Quốc hội cần ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ngày 22.07.2011, 07:52 (GMT+7)
    Quốc hội cần ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông

    SGTT.VN - Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước trước Quốc hội tại phiên khai mạc sáng 21.7, chủ tịch uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nói, cử tri và nhân dân cả nước rất bất bình với việc gần đây, một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta.


    Nhiều đại biểu cho rằng Quốc hội cần thảo luận và ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Ngọc Thắng


    Cử tri mong Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

    Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều đại biểu cho rằng Quốc hội cần thảo luận và ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông để bày tỏ, thống nhất quan điểm và hành động.

    Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang):

    Cần có động thái tạo đồng thuận

    Đa số cử tri hiện nay rất quan tâm đến tình hình Biển Đông sau những diễn biến phức tạp mới đây do phía Trung Quốc gây ra. Ở địa phương chúng tôi (Tiền Giang), khi tiếp xúc, bà con cử tri, có cả những cử tri người gốc Hoa tỏ ý rất lo ngại về tình hình làm ăn rồi khả năng ra biển đánh bắt cá, mặc dù tỉnh Tiền Giang có chiều dài bờ biển không nhiều. Nguyện vọng chung của bà con là muốn tình hình được yên ổn. Một số đại biểu cũng có đề nghị dành thời gian nhất định để nghe và thảo luận sâu về tình hình Biển Đông. Mặc dù kỳ họp lần này chủ yếu là bàn, quyết định vấn đề về nhân sự nhưng tôi nghĩ cần phải có thời gian nhất định để thảo luận vấn đề này. Đoàn đại biểu tỉnh chúng tôi cũng sẽ có một số ý kiến về vấn đề Biển Đông do một số cử tri ở địa phương đề nghị. Trong kỳ họp ngắn thế này, để có nhiều thời gian thảo luận, ra một nghị quyết đầy đủ về vấn đề Biển Đông là khó. Nhưng dù sao, Quốc hội cũng phải có động thái như thế nào đó về tình hình Biển Đông để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và hành động, đem lại sự ổn định tình hình, tạo niềm tin, yên tâm nơi cử tri.

    Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An):

    Đặt vấn đề Biển Đông trong các vấn đề chung cấp thiết của đất nước



    Biển Đông là nơi ngư dân ta làm ăn sinh sống bao đời nay. Ảnh: TL SGTT


    Biển Đông là nơi ngư dân ta làm ăn sinh sống bao đời nay, hiện đang có tranh chấp, rất cần phải có một chủ trương chính sách vừa khẳng định được chủ quyền, vừa bảo đảm được hoà bình đoàn kết với các nước anh em, tạo điều kiện cho bà con yên tâm. Đối với Biển Đông hay tất cả những gì liên quan đến mệnh hệ, chủ quyền của đất nước, theo tôi Quốc hội đều phải ra nghị quyết khi tình hình thực tế đã đặt ra những vấn đề cấp thiết. Tôi thấy rằng vấn đề Biển Đông hôm nay đang nằm trong vấn đề chung cấp thiết của đất nước, rất cần định hướng giải quyết.

    Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam):

    Nên có thái độ, lập trường công khai

    Việc các ngư dân Việt Nam bị các thế lực bên ngoài ăn hiếp, có thái độ cướp bóc, quậy phá, thậm chí bắt giữ… đã gây bức xúc lớn không chỉ đối với cá nhân tôi mà đối với mọi công dân Việt Nam. Chủ quyền lãnh thổ bị vi phạm luôn là vấn đề quốc gia số một trong tâm can mọi người. Vì thế, liên quan đến vấn đề rất lớn là Biển Đông, theo tôi, là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội kỳ này phải nói lên tiếng nói của mình trên nguyên tắc bảo đảm độc lập chủ quyền, tôn trọng quan hệ hợp tác hai bên. Phương pháp tiến hành cụ thể ra sao là do Quốc hội quyết định nhưng phải đảm bảo sự linh hoạt. Cá nhân tôi thấy điều đó rất cần thiết và cũng đã có tham gia góp ý với Quốc hội về việc nên bàn bạc, tỏ thái độ công khai, nói rõ lập trường của mình. Việc có ban hành một nghị quyết về vấn đề Biển Đông hay không là tuỳ ý kiến của các đại biểu và quyết định của Quốc hội.


    Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

    Ra nghị quyết để thể hiện thống nhất quan điểm

    Theo dõi quá trình chuẩn bị cho kỳ họp, theo tôi nhớ, chương trình kỳ họp đầu tiên không hề nhắc đến hai chữ “Biển Đông”. Đến nay thì đã có, nghĩa là đã tạo được mối quan tâm từng bước. Từ chỗ không có đến chỗ chỉ được Chính phủ gửi văn bản báo cáo cho đại biểu, đến Quốc hội được nghe báo cáo trực tiếp từ Chính phủ. 60 – 90 phút không quan trọng mà quan trọng là chất lượng thảo luận nữa. Có thể thảo luận thêm trong các phiên thảo luận ở tổ, chẳng hạn. Khi nhiều đại biểu thấy cấp thiết nữa, tức là có áp lực đến một mức độ nào đó thì sẽ đề nghị Quốc hội ra nghị quyết.

    Tôi cho là cần có một nghị quyết trong vấn đề này để thể hiện thống nhất quan điểm, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, vì đôi khi tôi cảm giác có cái gì chưa “hiểu nhau” giữa cơ quan nhà nước và nhân dân. Tôi không nghi ngờ quan điểm, lập trường kiên định của Nhà nước và người dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền nhưng dường như có sự chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước và người dân về vấn đề này trong cách thể hiện. Như chuyện biểu tình (phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông – PV), các cơ quan công an coi đó là biểu tình xuất phát từ yêu nước nhưng cũng có những cá nhân không coi như thế. Cần sớm có luật biểu tình để người dân thực thi.


    Mạnh Quân – Chí Hiếu – Kim Hoa (thực hiện)



    Posted by sgtt.vn on July 22, 2011 at 11:32:01:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]