Cần hành động khẩn cấp về tranh chấp ở Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thời sự Ngày 24.07.2011, 15:25 (GMT+7)
    Cần hành động khẩn cấp về tranh chấp ở Biển Đông

    SGTT.VN - Sáng 24.7, trong buổi làm việc với ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa tại Bali, ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nhấn mạnh sự cấp thiết phải giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông, nơi gia tăng các căng thẳng qua các tuyên bố đòi chủ quyền gần đây.


    Sáng 24.7, ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nhấn mạnh sự cấp thiết phải giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về Biển Đông. Ảnh: AP


    Trong khuôn khổ cuộc họp uỷ ban Hỗn hợp Indonesia và Mỹ, bà Clinton nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các giải pháp hoà bình đối với các tranh chấp, vốn đang đe dọa tăng trưởng kinh tế và an ninh trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

    Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, ngoại trưởng Mỹ cho biết: "Chúng tôi hối thúc ASEAN cần hành động nhanh chóng, thậm chí là cấp thiết, để đạt được một quy tắc ứng xử (COC) để tránh gặp bất kỳ vấn đề nào trên các tuyến đường biển quan trọng và các vùng lãnh hải của Biển Đông".

    Trung Quốc đã gây bất bình cho các nước láng giềng khi tuyên bố đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông, và bà Clinton nói rằng tất cả các bên tranh chấp cần làm nhiều hơn nữa để tiến tới việc ngăn chặn những căng thẳng trong khu vực, nơi thông thương của một phần ba đến một nửa thương mại toàn cầu.

    "Tất cả chúng ta đều có phần trong việc đảm bảo rằng những vụ tranh chấp thế này sẽ không ra khỏi tầm kiểm soát. Trong thực tế, những con số vụ việc đã gia tăng: các hành động đe dọa, cắt cáp... những điều đó sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho tất cả mọi người", bà Clinton nói.

    Trung Quốc, Đài Loan, và bốn nước thành viên ASEAN - Việt Nam, Malaysia, Brunei và Việt Nam – đều đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, trong khi Washington cũng tuyên bố có lợi ích quốc gia đang bị đe doạ trong việc bảo đảm tự do hàng hải và thương mại trong khu vực.

    Ngoại trưởng Indonesia, Natalegawa cho biết Indonesia, với vai trò chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, sẽ tập trung gia tăng các tiến bộ hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Ông cũng cho rằng thoả thuận sơ bộ giữa ASEAN và Trung Quốc hôm thứ năm 21.7 là một dấu hiệu tốt. Tuy vậy, bà Clinton cho rằng "đó là bước quan trọng đầu tiên nhưng chỉ là bước đầu tiên", và cần làm nhiều hơn nữa.

    Tại cuộc gặp này, Mỹ cho biết tiếp tục cải thiện quan hệ với Indonesia, nước mà Washington nhìn thấy cùng với Ấn Độ đang đóng một vai trò quan trọng ở châu Á và là đối trọng tiềm năng với Trung Quốc vốn đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

    Ngoài ra, ngày 23.7, bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cảnh báo rằng tự do hàng hải trong vùng biển Đông đang đối mặt với mối đe dọa tiềm năng, nếu Trung Quốc tiếp tục đòi hỏi quyền sở hữu toàn bộ vùng biển này. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez: "Đường chín đoạn (của Trung Quốc) là không thể chấp nhận bởi toàn bộ khu vực Biển Đông không thực sự có tranh chấp. Chỉ một số điểm cụ thể ở vùng biển này là đang tranh chấp. Các bên tranh chấp nên xem xét đường chín đoạn này có phù hợp với công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) hay không".

    H.S (theo Reuters, AP)



    Posted by sgtt.vn on July 24, 2011 at 08:54:01:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]