Quyết tâm tìm kiếm tiến bộ về tranh chấp trên Biển Đông (19/07/2011) Trợ lý Ngoại trưởng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết ASEAN nhất trí thúc đẩy DOC Ảnh: Thủy Chung Hôm nay (18/7), trao đổi bên lề cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM44) tại Bali, Indonesia, Trợ lý Ngoại trưởng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết ASEAN nhất trí thúc đẩy DOC. Ông Vinh cho biết ASEAN thống nhất thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác xây dựng một cấu trúc khu vực, nhằm bảo đảm hòa bình ổn, định và an ninh ở khu vực , lấy ASEAN làm trung tâm, trong đó có việc tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề thách thức đặt ra, đồng thời tăng cường hiệu quả của các cơ chế đã trong khu vực như TAC, DOC… "DOC là văn bản rất quan trọng mà ASEAN đã ký với Trung Quốc. Lần này các nước ASEAN nhất trí tiếp tục thúc đẩy vì hòa bình ổn định và an ninh an toàn hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế", ông Vinh nói. Hội nghị cũng sẽ chuẩn bị để cuối năm trình Hội nghị cấp cao Đông Á một tuyên bố về nguyên tắc điều chỉnh các mối quan hệ cùng có lợi, ông Vinh cho biết thêm. Để thế giới tin ASEAN có thể giải quyết bất đồng với TQ Cũng trao đổi bên lề các hoạt động chính thức của ASEAN đang diễn ra tại Bali, Indonesia, trả lời về khả năng ASEAN đề cập đến vấn đề Biển Đông, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhấn mạnh: "ASEAN và các nước đối tác cũng như cộng đồng quốc tế rất lo ngại về những căng thẳng và xung đột tiềm năng có thể ảnh hưởng đến các quyến đường hàng hải trong và ngoài khu vực ASEAN, vì hoạt động xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực đều phụ thuộc vào tự do giao thương, tự do hàng hải, cũng như an ninh và ổn định của khu vực". Ông tin rằng AMM44 và ARF18 sẽ cung cấp một khuôn khổ hiệu quả để thảo luận vấn đề này. "Chúng ta có trách nhiệm lấy lại lòng tin của thế giới rằng ASEAN, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc, có thể giải quyết các bất đồng trong vấn đề này một cách hòa bình, căn cứ trên những cơ cấu mà hai bên đã ký với nhau". Nói về khả năng vấn đề Biển Đông được đưa ra bàn tại AMM44 và ARF18, Tổng thư ký ASEAN cho biết: "Tại diễn đàn này, khi bộ trưởng Ngoại giao các nước ngồi lại với nhau, họ đều là đại diện cho chủ quyền của quốc gia mình, họ có thể tự do nêu lên bất cứ vấn đề gì liên quan đến lợi ích của nước mình, đến an ninh quốc tế và các nước thành viên ASEAN khác". "Diễn đàn sẽ cung cấp cơ hội, cũng là một môi trường thân thiện, thoải mái, có lợi cho các cuộc đối thoại song phương. Tôi không ngạc nhiên nếu các nước thành viên ASEAN, các nước tham dự ARF và các đối tác muốn tận dụng không khí này cho các ý định gặp gỡ song phương", Tổng thư ký ASEAN nhận định. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa: Những căng thẳng trên Biển Đông khiến chúng ta thêm quyết tâm tìm kiếm tiến bộ trong vấn đề này Ảnh: Thủy Chung Theo xác nhận từ đoàn SOM Việt Nam, sau quá trình thảo luận về Biển Đông, các quan chức cấp cao đã thống nhất được nội dung thực thi DOC để trao đổi với phía Trung Quốc. Căng thẳng khiến các bên thêm quyết tâm tìm giải pháp Nhận định về lộ trình tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi DOC, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói tại cuộc họp báo chiều nay: "Điều thú vị là, một mặt không thể phủ nhận mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông, mặt khác chính những căng thẳng này lại khiến chúng ta thêm quyết tâm tìm kiếm tiến bộ trong vấn đề này". "DOC đã ra đời gần 10 năm, nhưng lần này, những gì ASEAN đang cố gắng làm để thực thi DOC là thực chất hơn bao giờ hết, khi mà khu vực ngày càng thiếu ổn định và bị chia rẽ. Chính điều này khiến các quốc gia ASEAN và Trung Quốc thêm quyết tâm tìm kiếm tiến bộ tại các hội nghị đang diễn ra", Ngoại trưởng nước chủ nhà phát biểu. Ông Natalegawa cho biết vấn đề Biển Đông sẽ được bàn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hội nghị mở rộng ASEAN - Trung Quốc. Trước đó, theo một quan chức nước chủ nhà, vấn đề này cũng sẽ bàn bạc tại Hội nghị tham vấn các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á tổ chức trong khuôn khổ ASEAN mở rộng, trong chủ đề chung là an ninh hàng hải. Về vai trò của Indonesia trong vấn đề này, Ngoại trưởng Natalegawa cho hay: "Chưa thể nói trước kết quả đạt được sẽ là gì, nhưng với tư cách chủ nhà và là nước không tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, Indonesia muốn tận dụng năng lượng và sự tập trung mà các nước liên quan đang có đối với vấn đề này theo hướng tích cực, thay vì chăm chăm tìm ra ai có lỗi". "Indonesia muốn biến những vấn đề này thành cơ hội, bằng cách thay đổi phương pháp lập luận và tư duy, để đại dương trở thành yếu tố kết dính thay vì chia rẽ các quốc gia", ông Natalegawa nói. Khá lạc quan, Ngoại trưởng Indonesia nhận định: "Năm ngoái tình hình cũng căng thẳng nhưng chúng ta chưa có giải pháp. Năm nay, không may là căng thẳng vẫn còn đó, song có tiềm năng là chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp tích cực". ASEAN sẽ hoàn tất hướng dẫn về Biển Đông trong năm nay ASEAN và Trung Quốc có thể hoàn tất các chỉ dẫn để thực thi một tuyên bố ứng xử giữa các nước liên quan tới tranh chấp Biển Đông trong năm nay. Hãng Kyodo dẫn lời Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói: "Tôi có thể thấy một quyết tâm mạnh mẽ từ cả hai bên rằng, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất việc này trong năm nay để sau đó tận dụng dịp kỷ niệm 10 năm ra đời DOC vào năm tới. Chúng tôi chắc chắn là rất, rất hy vọng rằng, chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận trên một ngôn ngữ mới, văn bản mới và có thể đi tới kết luận, chính thức ký kết vào năm tiếp theo tại Campuchia”. Trung Quốc và các đối tác đối thoại khác của ASEAN sẽ cùng với nhóm này tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào ngày 23/7 để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả chuyện tranh chấp chủ quyền hàng hải ở Biển Đông giữa một số nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Thái An Thủy Chung - vietnamnet.vn Posted by daidoanket.vn on July 19, 2011 at 10:39:51:
|