Nhật không nên đứng bên lề trong tranh chấp biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ngày 27.07.2011, 11:14 (GMT+7)
    Nhật không nên đứng bên lề trong tranh chấp biển Đông

    SGTT.VN - Báo Yomiuri Shimbun, tờ báo lớn nhất của Nhật ngày 25.7 có bài bình luận về việc giải quyết căng thẳng ở Biển Đông liên quan đến ASEAN và Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Mỹ cần tích cực hỗ trợ ASEAN trong vấn đề này.

    Theo Yomiuri Shimbun, để làm giảm những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về quyền lãnh thổ ở Biển Đông, việc củng cố các quy tắc quốc tế và thúc giục Trung Quốc tự kiềm chế là không thể thiếu.

    Giải quyết tranh chấp dựa trên các quy tắc quốc tế



    Bộ trưởng ngoại giao Nhật Takeaki Matsumoto (trái) và ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan tại cuộc họp ARF ở Bali, Indonesia ngày 23.7. Nhật tuyên bố ủng hộ ASEAN do có lợi ích liên quan tại Biển Đông. Ảnh: AP


    Tại một loạt các cuộc họp ngoại trưởng ASEAN và các nước liên quan tổ chức tại Bali, Indonesia tuần trước, sự gia tăng của hải quân Trung Quốc trong vùng là một trọng tâm chính của các cuộc họp.

    Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, Takeaki Matsumoto và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi giải quyết tranh chấp dựa trên các quy tắc quốc tế, và điều quan trọng là cần tôn trọng luật pháp quốc tế và minh bạch, an toàn.

    Tuy vậy, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định rằng an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông không bị đe dọa, các tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết bởi các nước tham gia trực tiếp và không cần đến sự tham gia của cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

    Không cần phải nói, các cuộc thảo luận đã không có kết quả trong thỏa thuận sau đó.

    Hành vi ích kỷ của Trung Quốc

    Trong năm nay, những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã liên tục gia tăng, như tàu thuyền Trung Quốc ngăn cản tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Trung Quốc biện minh cho hành động của họ là hợp pháp. "Những hành động ích kỷ như vậy không thể được bỏ qua", báo Yomiuri Shimbun viết.



    Việc Trung Quốc thời gian gần đây phô trương sức mạnh khiến nhiều quốc gia quan ngại. Ảnh: tàu Hải tuần 31 của Trung Quốc ngang nhiên "kiểm tra", "giám sát" ở vùng biển đang nằm trong vòng tranh chấp.


    Và do vậy, Nhật và Mỹ cần phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia ASEAN trong việc kiên trì kêu gọi Trung Quốc đồng ý về những nỗ lực để làm cho các quy tắc ứng xử hiệu quả hơn.

    Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã công bố "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC). Tuyên bố DOC quy định rằng các bên sẽ "giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng phương pháp hòa bình." Tuy nhiên, tuyên bố này không có tính ràng buộc pháp lý.

    Để bổ sung cho DOC, Trung Quốc và ASEAN tại cuộc họp ở Bali mới đây đã nhất trí bổ sung "hướng dẫn" (8 điểm) thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông. Tình hình đã tiến triển đến một mức độ nhất định, nhưng thỏa thuận này là vẫn chưa đủ.

    ASEAN ban đầu yêu cầu phải có "giải quyết các tranh chấp cần có sự tham gia của nhiều quốc gia" để bù đắp cho sự khác biệt về sức mạnh giữa Trung Quốc và từng nước thành viên ASEAN, nhưng yêu cầu này đã không được công nhận.

    Người ta nghi ngờ rằng Trung Quốc đang làm suy yếu lập trường thống nhất của ASEAN, ví dụ yêu cầu các nước ủng hộ Trung Quốc trong ASEAN đứng về phía Trung Quốc để đổi lấy các chương trình hỗ trợ kinh tế.

    Lợi ích liên quan của Nhật Bản

    ASEAN dự định bắt đầu các cuộc đàm phán với Trung Quốc để nâng cấp DOC lên Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý hơn. "Chúng tôi nghĩ rằng Nhật Bản cần tích cực hỗ trợ ASEAN trong vấn đề này".

    Nhật Bản không thể xem các tranh chấp ở Biển Đông như là chuyện của người khác. Nhật Bản có các tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông. Chính Nhật Bản đã từng va chạm với Trung Quốc, bao gồm cả vụ việc ở quần đảo Senkaku tại tỉnh Okinawa.

    Tháng 11 tới, hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ tổ chức với sự tham gia của 18 quốc gia bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước thành viên ASEAN. Cả tổng thống Mỹ và Nga lần đầu tiên sẽ đến với hội nghị này với tư cách là thành viên chính thức.

    Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Điều quan trọng cần nhắm đến là tạo ra sự đồng thuận đối với các quy tắc ứng xử thực sự khả thi.

    H.S (theo Yomiuri Shimbun)



    Posted by sgtt.vn on July 27, 2011 at 10:44:32:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]