Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
    02/08/2011 23:32

    Lời tòa soạn: Tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN là tranh chấp dài nhất, phức tạp nhất, trên vùng biển rộng lớn nhất, nhiều đảo nhất và liên quan đến nhiều bên nhất trong lịch sử các tranh chấp thế giới. Tranh chấp được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nhất, tốn nhiều giấy mực nhất trong thời gian qua nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng có thể chấp nhận.
    Nhằm cung cấp thêm thông tin liên quan đến vấn đề này, Báo Thanh Niên trân trọng giới thiệu công trình nghiên cứu về luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia. Nội dung chính đăng tải được trích từ cuốn sách Việt Nam và các tranh chấp biển trong biển Đông của TS Nguyễn Hồng Thao.

    Cuốn sách này đã được tặng Giải thưởng quốc tế INDEMER năm 2000 của Viện Luật kinh tế biển Công quốc Monaco cho các tác phẩm luật viết bằng tiếng Pháp xuất sắc nhất trong 1996-2000. Bản dịch tiếng Việt do tác giả thực hiện, bám sát trung thành bản tiếng Pháp có cập nhật một số sự kiện mới.

    Cuộc tranh chấp phức tạp

    Tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Paracels và Spratlys (Hoàng Sa và Trường Sa theo tên gọi VN, Tây Sa và Nam Sa theo tên gọi Trung Quốc) nằm giữa biển Đông đã tồn tại từ trăm năm nay. Đó là những tranh chấp lâu đời nhất giữa nhiều nước cùng yêu sách chủ quyền trên các đảo, một cuộc tranh chấp kéo dài cho đến tận ngày hôm nay mà chưa đạt được bất kỳ một giải pháp pháp lý bền vững nào.


    Đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Đỗ Hùng

    Nó còn phức tạp hơn với nghĩa là tranh chấp lúc thì bùng lên gay gắt, lúc lại lắng xuống với những thay đổi phức tạp từ phía các bên có can dự trực tiếpvào cuộc tranh chấp. Lúc đầu, cuộc tranh chấp chỉ liên quan trực tiếp đến các đảo. Do vị trí địa lý, các đảo này cho phép quốc gia ven biển chiếm hữu chúng không chỉ quyền kiểm soát thông thương hàng hóa trong biển Đông mà còn quyền sử dụng chúng như các căn cứ hải quân ban đầu nhằm mục đích quốc phòng.

    Cuộc đua tranh có quy mô và sắc thái khác từ sự phát triển nhanh chóng gần đây của Luật Biển quốc tế và khả năng phát hiện được những mỏ dầu có thể khai thác được nằm dưới đáy biển của hai quần đảo. Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có hiệu lực từ năm 1994 cho phép các quốc gia ven biển có quyền mở rộng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.

    Sự phát triển của luật biển quốc tế đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia ven biển như khả năng khai thác các tài nguyên thiên nhiên từ biển: dầu mỏ, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, nhưng cũng làm nảy sinh vấn đề phân định vùng biển và thềm lục địa giữa các quốc gia có vùng biển chồng lấn. Giải quyết vấn đề phân định biển luôn gắn liền với vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đảo.

    Theo quy định của UNCLOS 1982, các đảo, đá hoặc có thể có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa hoặc chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý, căn cứ vào một số điều kiện nhất định.

    Việc Công ước quy định không rõ ràng như vậy càng làm tình hình tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo thêm phức tạp. Nếu các đảo thuộc hai quần đảo có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, thì với vị trí nằm giữa biển, hai quần đảo sẽ đem lại cho quốc gia sở hữu quyền kiểm soát hầu hết biển Đông.

    Nó cũng đưa đến bức tranh chồng lấn yêu sách của các nước trong biển Đông đòi hỏi phải giải quyết. Nếu các đảo thuộc hai quần đảo chỉ có quyền có lãnh hải 12 hải lý thì vùng biển của các quần đảo này sẽ không chồng lấn lên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước, giảm bớt tranh chấp.

    Trên thực tế, tranh chấp phức tạp thêm chính là do nguyện vọng của các quốc gia ven biển muốn cho một số đảo, đá, bãi ngầm ngoài khơi không có người ở này được hưởng quy chế pháp lý đầy đủ của một đảo. Đúng là luật biển quốc tế mới cho phép các quốc gia ven biển được yêu sách một vùng thềm lục địa và một vùng đặc quyền về kinh tế rộng hai trăm hải lý xung quanh các đảo nổi thường xuyên khi thủy triều lên. Nhưng thực tế vẫn có các đảo không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng có thể đòi hỏi cùng một quy chế như trên ([1]). Luật biển hiện đại đó làm tăng thêm giá trị địa chiến lược của hai quần đảo và các bên tranh chấp chính là về vai trò địa chiến lược mới đó của hai quần đảo.

    Các tranh chấp trên biển Đông, ngoài ý nghĩa về chủ quyền lãnh thổ, lợi ích chiến lược còn là quyền sở hữu và khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên dầu mỏ. Tranh chấp chủ quyền các đảo và vùng biển không dễ dàng được giải quyết vì liên quan không chỉ yếu tố luật pháp mà còn cả về lịch sử, ý chí dân tộc và kinh tế.

    Mục tiêu của cuộc tranh chấp dai dẳng giờ đây không chỉ là các đảo chính mà chính là các vùng biển rộng lớn bao quanh chúng nhằm kiểm soát được toàn bộ hoặc chỉ một phần biển này. Hoàng Sa, Trường Sa do CHXHCN Việt Nam xác lập chủ quyền; CHND Trung Hoa, lãnh thổ Đài Loan cùng yêu cầu tương tự. Riêng Trường Sa, Philippines chỉ vào cuộc từ năm 1956, Malaysia từ năm 1979 và Brunei yêu sách một phần nhỏ từ năm 1993.

    TS Nguyễn Hồng Thao



    Posted by Thanh niên on August 03, 2011 at 01:38:05:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]