08:10 | 29/07/2011 > Cần cơ chế hợp tác và quản lý xung đột TP - Để phát triển hàng hải, bảo vệ môi trường biển nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhiều nhà khoa học cho rằng, Việt Nam cần sớm lập một số khu biển nhạy cảm hàng hải, thậm chí lập cả khu cấm qua lại. Tiền Phong trao đổi xung quanh vấn đề này với TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Quản lý Biển & Hải đảo. Bản đồ hiện trạng phân bố các vùng PSSA trên thế giới. Trong tổng số 12 PSSA được công nhận, có đến 4 PSSA đa quốc gia. Ý nghĩa của các thuật ngữ “khu biển đặc biệt nhạy cảm, khu biển đặc biệt, khu biển cấm qua lại” là gì, thưa ông? Đây là các thuật ngữ của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cơ quan chuyên trách về hàng hải của Liên Hợp Quốc và hiện có 169 quốc gia thành viên và 3 quan sát viên. IMO đã thực thi nhiều công ước về biển nổi tiếng như Công ước về An toàn sinh mạng trên biển (SOLAS), Công ước về Ngăn chặn ô nhiễm từ tàu biển (MARPOL), Công ước về Quy tắc phòng ngừa va chạm trên biển (COLREG 72). Việt Nam là thành viên IMO từ năm 1984 và đã ký kết, thực thi nhiều công ước của tổ chức này. "Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ chủ quyền biển đảo đòi hỏi phải huy động mọi sức mạnh và khả năng. Chứ nếu chỉ đơn thuần dựa vào quân sự và chính trị thì e chưa phải là khôn ngoan." - TS. Dư Văn Toán.
Khu biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA) là khu vực cần bảo vệ đặc biệt thông qua các hành động của IMO vì vùng biển có giá trị cao về sinh thái, kinh tế xã hội, hoặc khoa học và vì nó có thể dễ bị tổn thương do thiệt hại của các hoạt động vận chuyển, hàng hải quốc tế. Trong 3 công cụ này, IMO coi trọng công cụ nào nhất? PSSA được xem như công cụ chính, có tầm quan trọng cao nhất trong chiến lược phát triển bền vững biển của IMO. PSSA là công cụ bảo vệ môi trường quốc tế, hài hòa nhiều công ước quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 82) mà Việt Nam tham gia từ năm 1994, Công ước Đa dạng sinh học (CBD 1992), cùng các công ước của IMO về bảo vệ an toàn hàng hải và môi trường biển. Giá trị pháp lý của các khu vực này đến đâu? IMO đã công nhận hàng loạt khu vực ATBA, SA, PSSA thông qua các kỳ họp hằng năm của IMO. Sau khi được công nhận, các khu vực này được phổ biến cho tất cả quốc gia thành viên và được ghi rõ trên bản đồ hàng hải thế giới của Cơ quan Thủy đạc Quốc tế (IHO), và buộc các tàu thuyền dưới sự quản lý của IMO phải chấp hành. Việt Nam đã tham gia thực thi các công ước, điều ước quốc tế có nghĩa vụ, trách nhiệm thực thi quy định của IMO, đồng thời có thể tận dụng quy định IMO để đệ trình hồ sơ cho IMO công nhận các vùng biển như trên. Những vùng biển này sẽ có tính pháp lý quốc tế đối với hoạt động hàng hải của tất cả tàu thuyền thuộc IMO khi đi qua lại. Sơ đồ một khu PSSA đảo Hawaii (Mỹ) lập năm 2007 bao gồm một số ATBA và các vùng khác. Có thể đệ trình hồ sơ các khu đặc biệt Có thể sử dụng các khu vực này để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của một quốc gia được không? Khi các tàu thuyền chấp nhận tính pháp lý của ATBA hay PSSA thì thực ra, họ đã phải tuân thủ các biện pháp hạn chế và hệ thống kiểm soát hàng hải của tàu thuyền rồi. Đối với các khu bảo tồn biển có tiếp giáp biên giới thì sẽ dễ dàng bảo vệ luôn cả biên giới. Có thể dùng quyền bảo vệ đa dạng sinh học biển làm công cụ bảo vệ chủ quyền biển đảo? Việc đầu tiên của PSSA là để bảo vệ đa dạng sinh học biển. Bên cạnh đó, nó có thể có tác dụng phụ là bảo vệ chủ quyền đối với các vùng biển đã được Công ước LHQ năm 1982 phân định. Đương nhiên, bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn phải có lực lượng hải quân hùng mạnh. Để bảo vệ các khu PSSA, cần có lực lượng bảo vệ, giám sát, thực thi pháp chế trên biển với hệ thống giám sát hàng hải hiện đại. Việt Nam có các vùng biển biên giới với nhiều quốc gia nên liệu có thể áp dụng công cụ đó được không? Tại các vùng biên giới, ta có thể hợp tác với các quốc gia lân cận để cùng nộp hồ sơ lên IMO đề nghị lập các khu PSSA. Chúng ta có thể làm hồ sơ riêng hay chung. Nếu được công nhận, sẽ dễ dàng bảo vệ tài nguyên và kiểm soát tàu thuyền qua lại tốt hơn. Theo ông, ta nên thử nghiệm đệ trình khu biển đặc biệt nào trước? Đề xuất trước mắt với Việt Nam là nên thử đưa ra các khu biển nhạy cảm hàng hải Việt Nam (VSA). Có được VSA, sẽ giúp hạn chế bắt buộc hàng hải đối với một số khu biển như Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang chẳng hạn. Đấy là những khu biển có giá trị quốc tế nhưng lại hay xảy ra các sự cố môi trường, suy giảm đa dạng sinh học rất rõ nét. Đâu là trở ngại khi đề xuất xây dựng các khu biển nhạy cảm? Nếu vùng biển rõ chủ quyền quốc gia theo UNCLOS 82 thì chắc không có vấn đề gì. Nếu hồ sơ PSSA đa quốc gia thì phải học tập kinh nghiệm của thế giới. Nếu vùng biển còn tranh chấp, chưa phân định theo UNCLOS 82, thì khó xem xét và cần có nghiên cứu cụ thể hơn. Còn trong nước, cần có quyết tâm của các nhà khoa học, chính quyền trung ương, các cơ quan quản lý, cộng đồng hàng hải, các nhà môi trường, cộng đồng dân cư, và cả sự ủng hộ của báo chí nữa. Tại sao ta không thử đệ trình lên LHQ về ATBA hoặc PSSA? Không thể nóng vội được. Chỉ khi khả năng thực thi pháp chế quốc gia của các VSA tốt, mới có thể xem xét trình IMO công nhận ATBA hoặc PSSA. Đối với các khu PSSA liên quốc gia, cần học hỏi kinh nghiệm các khu đã được IMO công nhận vì tiến trình này đòi hỏi tính pháp lý phức tạp. Về khai thác lợi ích pháp luật quốc tế, đặc biệt của IMO, chúng ta chưa có các nghiên cứu đầy đủ để có thể đề xuất các khu biển như trên. Phải có quyết định của lãnh đạo cấp cao về chủ trương, chính sách mới mong sớm khai thông bế tắc này. Các khu vực nào của Việt Nam hiện đủ tiêu chuẩn để có thể thiết lập VSA và ATBA? Đối với các khu PSSA quốc tế, định hướng là các vùng biển có đa dạng sinh học biển tầm quốc tế gần các cảng biển có tàu thuyền quốc tế qua lại. Đối với các khu VSA theo tiêu chí Việt Nam, cần xây dựng chi tiết cụ thể. Các khu định hướng là các khu có tính đa dạng sinh học biển cao. Tuy nhiên, Việt Nam cần có các dự án nghiên cứu liên ngành trước rồi mới đánh giá, lựa chọn được. Cảm ơn ông. Đảo Malpelo của Colombia chỉ là một đảo đá, không có dân sinh sống, nhưng có tính đa dạng sinh học. Tại đây, Colombia áp dụng quy định dành cho một PSSA. Theo đó, sau khi được IMO công nhận đảo là PSSA vào năm 2020, họ có quyền cấm mọi tàu thuyền qua lại. Kết quả, chỉ có vài tàu du lịch được phép qua lại theo mùa. Việc bảo vệ đảo trở nên dễ dàng hơn nhiều. Trước đó, đảo thường xuyên bị tàu thuyền các quốc gia khác vào khai thác cá bất hợp pháp mà Colombia không làm gì được.
Quốc Dũng thực hiện
|