Philippines gia tăng hoạt động khẳng định chủ quyền trên Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thời sự Ngày 19.07.2011, 11:15 (GMT+7)
    Philippines gia tăng hoạt động khẳng định chủ quyền trên Biển Đông

    SGTT.VN - Gần đây, Philippines gia tăng các hoạt động nhằm bảo vệ chủ quyền của nước này, đối phó với tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền gần hết Biển Đông. Những hoạt động này của Philippines có thể nói là đa dạng, từ chính trị, ngoại giao cho đến cả quân sự.

    Kiên quyết bảo vệ chủ quyền



    Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario tại Washington ngày 23.6.2011 đã tái khẳng định Mỹ có lợi ích ở khu vực Biển Đông. Ảnh: AP


    Về chính trị, các lãnh đạo cao cấp của Philippines liên tục khẳng định chủ quyền của nước này tại một số lãnh thổ trên Biển Đông, phản đối đường chủ quyền 9 đoạn (lưỡi bò) của Trung Quốc.

    Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario thậm chí trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 8.7 đề nghị đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông lên Toà án quốc tế về luật biển của Liên hiệp quốc, và sau đó phía Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này. Tổng thống Philippines trong chuyến viếng thăm Trung Quốc sắp tới, dự kiến cũng sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận với Trung Quốc.

    Trong tháng 6.2011, cơ quan khí tượng Philippines đã tuyên bố không dùng từ biển Nam Trung Hoa (tên gọi tiếng Anh của Biển Đông) trên các bản tin và các tài liệu của mình, thay vào đó là dùng từ Biển Tây Philippines.

    Ngoài ra, ngày 20.7 này, một nhóm 5 nghị sĩ Philippines sẽ có chuyến thăm khu vực Reed Bank gần Trường Sa, ngoài khơi tỉnh Palawan, nơi Philippines cáo buộc Trung Quốc gia tăng hành động quấy phá nước này những tháng qua.

    Philippines cũng hoan nghênh bản dự thảo Nghị quyết 352 của nhóm 26 nghị sĩ Mỹ trình lên Hạ viện ngày 15.7, khẳng định ủng hộ Philippines.

    Tìm sự ủng hộ quốc tế

    Về ngoại giao, ngoại trưởng Albert del Rosario đã đến Mỹ, Trung Quốc để tìm phương cách giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, tìm sự ủng hộ của khối ASEAN và Mỹ trong vấn đề này.

    Philippines cùng Việt Nam và các nước ASEAN tại hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc (UNCLOS) diễn ra tại New York (Mỹ) ngày 17.6 đã cùng nêu lên tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc; kêu gọi một giải pháp hoà bình và vận dụng công ước của Liên hiệp quốc trong giải quyết các tranh chấp ở một số khu vực ở Biển Đông.

    Philippines cũng lên tiếng thúc giục các nước tham dự diễn đàn An ninh khu vực Đông Nam Á (ARF) cần phải giải quyết căng thẳng hiện tại ở biển Đông trong cuộc họp vào cuối tháng này tại Bali, Indonesia.

    Hiện đại hóa quân sự



    Tàu chiến hiện đại nhất BRP Gregorio del Pilar (PF-15) của Philippines, vốn là tàu tuần duyên lớn nhất của Mỹ, sẽ đến Philippines trong tháng 8.2011. Ảnh: AP


    Về quân sự, tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) ngày 5.6, bộ trưởng quốc phòng Philippines trong bài diễn văn đã lên tiếng phản đối các hành động quân sự của Trung Quốc trên biển Đông.

    Không chỉ lên tiếng suông, Philippines còn kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ và Washington mới đây đã tái khẳng định cam kết của mình về hiệp ước phòng thủ chung với Philippines. Không những vậy, Philippines đã gia tăng đầu tư cho quốc phòng và hiện đại hoá quân sự để bảo vệ chủ quyền trên vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Philippines đã yêu cầu Mỹ bán cho họ các máy bay tuần tra tầm xa và quân cụ hạng nặng hiện đại khác nhằm giúp bảo vệ tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp trên biển Đông.

    Mới đây, Philippines đã đạt thoả thuận mua lại tàu tuần tra Hamilton của lực lượng tuần duyên Mỹ (hoạt động từ 1967), được đặt lại tên là tàu BRP Gregorio del Pilar (PF-15), đây là tàu chiến lớn nhất và hiện đại nhất của hải quân Philippines. Tàu này có trọng tải 3.390 tấn, dài 115m, vũ trang với 1 đại bác 76mm, hai súng tự động Mk38 Bushmaster 25mm, súng phòng không 20mm, có chỗ đậu cho trực thăng. Chiếc tàu này sẽ hỗ trợ cho chiến hạm Humabon cổ lổ từ thời đệ nhị thế chiến đang tuần tra trên biển Đông. Con tàu này đã rời San Francisco chiều 18.7 và sẽ đến Philippines trong 3 tuần, và sẽ được bố trí ở khu vực tỉnh Palawan.

    Tổng tư lệnh quân đội Philippines, ông Eduardo Oban tuyên bố: “"Nhiệm vụ của quân đội là tuần tra khu đặc quyền kinh tế của chúng ta. Cho dù có mối đe dọa nào hay không, chúng ta cũng phải thực thi luật hàng hải và môi trường".

    Những hoạt động này, theo nhận định của báo Philstar ngày 20.7, cho dù một quốc gia nhỏ, Philippines đã chuẩn bị để làm những gì cần thiết trước bất kỳ hành động xâm chiếm nào đối với lãnh thổ của nước này.

    H.S (tổng hợp)


    Hy vọng có bước tiến về biển Đông

    Ngày 18.7, tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan nhận định vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa một số nước thành viên ASEAN với Trung Quốc sẽ đạt được những bước tiến nhất định tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần này ở Bali, Indonesia.

    Trả lời phỏng vấn báo Asahi (Nhật Bản), ông Pitsuwan cho biết các cuộc thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc đang được thúc đẩy và dự báo “có thể đạt được bước tiến về vấn đề tranh chấp Biển Đông.”

    Nhận định về Phương châm hành động, một bước đi bổ trợ nhằm nâng cấp Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lên thành Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

    Ông Pitsuwan vẫn tỏ ra thận trọng khi cho rằng phương châm này bị giẫm chân tại chỗ suốt từ năm 2002 tới nay, song nhấn mạnh các cuộc thảo luận quan trọng sẽ kết thúc trong năm 2011 và kết luận cuối cùng được đưa ra vào năm 2012.

    Được hỏi về vai trò của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông Pitsuwan tự tin nói rằng ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc đề xuất và giải quyết các vấn đề của khu vực.

    (Vietnam+)




    Posted by sgtt.vn on July 19, 2011 at 01:19:50:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]