“Tăng cường ngoại giao quốc phòng, giải quyết đa phương”

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ngày 03.08.2011, 14:09 (GMT+7)
    Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh:

    “Tăng cường ngoại giao quốc phòng, giải quyết đa phương”

    SGTT.VN - “Các vấn đề quốc tế thì phải giải quyết nhiều bên trên cơ sở công khai minh bạch, chứ không giải quyết riêng với từng nước, như thế các bên mới chấp nhận được. Như vấn đề Trường Sa hay tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc bao gồm cả Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia… thì phải giải quyết giữa các bên có liên quan, không thể giải quyết song phương được”, Đại tướng Phùng Quang Thanh trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 3.8.

    Tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong giải quyết biển Đông

    Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về giải quyết vấn đề biển Đông như giải quyết song phương, hay đa phương, quan điểm của bộ trưởng?

    Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh: đường chín khúc mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đụng đến chủ quyền Việt Nam, Malaysia, Indonesia… thì phải giải quyết đa phương, không thể song phương được. Ảnh: Chí Hiếu


    Vấn đề này, khi tiếp tư lệnh hải quân các nước ASEAN, tôi nêu rõ: vấn đề gì còn tranh chấp song phương thì giải quyết song phương, ví dụ Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vùng cửa vịnh Bắc bộ thì sẽ giải quyết song phương theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS). Còn vấn đề Trường Sa: bao gồm cả Việt Nam, Trung Quốc, trong đó có cả Đài Loan của Trung Quốc, Philippines, Malaysia… thì phải giải quyết giữa các bên có liên quan.

    Hoặc đường chín khúc mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đụng đến chủ quyền Việt Nam, Malaysia, Indonesia… thì phải giải quyết đa phương, không thể song phương được. Vấn đề quốc tế thì phải giải quyết với nhiều bên trên cơ sở công khai minh bạch chứ không giải quyết riêng với từng nước, như thế các bên mới chấp nhận được.

    Nhiều cường quốc bày tỏ quan tâm đến vấn đề biển Đông, gây ra nhiều ý kiến trái ngược là nên hay không nên?

    Biển Đông của ta có vị trí chiến lược, có tuyến đường hàng hải quan trọng thứ nhì thế giới về tần suất tàu bè qua lại. Nhiều cường quốc có lợi ích kinh tế nên họ quan tâm. Họ quan tâm thì họ có hợp tác, nhưng mục đích chung là để giữ hòa bình ổn định chứ quan điểm của họ thì không hoàn toàn đứng về phía nào. Như Mỹ, họ nói đứng trung lập trong tranh chấp chủ quyền, nhưng họ có lợi ích trong tự do hàng hải nên họ có mặt, song sự có mặt đó gây ra nhiều quan điểm khác nhau, có ý kiến lo ngại, có ý kiến nói thế là tích cực, làm tình hình phức tạp thêm. Nhưng tôi tin khu vực này có lợi ích của tất cả các nước, cả nước tranh chấp chủ quyền… nhưng tựu trựng lại là để giữ vững hòa bình ổn định vì đó là lợi ích chung, mong muốn chung của các nước.

    Quan điểm của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề biển Đông có tương đồng không?

    Khá thống nhất, như trong hội nghị bộ trưởng Quốc phòng tại Indonesia vừa qua, lần đầu tiên ra được tuyên bố chung giải quyết tranh chấp trên biển Đông: phải được giải quyết bằng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phải đàm phán ngoại giao giữa ASEAN với Trung Quốc chứ không thể riêng từng nước ASEAN với Trung Quốc.

    Sự gắn kết này có tác dụng gì trong thúc đẩy hòa bình trong khu vực?

    ASEAN có 10 nước, đang hình thành cấu trúc an ninh mới để giải quyết vấn đề an ninh trên biển. Ví dụ hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng cộng với 8 nước đối tác, đã thành công năm 2010 tại Việt Nam, có hợp tác để giải quyết nhiều nội dung, trong đó có an ninh biển: giữ vững hòa bình, không có vũ lực. ASEAN phải giữ vai trò trung tâm, dẫn dắt nên ASEAN càng phải đoàn kết, có tiếng nói thống nhất mới giữ được, chứ nếu bị chia rẽ thì khó mà giữ được vai trò này.

    ASEAN chia sẻ gì với Việt Nam về vấn đề biển Đông?

    Trước các vụ việc xảy ra trên biển thì họ lo ngại và chia sẻ, mong muốn được giải quyết bằng hòa bình, bởi như thế mới giữ được lợi ích chung của các nước trong lẫn ngoài khu vực.

    Quan hệ quốc phòng tốt, tin cậy lẫn nhau thì thúc đẩy quan hệ phát triển các lĩnh vực khác. Ảnh: Tàu khu trục USS Chung-Hoon của hải quân Mỹ thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 15.7.2011. Ảnh: Reuters


    Bộ trưởng nói thời gian tới ngoại giao quốc phòng là nhiệm vụ chiến lược, bộ Quốc phòng sẽ thực hiện ra sao và làm thế nào để có sự ủng hộ của thế giới?

    Ngoại giao Quốc phòng là một trong những lực lượng ngoại giao có hiệu quả với các hoạt động ngoại giao đa phương, song phương. Việc quan hệ với các nước láng giềng, các bạn bè truyền thống, các nước lớn, vừa qua quân đội có những hoạt động có hiệu quả, thực chất như với Lào, Trung Quốc, ASEAN. Chúng ta tham gia các hội thảo quốc tế để tích cực trình bày quan điểm ngoại giao của Việt Nam với tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong vấn đề quan hệ quốc phòng. Quan hệ quốc phòng tốt, tin cậy lẫn nhau thì thúc đẩy quan hệ phát triển các lĩnh vực khác.

    Ta vẫn làm trên nguyên tắc bảo vệ bằng nội lực dân tộc cộng sức mạnh thời đại. Sức mạnh thời đại bây giờ không còn như thời kỳ chiến tranh lạnh, phân ra các phe, như bó hẹp trong phe xã hội chủ nghĩa. Bây giờ sức mạnh thời đại là sự ủng hộ chính nghĩa, cái đúng. Muốn vậy ta phải chủ động cung cấp thông tin minh bạch, chính xác để thế giới biết ai đúng ai sai để họ có tiếng nói ủng hộ chính nghĩa, chứ không phải chúng ta lôi kéo, tập hợp lực lượng để chống lại hay đối trọng với các nước khác.

    Sẽ có lữ đoàn tàu ngầm

    Chủ trương hiện đại hóa quân đội như thế nào để bảo vệ đất nước trong tình hình mới, và bộ đang làm gì để bảo vệ ngư dân, an ninh trên biển?

    Phương hướng xây dựng quân đội sẽ theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó hải quân, phòng không không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử… đi thẳng vào hiện đại để nâng cao bảo vệ đất nước, các quân chủng kỹ thuật phải đi trước và xây dựng con người hiện đại: có khả năng làm chủ các vũ khí có hàm lượng công nghệ cao. Khi kinh tế phát triển thì quân đội phải hiện đại để nâng cao khả năng tự vệ.

    5-6 năm tới ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại nhằm để tự vệ, bảo vệ hòa bình, chủ quyền. Ảnh: Tàu ngầm Kilo 636 do Nga chế tạo. Ảnh: admship.ru


    Bảo vệ ngư dân, an ninh trên biển được bộ Quốc phòng giao cho Hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, trong đó chúng ta phải bảo vệ ngư dân làm ăn hợp pháp trên vùng biển của ta. Ngoài ra cũng làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, vì hầu như ngày nào cũng có vụ xảy ra như tai nạn, hỏng máy, rủi ro… Trách nhiệm của quân đội là trợ giúp nhân dân.

    Hải quân phải có quan hệ hữu nghị với các hải quân có vùng biển lân cận với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... để tăng cường phối hợp giữ an ninh trên biển và để đối xử nhân đạo với ngư dân khi họ đi vào vùng biển các nước khác.

    Trong hoàn cảnh như vậy, việc tăng cường lực lượng, nhất là Hải quân ra sao?

    Tùy thuộc kinh tế đất nước, vì trang bị cho hải quân, không quân… đòi hỏi đầu tư ngân sách khá lớn, trong khi ta chưa sản xuất được, giá cả đắt, phụ thuộc nước ngoài, ngân sách ta hạn hẹp nên phải từng bước thôi. Phải mất một thời gian nữa.

    Thủ tướng có nói công khai ta sẽ mua 6 tàu ngầm, không biết tiến trình chuyển giao cụ thể đến đâu?

    Đây là kế hoạch dài hạn từ nay đến 2020, trước mắt 5-6 năm tới ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại. Nhưng như tôi nói, ta có mua tàu ngầm, tên lửa, máy bay, khí tài cũng là để tự vệ, bảo vệ hòa bình, chủ quyền chứ không có ý định đe dọa, hay có ý đồ xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh. Theo tôi biết các nước trên thế giới đều làm vậy nên không thể nói đó là chạy đua vũ trang được. Anh có khả năng đến đâu thì mua sắm đến đó, nhưng chúng ta phải căn cứ khả năng tài chính của ta, chúng ta không vượt quá khả năng vì còn nhiều vấn đề an sinh, ổn định xã hội, bởi trong ấm thì ngoài mới êm. Ta quá chú tâm trang bị mua sắm mà đời sống nhân dân khó khăn thì không thể, Đảng nhà nước hết sức thận trọng vấn đề này.

    Chí Hiếu (ghi)



    Posted by sgtt.vn on August 04, 2011 at 09:46:23:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]