Tranh chấp biển Đông: Philippines quán triệt tinh thần “không ai giúp kẻ yếu” SGTT.VN - Là một trong những nước có tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa với Trung Quốc, Philippines thời gian gần đây có vẻ như đã vẽ nên được một bức tranh gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, thể hiện ý muốn giải quyết vấn đề có tính thiết thực cao nhất. Đối mặt với Trung Quốc Việc Philippines tuyên bố đẩy mạnh khai thác dầu khí gần đảo Palawan đang khiến Trung Quốc bực tức trong những ngày gần đây. Ảnh: AFP
Bất chấp thỏa thuận “đối xử nhân đạo với ngư dân”, “không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông” theo tinh thần Tuyên bố ứng xử DOC ký với ASEAN hồi năm 2002, thời gian qua Trung Quốc đã liên tiếp “nhúng chàm” ở vùng biển này. Trung Quốc đã dùng tàu và máy bay xua đuổi, đe dọa ngư dân Philippines ra khỏi các khu vực mà Trung Quốc tự cho là của mình, thậm chí bắn vào ngư dân Philippines hôm 25.2, dùng tàu tuần tra đe dọa đâm vào tàu thăm dò dầu khí của Philippines. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng xâm nhập vào các khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Philippines, theo lời bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thì tàu của Trung Quốc đã xâm nhập ít nhất 9 lần trong vài tháng qua vào các khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Trước tình hình đó, báo chí Philippines tràn ngập các tuyên bố phản đối Trung Quốc, nghị sĩ Roilo Golez lên án Trung Quốc “là một kẻ chuyên bắt nạt quốc tế và cư xử không đứng đắn”, còn bà Miriam Defensor-Santiago, thượng nghị sĩ vạch rõ âm mưu của Trung Quốc “luôn cố thực hiện các hành động bắt nạt Philippines và các nước ASEAN, nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ ở khu vực quần đảo Trường Sa”… Đáng chú ý, Tổng thống Benigno Aquino đã thể hiện sự cương quyết bằng các tuyên bố “sẽ không để Trung Quốc bắt nạt ở biển Đông”, đồng thời đề nghị Trung Quốc chấm dứt xâm phạm các khu vực Philippines tuyên bố có chủ quyền. Hôm 18.6, trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Tổng thống nói, hoạt động thăm dò dầu khí do Chính phủ Philippines bảo đảm trên các vùng biển Philippines tuyên bố có chủ quyền có triển vọng rất tốt. Tiếp đó, ngày 4.8, Chính phủ của Tổng thống Aquino cũng thông báo có kế hoạch mời thầu thăm dò dầu khí tại một số khu vực trên Biển Đông. Các nhà lập pháp Philippines ra thăm đảo Pagasa thuộc Trường Sa ngày 20.7, với biểu ngữ bển Tây Philippines (thay tên tiếng Anh của Biển Đông là biển Nam Trung Hoa). Ảnh: AP
Tổng thống Aquino và Ngoại trưởng Albert del Rosario cũng liên tục đề nghị Trung Quốc cùng đưa tranh chấp ra tòa án của LHQ, nhưng Trung Quốc đã từ chối. Dư luận thế giới thời gian qua cũng “thót tim” khi Philippines có những hành động táo bạo như nhổ các “cọc lạ” ở các bãi đá ngầm mà nước này khẳng định có chủ quyền (hồi tháng 5), đưa các nhà lập pháp ra thăm đảo Pagasa thuộc Trường Sa để khẳng định chủ quyền, “cấm cửa” nhà ngoại giao Trung Quốc tham gia các cuộc gặp giữa hai nước trong tương lai, vì đã "có hành vi thô lỗ", tập trận chung với Mỹ và hải quân ASEAN, đổi tên tiếng Anh của biển Đông, từ biển Nam Trung Hoa thành biển Tây Philippines… Chất “kết dính” ASEAN Bên cạnh những nỗ lực đơn phương, không thể phủ nhận vai trò lớn lao của Philippines trong việc kết nối, tạo nên sự đoàn kết của khối ASEAN trong xử lý tranh chấp với Trung Quốc. Tàu chiến lớn và hiện đại nhất của Philippines, chiếc BRP Gregorio del Pilar đang trên đường về Philippines. Nước này tuyên bố mua sắm thêm nhiều vũ khí để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông.
Tiếp đó, tại hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) diễn ra tại New York (Mỹ) ngày 17.6 vừa qua, Philippines đã cùng 6 nước thành viên ASEAN, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Singapore nêu lên tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, kêu gọi một giải pháp hoà bình và vận dụng công ước của Liên hiệp quốc trong giải quyết các tranh chấp ở một số khu vực ở Biển Đông. Với mục tiêu theo đuổi sự gắn kết của khối ASEAN, đại diện khác của Philippines, ông Ronald Llamas, cố vấn chính trị của Tổng thống Aquino hôm 8.7 nhấn mạnh: "Các nước nhỏ hơn cần liên kết thành một khối và tránh đứng về bất cứ bên nào (giữa Mỹ và Trung Quốc). ASEAN sẽ là điểm tựa giúp cân bằng lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề này có thể giải quyết được nếu không có sự thiên lệch". Và đến khi Trung Quốc và ASEAN đạt được thống nhất về các nguyên tắc thực hiện DOC sau hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hôm 21.7 tại Bali, người phát ngôn bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez cho biết, nước này sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trong ASEAN cho kế hoạch hợp tác chung ở các vùng có tranh chấp ở biển Đông. Dự kiến, các chuyên gia về luật của ASEAN sẽ họp mặt tại Manila vào tháng 9 tới để bàn về đề xuất này. Mục đích là 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ tán thành việc xác định các phần có tranh chấp ở khu vực được coi là chiến lược và giàu tài nguyên này. Theo giới chuyên gia, yêu cầu này sẽ khiến Trung Quốc phải làm rõ yêu sách đường chín đoạn (chữ U) mà nước này tự vẽ ra, chiếm gần trọn biển Đông. Ca Thy (tổng hợp)
|