Philippines tuyên bố nước này sẽ kêu gọi ASEAN kiên định trước hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông trong các hội nghị khu vực sắp tới. Theo Đài truyền hình GMA News của Philippines, vấn đề tranh chấp ở biển Đông dự kiến sẽ được đưa ra bàn luận tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) từ ngày 15-23.7 tại Bali, Indonesia. Ngoài các thành viên ASEAN, tham dự ARF còn có các đối tác lớn như: Ấn Độ, EU, Mỹ, Nga, Nhật, Úc và Trung Quốc. Hôm qua, một quan chức ngoại giao cấp cao của Philippines cho biết nước này sẽ kêu gọi ASEAN có quan điểm kiên định trước những hành động gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc trên biển Đông. Dự kiến, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của việc ASEAN “tái khẳng định cam kết đối với vấn đề tự do hàng hải” trong khu vực. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua thông báo Tổng thống Barack Obama sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tổ chức tại Bali vào tháng 11, trở thành lãnh đạo Nhà Trắng đầu tiên tham dự sự kiện này. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào dự kiến cũng sẽ có mặt, theo AFP. Hồi tháng 6, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của nước chủ nhà Indonesia cho hay tranh chấp ở biển Đông sẽ được thảo luận tại EAS lần này. Cũng trong hôm qua, AFP dẫn lời Ngoại trưởng del Rosario nói việc Trung Quốc bác bỏ đề nghị của Philippines trong việc đưa tranh chấp ra Tòa án quốc tế về Luật biển chứng tỏ Bắc Kinh lo ngại rằng luận điểm của họ về biển Đông không có tính thuyết phục. Cũng qua chuyện này, giới phân tích nhận định Trung Quốc không tôn trọng Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Trong bài viết mới đây trên website Yale Global, Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc một lần nữa chỉ ra ý định áp đặt chủ quyền trên biển Đông qua bản đồ “đường lưỡi bò”. Ông Thayer nói Trung Quốc đi ngược lại với tinh thần của UNCLOS, văn bản mà nước này đặt bút ký vào năm 1996. Dù Trung Quốc thường viện dẫn UNCLOS trong các tuyên bố về biển Đông, trên thực tế, nước này có nhiều động thái bị đánh giá là không tuân theo công ước. Chẳng hạn như việc đệ trình bản đồ gây tranh cãi với những điểm mập mờ về các tọa độ địa lý chính xác của đường lưỡi bò cũng như hàng loạt hành động quấy rối tàu của Việt Nam và Philippines. Đó là chưa kể lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm đối với ngư dân Việt Nam và kế hoạch triển khai giàn khoan dầu khổng lồ đến khu vực Trường Sa của Việt Nam. Theo ông Thayer, nếu để Trung Quốc biến biển Đông thành “ao nhà” sẽ làm suy yếu pháp lý quốc tế. Một chuyên gia khác là Mark Valencia của Đại học Hawaii còn chỉ ra rằng các hành động của Trung Quốc tại biển Đông vi phạm rõ ràng bản Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) được nhất trí với ASEAN hồi năm 2002. Thụy Miên
|