Trung Quốc cần hợp tác với các nước để tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thời sự Ngày 22.07.2011, 07:55 (GMT+7) Trước diễn đàn ARF

    Trung Quốc cần hợp tác với các nước để tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông



    Bộ trưởng Ngoại giao Úc Kevin Rudd (trái) trao đổi với bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa (phải) và bộ trưởng Ngoại giao Timor – Leste’Albano da Costa tại Bali. Ảnh: Reuters


    SGTT.VN - Ông Ernest Z. Bower, cố vấn cao cấp, giám đốc chương trình Đông Nam Á, trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS (Mỹ) trả lời phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về một số nội dung chính trên bàn nghị sự của diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ngày 23.7 tại Bali, Indonesia.

    Ông nghĩ thế nào về vấn đề Biển Đông ở ARF lần này? Quan điểm Trung Quốc, ASEAN và các thành viên khác?

    Ở diễn đàn ARF lần này, dường như các nước có sự xác định rõ ràng, đặc biệt là các nước ASEAN, là đưa vấn đề an ninh hàng hải và Biển Đông lên bàn nghị sự.

    Tôi tin rằng tất cả các bên, có thể trừ Trung Quốc – nước vẫn phản đối việc đưa Biển Đông ra bàn thảo tại ARF – đều muốn cùng thảo luận vấn đề, đặt lên bàn các quan điểm và viễn cảnh khác nhau và dùng diễn đàn này để đạt được các giải pháp.

    Tôi cảm giác rằng Trung Quốc đang bắt đầu hiểu, ít nhất là ở cấp độ ngoại giao, rằng họ phải tham dự những thảo luận này, làm rõ về nhu cầu và ý định của mình. Họ thấy cần hợp tác với các nước khác có cùng mối quan tâm ở Biển Đông, để tìm ra một giải pháp. Bằng cách đó, Trung Quốc có thể duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng.

    Theo ông, các nước khác như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ bày tỏ điều gì tại ARF lần này?

    Các nước đối tác đối thoại khác như Úc, New Zealand, Nhật và Hàn Quốc sẽ ủng hộ việc thảo luận về các vấn đề an ninh hàng hải, họ sẽ hoan nghênh việc thảo luận về Biển Đông khi họ tin rằng cách tiếp cận này sẽ giúp Trung Quốc trở thành đối tác tốt hơn cho tất cả các bên ở châu Á – Thái Bình Dương.

    Một Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế và xây dựng sức mạnh chiến lược toàn cầu là có thể chấp nhận được, và thậm chí tất cả các bên đều mong chờ điều đó. Nhưng một Trung Quốc hung hăng khẳng định chủ quyền trước các nước khác nhỏ hơn, bằng sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để gây sức ép, nhằm đạt được mục đích, sẽ tạo nên các nhóm chống đối lâu dài.

    Đó không phải là lợi ích của Trung Quốc, mà cũng không phải là lợi ích của các nước châu Á – Thái Bình Dương, những nước mong muốn phát triển và thịnh vượng cùng với Trung Quốc trong một khu vực hoà bình và ổn định.

    Ông nghĩ thế nào về triển vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được COC?

    Đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chuyển từ DOC sang COC ở Bali, việc các bên nhất trí thực hiện các nguyên tắc là một bước đột phá đầy ý nghĩa.

    Điều này có thể giúp tăng cường đáng kể sự nhận thức tốt về Trung Quốc của các nước láng giềng trong ASEAN và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

    Thực tế, Trung Quốc đã nói nhiều về mong muốn hợp tác với các nước láng giềng trong hai năm qua, nhưng cùng lúc đó một số lực lượng quân sự và hàng hải ở duyên hải của họ đã trực tiếp đe doạ tàu của các nước láng giềng. Sự không nhất quán này làm giảm lòng tin với chính sách ngoại giao của Trung Quốc, và nếu Trung Quốc đừng làm vậy sẽ có lợi cho họ hơn.

    Ông có cho rằng Trung Quốc sẽ có hành động nào khác trong việc tiếp tục khẳng định đường chữ U ở Biển Đông?

    Tôi không tin rằng Trung Quốc có lợi khi thúc đẩy lợi ích của mình ở Biển Đông đến mức xảy ra xung đột quân sự. Nếu có xung đột hoặc chiến tranh, thậm chí nếu Trung Quốc chiến thắng một hay hai trận, về lâu dài, họ cũng sẽ mất chiến thắng đó, vì nó sẽ khiến hầu hết các nước châu Á – cũng như cả thế giới – sẽ chống lại Trung Quốc.

    Việt Anh (thực hiện)



    Posted by sgtt.vn on July 22, 2011 at 11:22:49:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]