông Sơn. Điều này khiến một phần dư luận Việt Nam đã bàn luận nhiều, và sau đó, 18 trí thức trong nước ký tên yêu cầu nhà nước cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc". Gần đây nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai 11/07 kêu gọi Việt Nam và Philippines sử dụng biện pháp 'ngoại giao khôn khéo' cùng vào thời điểm Bắc Kinh điều tàu ngư chính 46012 tới Trường Sa. Hãng Reuters trích lời Thứ trưởng Trung Quốc, bà Phó Oánh, nói trong bài phát biểu tựa đề 'Phát triển hòa bình của Trung Quốc và môi trường quốc tế' tại Hong Kong: "Điều quan trọng là cần xử lý các điểm bất đồng". Quốc hội Việt Nam khóa XIII sẽ bắt đầu họp phiên đầu tiên ngày 21/07, trong thời gian 23/07- 27/07 sẽ bỏ phiếu bầu lãnh đạo Nhà nước, và lãnh đạo Chính phủ sẽ được bầu vào ngày 02/08. Các phương án về nhân sự được báo chí nhà nước ca ngợi là "hợp lý nhất" cho tình hình hiện nay.
|