Những diễn biến mới trên Biển Đông Tác giả: Trần Trường Thủy >> Thực thi tuyên bố DOC: Trung Quốc trở lại chủ nghĩa song phương Tuy nhiên, sẽ là ngây thơ nếu tin rằng nhờ DOC, các bên đã ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình. Theo DOC, các bên phải kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc khiến tranh chấp leo thang và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, trong đó có việc ngừng mọi hành động đưa người đến sinh sống tại các đảo, bãi đá, bãi cát ngầm, đảo thấp nhỏ và các địa hình khác vốn không có người sinh sống, và giải quyết các bất đồng một cách mang tính xây dựng. Tuy nhiên, Tuyên bố DOC không làm rõ những hoạt động nào có thể được coi là phức tạp và leo thang tranh chấp. Các bên đòi chủ quyền tiếp tục xây dựng nhiều công trình trong những nơi đang tranh chấp trên biển Đông và tuyên bố các quy định tài phán đơn phương nhằm chứng tỏ chủ quyền trong các khu vực tranh chấp. Cách tiếp cận của Trung Quốc, trong vai trò nước mạnh nhất, trên biển Đông xác định bản chất của tranh chấp. Từ năm 2007-2008, khi Bắc Kinh sửa đổi chính sách đối với vấn đề biển Đông theo hướng quyết đoán hơn, tình hình đã căng thẳng trở lại. Tháng 12/2007, Trung Quốc đã xây dựng thành phố Tam Sa để quản lý hành chính quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (và bãi đá chìm dưới biển Macclesfield Bank), gây sự phản đối chính thức và mạnh mẽ của Việt Nam cũng như làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1/2010, Trung Quốc đã quyết định thành lập các cơ quan chính quyền địa phương trên quần đảo Hoàng Sa và phát triển ngành công nghiệp du lịch tại đây, và hành động này đã bị Hà Nội lên án là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Sau đó, Trung Quốc thông qua "Đại kế hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020", theo đó quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ được hợp nhất trong một tổ hợp đa chức năng trên biển, các tuyến đường du lịch biển và trên không tới Hoàng Sa sẽ được xúc tiến xây dựng, và khuyến khích người dân đăng ký sinh sống trên quần đảo này. Tháng 6/2010, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (MOFA) đã lên án kế hoạch của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại tinh thần của DOC. Bà nhắc lại điều khoản 5 của DOC: "Các bên cần kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, trong đó có việc ngừng mọi hành động đưa người đến sinh sống tại các quần đảo, bãi đá, bãi cát ngầm, đảo thấp nhỏ và các hình thái địa chất khác vốn không có người sinh sống, và giải quyết các bất đồng một cách mang tính xây dựng". Ảnh minh họa: Chinanews Kể từ năm 1999, năm nào Trung Quốc cũng đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt trên biển Đông trong hai tháng Sáu và Bảy. Để thực thi yêu sách quyền tài phán của mình trên biển Đông, Trung Quốc đã đưa nhiều tàu ngư chính đến tuần tra các vùng biển đang tranh chấp. Năm 2006 và 2007, có một số báo đưa tin về các sự cố của ngư dân Việt Nam bị bắt giữ hoặc bị thương bởi các tàu tuần tra và tàu chiến Trung Quốc. Trong năm 2009, các lực lượng của Trung Quốc liên tiếp bắt giữ tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa và đòi khoản tiền chuộc 10.000 USD đổi lại việc thả các ngư dân này. Đầu tháng 4/2010, Bắc Kinh thậm chí thông báo cử hai tàu tuần tra lớn đến quần đảo Trường Sa để bảo về các tàu cá Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên việc này được tiến hành ngoài thời gian nước này đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt trên biển. Thỉnh thoảng Trung Quốc cũng tiến hành tập trận tại các khu vực đang tranh chấp nhằm gửi đi những dấu hiệu răn đe các nước đòi chủ quyền khác trên biển Đông. Mức độ thường xuyên và sự kết hợp các cuộc tập trận của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể những năm gần đây. Đối với việc phát triển năng lượng, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tích cực thu hút các công ty quốc tế đến khai thác các nguồn năng lượng tại các vùng biển mình đòi chủ quyền nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong nước. Thỉnh thoảng, khi các công ty năng lượng quốc tế tiến hành khai thác tại các khu vực của nước này nhưng bị nước khác coi là chủ quyền, đặc biệt trong khu vực đường chữ U của Trung Quốc, thì hoạt động này bị đình trệ vì các phản đối ngoại giao và thậm chí cả sự can thiệp của các tàu quân sự hoặc bán quân sự. Đầu mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã đề nghị một số công ty dầu và khí đốt nước ngoài ngừng khai thác với các đối tác Việt Nam trên biển Đông, bằng không sẽ phải chịu hậu quả trong công việc kinh doanh với Trung Quốc. Tháng 4/2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Việt Nam nhượng quyền và hợp tác với tập đoàn Dầu lửa Anh xây dựng một đường ống dẫn khí đốt gần bờ biển phía Nam Việt Nam, mà Trung Quốc coi là "khu vực biển gần kề" với quần đảo Trường Sa. Trung Quốc sẵn sàng trở lại đòi hỏi lịch sử rất mập mờ về mặt pháp lý của mình để đòi chủ quyền với hầu hết diện tích biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: "mọi hành động đơn phương của bất cứ bên nào tại các vùng biển này đều bị coi là sự xâm phạm chủ quyền, quyền lãnh hải và quyền tài phán của Trung Quốc". Việt Nam khẳng định rằng khu vực nằm trong dự án với BP thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Mọi hoạt động kiểm soát, quản lý đều phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và tinh thần của DOC. Mùa xuân năm 2007, dưới sức ép của Trung Quốc, BP đã ngừng các hoạt động khai thác tại các mỏ khí đốt Mộc Tinh và Hải Thạch thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Năm 2008, báo chí đưa tin tập đoàn năng lượng Mỹ Exxon Mobil cũng bị Trung Quốc đe dọa. Từ năm 2007-2010, Trung Quốc thường xuyên phản đối các hoạt động khai thác của các công ty năng lượng nước ngoài, trong đó có BP ở khu 117; PGS (của Na Uy) ở khu 122; Chevron (của Mỹ) ở khu 122; Pogo (của Mỹ) ở khu 124; ONGC (của Ấn Độ) ở khu 127; Indemisu (của Nhật Bản) ở khu 04-3; CoconoPhilips (Mỹ) ở khu 133; Pearl Energy (Mỹ) ở khu 06-1; Knoc (Hàn Quốc) ở khu 11-4; và Gazprom (Nga) ở các khu 111 và 113. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định trong trường hợp của Exxon Mobile, "các khu này hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam và phù hợp với Công ước của LHQ về luật biển" và "Việt Nam sẽ đảm bảo mọi lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam". Việt Nam "hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có cả các nhà đầu tư Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, trên cơ sở tôn trọng đầy đủ chủ quyền của chúng tôi". Năm 2009, Trung Quốc cũng phản đối việc Philippines khoan dầu ở khu vực Bãi Cỏ rong (Reed Bank), cách Palawan 60 hải lý về phía Tây, nơi có thể chứa 96 triệu mét khối khí và 450 triệu thùng dầu. Malaysia và Brunei cũng tranh chấp về khai thác một mỏ khí đốt tại một khu vực mà các đòi hỏi của hai bên chồng lấn nhau. Nhiều công ty khác nhau được giao cho những khu như nhau: Malaysia trao quyền khai thác cho Murphy Oil, trong khi Brunei trao quyền tương tự cho Royal Dutch Shell và Total. Về phía Trung Quốc, nước này rất cần nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là năng lượng, để phục vụ nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của mình. Trung Quốc từ năm 1993 đã là nhà nhập khẩu dầu. Theo ông Zhu Jianjun, thuộc Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nếu như năm 2010, 50% nhu cầu về dầu của nước này phụ thuộc vào nhập khẩu, thì đến năm 2020 con số này sẽ là 60%. Vì vậy, việc đảm bảo một nguồn cung bền vững và đảm bảo an toàn các tuyến đường vận chuyển đóng một vai trò quyết định trong việc duy trì sự phát triển kinh tế bền vững của Trung Quốc. Biển Đông được một số chuyên gia phân tích của Trung Quốc mô tả là vựa dầu, khí và nhiên liệu hóa thạch khổng lồ. Họ ước tính trữ lượng dầu vào khoảng 23-30 triệu tấn, tương đương 1/3 tổng nguồn tài nguyên dầu khí của Trung Quốc. Ông Zhang Dawei, thuộc Bộ Tài nguyên Đất, cho rằng biển Đông sẽ trở thành một trong 10 địa điểm khai thác dầu khí chính của Trung Quốc: trữ lượng dầu ước đạt 23-30 triệu tấn hoặc 168-220 triệu thùng. Cũng như với dầu mỏ, ước tính trữ lượng khí tự nhiên ở biển Đông cũng rất lớn. Một ước tính của Trung Quốc cho thấy toàn bộ khu vực này có trữ lượng hơn 50 nghìn tỷ mét khối khí. Một báo cáo khác của Trung Quốc ước tính 225 triệu thùng dầu riêng ở quần đảo Trường Sa. Tháng 4/2006, Husky Energy cùng với Tập đoàn Dầu khí hải ngoại của Trung Quốc thông báo phát hiện một túi khí tự nhiên gần quần đảo Trường Sa, có trữ lượng khoảng 186 triệu mét khối. Năm 2007, Bắc Kinh đã mời thầu 22 khu mỏ dầu ở biển Đông nằm trong các khu vực cách đảo Hải Nam hơn 1.000 hải lý. Các hoạt động mới đây diễn ra tháng 5/2010, khi Trung Quốc cử tàu thăm dò địa chất M/V Western Spirit đến nghiên cứu địa chất ở vùng biển quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, trong khu vực chồng lấn với các khu đang khai thác dầu khí 141, 142 và 143 của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc tiến hành các hoạt động san nền trên đảo Tri Tôn để chuẩn bị cho xây dựng. Ngày 5/8, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phản đối và đề nghị lập tức ngừng các hoạt động này. Trung Quốc xúc tiến các ý tưởng khai thác chung nguồn năng lượng trên biển Đông nhưng lại phản đối các hoạt động khai thác năng lượng của các nước khác trong khu vực hình chữ U (hay còn gọi là đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Về nguyên tắc, các nước đòi chủ quyền khác không phản đối đề xuất khai thác chung của Trung Quốc, song việc xác định các khu vực mà các bên chấp nhận là thực sự đang có tranh chấp vẫn là khó khăn lớn nhất để đưa những ý tưởng này thành hiện thực. Các nước này không chấp nhận đề xuất của Trung Quốc tiến hành khai thác chung tại các khu vực nằm trong yêu sách đường lưỡi bò bao trùm cả những địa điểm cách đảo Hải Nam đến 700 hải lý và nằm trong vùng EEZ rộng 200 hải lý của các nước đòi chủ quyền khác. Trong trường hợp Thỏa thuận Thăm dò địa chất chung trên biển Đông năm 2005 ký giữa các tập đoàn dầu lửa quốc gia của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, Philippines đã không gia hạn thêm văn bản này vì vấp phải sự phản đối trong nước, lên án chính phủ cho phép khu vực khai thác chung ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hồ sơ đệ trình đăng ký thềm lục địa mở rộng Căng thẳng về thềm lục địa biển Đông cũng không phải là không có liên quan đến các diễn biến tại biển Đông trong 2-3 năm qua, xung quanh thời hạn 13/5/2009. Một thỏa thuận của các nước ký kết UNCLOS đã ra hạn chót là ngày 13/5/2009 để các nước đăng ký thềm lục địa mở rộng, nằm ngoài giới hạn 200 hải lý theo quy định của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc. Ngày 6/5/2009, Malaysia và Việt Nam đã trình một hồ sơ chung lên CLCS đối với một khu vực đáy biển ở biển Đông nằm ngoài giới hạn 200 hải lý EEZ của mỗi nước. Ngày sau đó, Việt Nam đã trình một hồ sơ khác liên quan đến phần phía Bắc biển Đông. Trung Quốc lập tức gửi công hàm phản đối cả hai bản trình, coi đó là vi phạm chủ quyền của mình và đề nghị Ủy ban của LHQ bác bỏ các hồ sơ này. Sau gần 3 tháng, ngày 4/8/2009, Philippines cũng gửi công hàm phản đối các bản đệ trình lên CLCS của Việt Nam và Malaysia. Hai nước này cũng lập tức phản đối các công hàm của Trung Quốc và Philippines. Trung Quốc cũng trình lên CLCS một tài liệu sơ bộ liên quan đến biển Hoa Đông, trong đó tuyên bố rằng Trung Quốc bảo lưu quyền đăng ký thềm lục địa ngoài giới hạn 200 hải lý tại "các khu vực biển khác", có thể ý muốn nói đến các khu vực biển Đông. Philippines cũng đã trình một hồ sơ chưa đầy đủ về các khu vực thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 200 hải lý của EEZ ở khu vực Rãnh Benham trên biển Philippines. Tuy nhiên, nước này đã bảo lưu quyền đăng ký thêm đối với "các khu vực khác chưa xác định" trong tương lai. Các diễn biến xung quanh các hồ sơ đệ trình của các nước liên quan đã có một số tác động đến tình hình biển Đông nói chung, và đối với các hoạt động hợp tác nói riêng. Các hồ sơ trình CLCS của Malaysia và Việt Nam đã làm rõ các ranh giới yêu sách về thềm lục địa của mình tính từ đường cơ sở. Hơn nữa, dường như Việt Nam và Malaysia không coi bất cứ hình thái địa chất nào trong quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa trong trường hợp hồ sơ trình của Việt Nam) là được mang quy chế đảo quy định trong điều 121 của UNCLOS. Nếu bất cứ đảo nào ở biển Đông đều có thể đi kèm với các quyền thềm lục địa và EEZ, thì không có khu vực thềm lục địa mở rộng để đệ trình lên CLCS. Việc Việt Nam không bình luận gì về thỏa thuận giữa Chính phủ Philippines và Energy Forum trong lưu vực Bãi Cỏ rong đã khẳng định lại cách nghĩ trên của Việt Nam. Nếu sự rõ ràng trong yêu sách của Việt Nam và Malaysia liên quan đến các đảo tranh chấp nói trên được các bên ở biển Đông thông qua, nó sẽ đơn giản hóa đáng kể toàn bộ tranh chấp bằng cách thu hẹp căn bản các yêu sách biển gắn với các đảo đang tranh chấp. Sẽ có thể có hẳn một khu vực ở trung tâm biển Đông được coi là "chiếc bánh thềm lục địa" nằm ngoài giới hạn của thềm lục địa tính từ đảo gần nhất hoặc từ đất liền của các nước xung quanh biển Đông, mở cánh cửa hợp tác khai thác tài nguyên biển. Cách hiểu đơn giản hóa và hướng tới giải pháp cho tranh chấp của Việt Nam và Malaysia về "quy chế của các hình thái địa chất" thuộc quần đảo Trường Sa như trên được các nước xung quanh biển Đông đồng tình, trừ Trung Quốc. Trong tài liệu phản đối hồ sơ đệ trình của Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc khẳng định "chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với các đảo ở biển Đông và các vùng nước tiếp giáp, và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như thềm lục địa và tầng đất cái của nó". Đính kèm với hồ sơ của Trung Quốc là một bản đồ mô tả yêu sách đường lưỡi bò gồm 9 đoạn, bao trùm gần hết diện tích biển Đông. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sử dụng một yêu sách thay thế, bên cạnh yêu sách lịch sử của họ, dựa trên một thềm lục địa và EEZ từ các đảo nhỏ của quần đảo Trường Sa mà họ cũng đòi là của mình. Gần đây nhất, trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc đáp lại công hàm của Philippines phản đối đường lưỡi bò, Trung Quốc đã lần đầu tiên tuyên bố công khai và chính thức rằng "quần đảo Nam Sa của Trung Quốc có đầy đủ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa". Cần phải nói rõ rằng quan điểm của Chính phủ Trung Quốc về "quy chế quần đảo" trên biển Đông đi ngược lại với quan điểm của chính nước này đối với quy chế đảo Oki-no-Tori Shima của Nhật Bản, coi đây là một vỉa đá ngầm nhỏ và biệt lập có nhiều đặc điểm chung với các hình thái địa chất của quần đảo Trường Sa và nằm gần trung tâm khu vực biển Philippines ở Tây Thái Bình Dương. Trong công hàm của Trung Quốc gửi Tổng thư ký LHQ phản đối hồ sơ đệ trình của Nhật Bản về thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở là đảo Oki-ni-Tori Shima và thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý, Trung Quốc nói rằng "cái được gọi là đảo Oki-ni-Tori Shima trên thực tế là một bãi đá theo quy định trong điều 121(3) của Công ước". Về quan điểm của Philippines, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ về thềm lục địa mở rộng, Philippines đã thông qua luật Đường cơ sở Quần đảo vào ngày 10/3/2009, trong đó sửa đổi đường cơ sở thẳng hiện hành cho phù hợp với các quy định đường cơ sở quần đảo ghi trong UNCLOS. Theo luật mới, nhóm quần đảo Kalayan và Scarborough Shoal vẫn là một phần của lãnh thổ Philippines nhưng có "quy chế quần đảo". Tháng 8/2009, trong các công hàm ngoại giao phản đối hồ sơ của Việt Nam và hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia gửi CLCS, Philippines không nhắc đến bất kỳ thềm lục địa nào phát sinh từ quần đảo Kalayan đang tranh chấp, nhưng nói rằng "hồ sơ về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam nằm trong các khu vực đang tranh chấp vì nó chồng lấn với các khu vực của Philippines" (thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở quần đảo) và "hồ sơ chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia nằm trong các khu vực đang tranh chấp không chỉ vì nó chồng lấn lên thềm lục địa mở rộng của Philippines, mà còn vì tranh chấp liên quan đến các đòi hỏi chủ quyền của một số quần đảo trong khu vực, trong đó có Bắc Borneo". Có thể hiểu rằng điều đó có nghĩa là Philippines không coi bất kỳ hình thái địa chất nào trên quần đảo Trường Sa là đảo theo quy định trong điều 121 của UNCLOS. Như vậy các hình thái địa chất này không thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Liên quan đến quan điểm của Indonesia, trong một văn bản lưu hành tại LHQ ngày 8/7/2010, nhằm phản đối bản đồ yêu sách 9 đoạn đính kèm với hồ sơ của Trung Quốc nói trên, Indonesia cho rằng "những hình thái địa chất rất nhỏ và xa xôi này trên biển Đông không xứng đáng hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa riêng ", và "cái gọi là bản đồ 9 đoạn đứt... thực sự thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và như thể nhằm đảo lộn UNCLOS 1982". Brunei cũng dường như chia sẻ quan điểm của các nước liên quan trong ASEAN. Trong tài liệu sơ bộ về thềm lục địa mở rộng trình CLCS ngày 12/5/2009, Brunei cho biết đã đạt tiến bộ đáng kể hướng tới việc chuẩn bị một hồ sơ đầy đủ, nhưng chỉ có thể cung cấp hồ sơ này sau ngày 13/5/2009. "Hồ sơ đầy đủ của Brunei gửi ủy ban sẽ chứng tỏ rằng mép ngoài của thềm lục địa, nằm ở vùng chuyển giao giữa Dangerous Grounds và lòng biển sâu ở biển Đông, thuộc khu vực 200 hải lý tính từ đường cơ sở được dùng để tính lãnh hải của Brunei. Điều này có thể được hiểu là Brunei sẽ xác định thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý mà không tính đến các đảo mà họ đang đòi chủ quyền thuộc quần đảo Trường Sa. Còn tiếp... Châu Giang dịch từ CSIS
|