Thứ Bẩy, 23/07/2011 - 08:39 (Dân trí) - Các ngoại trưởng ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Mỹ sẽ tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Bali hôm nay để bàn về những vấn đề an ninh ở châu Á. Theo giới phần tích, nhiều phần chắc chắn Biển Đông lại hâm nóng phòng họp lần này. Các đại biểu dự tại hội nghị ASEAN, trên đảo Bali, Indonesia. Tờ báo dẫn lời chuyên gia về quan hệ quốc tế Fahlesa Munabari thuộc trường Đại học Budi Luhur cho rằng ARF được coi là diễn đàn đưa ra các giải pháp rõ ràng và hiệu quả hơn đối với các vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực vì ARF là diễn đàn duy nhất trong khuôn khổ ASEAN được thiết lập chủ yếu để thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chính trị và an ninh chung, và ARF tạo cơ hội để ASEAN bày tỏ các mối quan tâm về an ninh khu vực, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ đối với các giải pháp cho những vấn đề này. Tờ báo cũng đăng bài phân tích cho rằng với tư cách Chủ tịch ASEAN, Indonesia có thể thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông trong một diễn đàn đa phương rộng rãi hơn do ASEAN dắt dẫn, như ARF hoặc sắp tới là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), “nơi mà sự hiện diện của Mỹ có thể buộc Trung Quốc phải tiết chế hành vi của mình”. Lời mời của ASEAN đối với Mỹ (cùng với Nga) tham gia EAS được nhiều người coi như một nỗ lực nhằm làm giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời tạo cho các nước thành viên ASEAN cơ hội thương lượng nhiều hơn trong các vấn đề như Biển Đông. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản và AFP của Pháp cùng báo chí Philippines thì khẳng định Mỹ và Philippines dự định đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại ARF. “Ngoại trưởng Philippines cho biết tranh chấp Biển Đông sẽ là chủ đề chính của diễn đàn này, còn Đại sứ Mỹ tại Philippines cho rằng diễn đàn này là cơ hội tốt nhất để giải quyết tranh chấp Biển Đông”, trang mạng Inquirer viết. Theo kế hoạch, ARF diễn ra hôm nay, 23/7, tại đảo Bali với sự tham dự của các chuyên gia về vấn đề an ninh quốc tế đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối thoại bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Nga. Dù Trung Quốc luôn phản đối sự can dự của các nước bên ngoài vào vùng biển Đông Nam Á, tờ Mainichi của Nhật Bản ngày 18/7 cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có thể vẫn nêu vấn đề tại cuộc họp của ARF vào hôm nay. Cho tới nay, Trung Quốc luôn muốn đối thoại song phương, khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ khả năng sớm có bước đột phá về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải. Trung Quốc khăng khăng nói rằng các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết bởi những nước liên quan trực tiếp. Trung Quốc phản đối các cuộc thảo luận đa phương vì họ cho rằng các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc cũng thẳng thừng bác bỏ sự liên quan của những cường quốc bên ngoài (ví dụ như Mỹ) trong bất cứ giải pháp nào. Bắc Kinh đã không ngừng gia tăng khả năng thực hiện kiểm soát trên biển bằng cách mở rộng số lượng các tàu hoạt động trong các cơ quan Hải giám và Ngư chính. Đồng thời, Trung Quốc đã tăng cường công suất và năng lực của Hạm đội Nam Hải. Bản tuyên bố có thể cũng sẽ khẳng định rằng Trung Quốc và ASEAN đều cần một môi trường hòa bình, hữu nghị và hài hòa, cần phải giảm căng thẳng trên Biển Đông. Tóm lại, giới phân tích trong và ngoài khu vực đa phần cho rằng điều rõ ràng là ưu thế về số lượng luôn là sách lược của ASEAN. Indonesia sẽ tích cực đưa vấn đề Biển Đông vào các diễn đàn đa phương rộng lớn như ARF và EAS. Trong các diễn đàn này, sự hiện diện của Mỹ có thể sẽ khiến Trung Quốc ôn hòa hơn. “Tất nhiên, vấn đề tranh chấp Biển Đông chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, song điều quan trọng nhất mà các nước ASEAN cần làm được hiện nay là đoàn kết thành một khối để có tiếng nói lớn hơn. Hiện dư luận đang hết sức nóng lòng chờ xem Trung Quốc ứng phó như thế nào tại ARF lần này”, Reuters viết. Nguyễn Viết
|