Kêu gọi khẩn trương giải quyết tranh chấp Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Kêu gọi khẩn trương giải quyết tranh chấp Biển Đông (26/07/2011)

    Sau khi các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tranh chấp Biển Đông vẫn tiếp tục là chủ đề được bàn luận sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cả thế giới.




    Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi ASEAN và Trung Quốc
    hành động nhanh chóng về một Bộ quy tắc ứng xử cụ thể (COC)
    để tránh xung đột ở Biển Đông

    Một số chính khách và học giả lên tiếng hoan nghênh sự kiện này coi đó như là một bước tiến bộ mới trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở vùng Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên có hành động cụ thể. Tuy nhiên vẫn còn một số người tỏ ý nghi ngờ thiện chí của Trung Quốc và lo ngại Biển Đông sẽ tiếp tục gây bất ổn.
    Trong số các nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marti Natalegawa, bà Clinton kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hành động nhanh chóng về một Bộ quy tắc ứng xử cụ thể (COC) để tránh xung đột ở Biển Đông. Bà Hillary Clinton cho rằng tất cả các bên liên quan cần bắt đầu giải quyết tranh chấp công khai dựa trên cơ sở các luận điểm mà mỗi bên đưa ra. Bà còn nhấn mạnh là quá trình hòa giải cần được thực hiện dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như chứng cớ pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của mình. Bà Clinton còn lên tiếng yêu cầu các nước trên thế giới cùng chung tay giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông vì việc gia tăng mâu thuẫn ở vùng biển này có thể làm gián đoạn một trong những tuyến vận chuyển hàng hải quan trọng nhất thế giới.

    Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề tranh chấp Biển Đông. Ông Kevin Rudd nói, Biển Đông không chỉ là vấn đề liên quan tới các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc mà nó còn ảnh hưởng đến tất cả các nước vì phần lớn các giao dịch thương mại trên thế giới đều được thực hiện trên tuyến đường biển tại khu vực này. Ông Rudd cho rằng những thỏa thuận chung giữa ASEAN và Trung Quốc chưa mang tính ràng buộc chặt chẽ. Vì vậy, cần có quy tắc hành xử chung giữa các bên.

    Nhiều học giả trên thế giới bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của bà Hillary Clinton và ông Kevin Rudd. Ông Rory Medcaff, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy cho rằng các nước khác trên thế giới cũng cần lên tiếng về vấn đề này. Ông nói, với Australia tuyến đường biển trong khu vực Biển Đông luôn giữ vị trí quan trọng vì nó giúp vận chuyển hàng hóa xuất-nhập khẩu từ Australia đến các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì vậy, những tranh chấp trong khu vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các nước, đặc biệt khi giao thương đường biển vẫn luôn giữ vai trò huyết mạch.

    Mặc dù coi việc ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là một tín hiệu tốt lành nhưng việc Trung Quốc đột nhiên nhất trí với ASEAN chính thức thông qua DOC sau rất nhiều lần trì hoãn khiến nhiều người nghi ngờ. Người ta đặt câu hỏi, liệu thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có phải là bước khởi đầu trong tiến trình giải quyết các tranh chấp hay đó chỉ là một chiêu hoãn binh của Trung Quốc? Nhận định về điều này, ông Rory Medcaff cho biết, thực ra thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc phải được xem là bước thứ hai trong việc giải quyết các tranh chấp tại vùng biển này sau khi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông được Trung Quốc và ASEAN kí kết năm 2002. Do đó, thỏa thuận mới lần này chỉ là bản hướng dẫn thực hiện DOC và chưa có nhiều hứa hẹn. Theo ông, "điều tối quan trọng hiện nay là làm sao để Trung Quốc chi tiết hóa các quy định về hành vi ứng xử trên thỏa thuận chung và bắt đầu việc thương lượng trên cơ sở đó”. Ôny Medcaff cũng nhìn nhận rằng, việc mang vấn đề Biển Đông ra để thảo luận ở một diễn đàn mang tầm quốc tế lần này cũng là một bước tiến tích cực mặc dù Trung Quốc không dễ chịu chút nào với việc thảo luận đa phương về Biển Đông.

    Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario một mặt khẳng định lập trường cần thông qua các quy định thực thi DOC, nhưng ông cho rằng sẽ là thiếu thực tế nếu chỉ thông qua các quy định này mà không có những khuôn khổ đi kèm có thể phân định ở khu vực tranh chấp và khu vực không có tranh chấp. Ông Albert del Rosario cho rằng "ASEAN cần đoàn kết, cùng nhau đặt câu hỏi đối với định nghĩa và cơ sở đưa ra yêu sách "đường 9 đoạn”. Theo lời ông Rosario, Philippines sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra Liên Hợp Quốc.

    Thanh Minh




    Posted by daidoanket.vn on July 26, 2011 at 00:53:28:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]