Biển Đông: những nước cờ tiếp theo

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thời sự Ngày 15.07.2011, 14:23 (GMT+7)
    Biển Đông: những nước cờ tiếp theo

    SGTT.VN - Trong 50 ngày qua, kể từ sự kiện ngày 26.5 tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp cách mũi Đại Lãnh 120 hải lý, Biển Đông nổi sóng với các cuộc tập trận hải quân và vùng biển này trở thành phép thử về chiến lược, sách lược của Trung Quốc, cũng như về quan điểm, thái độ của tất cả các bên liên quan.


    Những người biểu tình thả bồ câu trước toà lãnh sự Trung Quốc ở Manila, kêu gọi đàm phán hoà giải chính trị về tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: Reuters


    Phép thử và ba kết quả

    Về phía Trung Quốc thấy rõ ba điểm.

    Một, Trung Quốc xác định Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” và “tiền duyên” của cuộc tranh bá trên các vùng biển Đông Á. Vụ Bình Minh 02 bộc lộ việc Trung Quốc triển khai chiến lược Biển Đông sang giai đoạn mới áp đặt “đường lưỡi bò” và thăm dò khai thác dầu khí vùng biển sâu, trọng tâm là vùng Trường Sa – Nam Biển Đông. Chỉ lệnh tháng 4.2011 của bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra bốn nguyên tắc chỉ đạo đấu tranh trên các lĩnh vực, “tăng cường công tác trực ban tại các đảo thuộc chủ quyền cũng như tại vùng biển gần các đảo này”. Ngày 10.6, bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập tổ lãnh đạo xử lý sự kiện khủng hoảng Biển Đông gồm 11 nhân vật trọng yếu, do phó Chủ tịch quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình làm tổ trưởng, có chức trách, nhiệm vụ “xử lý quyết sách ngay phút đầu xảy ra sự kiện bất ngờ và thay đổi tình hình quân sự ở khu vực tiền duyên Biển Đông”.

    Biển Đông như vậy đã thành sự đặt cược chính trị lớn khi nhiều nhân vật chóp bu của thế hệ lãnh đạo thứ năm trực tiếp xử lý vấn đề này. Dư địa thoả hiệp từ phía Trung Quốc càng thu hẹp trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Người thử thách khả năng thoả hiệp của Bắc Kinh không ai khác là ngoại trưởng Philippines ông Del Rosario. Sau chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 7 – 9.7, ông nhận xét: “Trung Quốc vẫn không thay đổi lập trường khi cho rằng nước này có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và vùng biển Tây Philippines”.

    Hai, dư luận nội bộ Trung Quốc hình thành hai loại quan điểm: phái cứng rắn và phái thực tiễn, tìm cách giải quyết tranh chấp. Quan điểm thực tiễn, theo lời cựu thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Kiến Dân, Trung Quốc không nên hễ động đến lợi ích cốt lõi là “đánh đánh, giết giết”, kiên quyết phản đối Trung Quốc diễu võ dương oai ở Biển Đông, việc làm này chỉ khiến có thêm nhiều người nguyền rủa, thậm chí căm hận Trung Quốc. Ông này cho rằng khả năng Trung Quốc khai chiến gần đây có chiều hướng tăng, nhưng về tổng thể vẫn không xảy ra chiến tranh.

    Ba, lập trường của Trung Quốc về giải quyết vấn đề Biển Đông bộc lộ hai điểm mơ hồ lớn về “đường lưỡi bò” và “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

    Vén màn sương mờ chiến lược


    Cuộc tập trận hải quân vừa diễn ra giữa Mỹ – Nhật – Úc tại Biển Đông là hoạt động phối hợp đầu tiên giữa ba nước, nằm trong tầm nhìn kiềm chế phòng ngừa đối với Trung Quốc.


    Trước dư luận thế giới, xuất hiện hình ảnh Trung Quốc “nói một đường làm một nẻo”, “kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu”. Điều không được chấp nhận là ở thế kỷ 21 một quốc gia còn tìm cách áp đặt “học thuyết Monroe”, với đòi hỏi 85% diện tích Biển Đông, cự tuyệt mọi sự can dự đa phương và bên ngoài, làm suy yếu chế độ pháp lý quốc tế cho một trật tự toàn cầu mới. Đòi hỏi này sẽ xâm phạm 75% vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam và với Philippines, theo lời của Tổng thống Benigno Aquino ngày 5.7, nếu người Philippines “cam chịu bị nước lớn bắt nạt thì có lẽ ngày mai, 7.100 hòn đảo của Philippines sẽ chỉ còn lại vài chục”.

    Nhưng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không chỉ nhằm vào Việt Nam hay Philippines mà tác động đến nhiều quốc gia khác. Vì vậy, hành động gây hấn của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế và làm cho nước này bị cô lập hơn nữa.

    Người đeo chuông ắt phải là người tháo chuông. Nhưng tình thế Trung Quốc hiện nay muốn giải quyết cũng khó giải quyết. Thành ra cứ phải bám giữ lập trường cũ.

    Mỹ là đối tượng tranh thủ chủ yếu của Trung Quốc từ đầu năm đến nay. Mục tiêu trước hết của hoà hoãn mới là giữ Mỹ đứng trung lập trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, và những gì diễn ra sau các cuộc đối thoại chiến lược kinh tế quân sự Mỹ – Trung tại Washington hồi tháng 5 cho thấy Trung Quốc đã phần nào thành công. Nhưng trước các hành động gây hấn quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ trở lại lập trường “can dự”.

    Cuộc tập trận hải quân vừa diễn ra giữa Mỹ – Nhật – Úc tại Biển Đông là hoạt động phối hợp đầu tiên giữa ba nước, nằm trong tầm nhìn kiềm chế phòng ngừa đối với Trung Quốc. Nó cho thấy các nước lớn đã không bị đẩy vào sự chập chững, mơ hồ về chiến lược.

    Mặc dù Trung Quốc ra sức khẳng định tôn trọng tự do thông thương hàng hải quốc tế tại Biển Đông, nhưng sự leo thang của họ đã gây phản tác dụng. Các nhà phân tích cho rằng một khi kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ áp đặt luật chơi của họ đối với vùng biển Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Vai trò Mỹ như một cường quốc hàng hải, một “quốc gia Thái Bình Dương” như lời Tổng thống Mỹ Barack Obama, sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Nga – một cường quốc hàng hải, và Ấn Độ – một quốc gia hàng hải đang trỗi dậy, cũng không ngồi nhìn Trung Quốc đặt mọi sự trước việc đã rồi. Cho nên chủ tịch hội đồng tham mưu Liên quân Mỹ, đô đốc Mullen, ngay khi đặt chân đến Bắc Kinh trong cuộc đi thăm đáp lễ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông khi khẳng định: “Mỹ sẽ không rời khỏi khu vực. Sự hiện diện lâu dài của chúng tôi ở khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng với các đồng minh của chúng tôi trong nhiều thập kỷ qua, và chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò như vậy”.

    Trung Quốc một mặt phê phán sự can dự của Mỹ tại Biển Đông, mặt khác vẫn ra sức tranh thủ Mỹ, chủ động thúc đẩy cơ chế an ninh quân sự Mỹ – Trung nhằm gắn kết một mắt xích còn khuyết trong quan hệ chiến lược Mỹ – Trung. Trung Quốc hẳn đang thực hiện phương châm Mao Chủ tịch nêu ra 40 năm trước khi Trung – Mỹ bắt đầu cuộc hoà hoãn đầu tiên: “Đánh vẫn cứ đánh, đàm vẫn cứ đàm, hoà vẫn cứ hoà”. Kéo dài hoà hoãn với Mỹ để có thêm thời gian củng cố thực lực quân sự tiến tới đẩy hải quân Mỹ ra khỏi các vùng biển Tây Thái Bình Dương. Biển Đông nằm trong ván bài ngửa của quan hệ an ninh quân sự Mỹ – Trung cũng như cuộc cạnh tranh quyền chủ đạo trên biển.

    Trước những bất trắc khôn lường tại Biển Đông, mỗi quốc gia liên quan sẽ tuỳ vào vị trí địa – chiến lược của mình mà hành xử. Nhưng tăng cường thực lực và tự cường dân tộc vẫn là mấu chốt cho việc bảo vệ chủ quyền và giải quyết tranh chấp.

    TS Nguyễn Ngọc Trường



    Posted by sgtt.vn on July 15, 2011 at 20:47:57:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]