Hải quân Trung Quốc và chiến lược biển xa

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ngày 08.08.2011, 16:04 (GMT+7)
    Hải quân Trung Quốc và chiến lược biển xa

    SGTT.VN - Trong báo cáo hằng năm về quốc phòng ( Defense of Japan 2011 ) được công bố ngày 2.8 vừa qua, bộ Quốc phòng Nhật đã bày tỏ lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc ra Thái Bình Dương và về sự không rõ ràng trong ngân sách quốc phòng của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến Trung Quốc sẽ nới rộng các hoạt động quân sự của họ ra các biển "Nam Hải", "Đông Hải" (theo cách gọi của Trung Quốc) và Thái Bình Dương.



    Trung Quốc với mộng bành trướng lãnh hải. Ảnh: MaritimeSecurity.Asia


    Ngày 27.7.2011, Trung Quốc thừa nhận họ hoàn tất việc sửa chữa tàu sân bay Varyag mua của Ukraina, và, theo những nguồn tin thân cận chính quyền, nước này tiến hành đóng mới hai tàu sân bay do trong nước thiết kế. Chúng là những phương tiện lý tưởng để đưa quân đến những chiến trường xa Trung Quốc. Hai sự kiện nói trên cho thấy sự bành trướng liên tục và rất nhanh của hải quân Trung Quốc.

    Chiến lược mới cho hải quân Trung Quốc

    Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã không mấy quan tâm đến hải quân. Từ khi nền Cộng hoà nhân dân được thiết lập (1949) cho đến những năm 1980, Bắc Kinh chủ yếu quan tâm đến việc bảo về các vùng duyên hải. Với chính sách cải cách do Đặng Tiểu Bình phát động từ năm 1978, Trung Quốc đã thay đổi chính sách về hải quân. Đô đốc Lưu Hoa Thanh đã đề ra chíến lược "phòng thủ tích cực các biển kế cận" mở ra cho hải quân Trung Quốc một không gian rộng hơn trước rất nhiều vì nó bao gồm không những các vùng lãnh hải của Trung Quốc mà cả các vùng biển chạy dài từ quần đảo Ryukyu của Nhật đến Borneo. Cùng với việc gia tăng ảnh hưởng trên cả thế giới về kinh tế, đối ngoại, hiện nay hải quân Trung Quốc chuyển sang một chiến lược mới là nâng phạm vi hoạt động đến các vùng biển xa xôi trải dài từ phía Bắc của Nhật đến phía Bắc của đảo Guam, nơi có căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ.

    Để thực hiện chiến lược mới này, Trung Quốc đã hiện đại hoá ba hạm đội của họ là hạm đội Đông Hải (có tổng hành dinh đặt ở Thượng Hải), hạm đội Nam Hải (tổng hành dinh: Trạm Giang) và hạm đội Bắc Hải (Thanh Đảo). Năm 2010, hải quân Trung Quốc chiếm vị trí số một ở châu Á khiến cho chính Mỹ cũng phải lo âu: với 225 ngàn người và hơn 950 tàu chiến gồm ít nhất 58 tàu ngầm (trong số đó có sáu tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân), hơn 50 tàu diệt ngư lôi, ít nhất 27 tàu khu trục… Về trọng tải, hải quân Trung Quốc đứng thứ ba trên thế giới (với 1,34 triệu tấn).

    Tranh chấp về biển với Nhật và các nước Đông Nam Á

    Việc phát triển hải quân của Trung Quốc tạo nên mối nghi ngại bởi nước này có nhiều tranh chấp với các nước láng giềng do muốn độc quyền khai thác dầu lửa mà các biển mà họ gọi là "Đông Hải" và "Nam Hải". Hiện nay, Trung Quốc nhập dầu lửa nhiều thứ hai sau Mỹ. Xung đột nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật chung quanh các đảo Senkaku (hay Điếu Ngư) vào tháng 9.2010 đã gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo. Ở phía Nam, ngay từ những năm 1950, Trung Quốc đã có ý đồ giành lấy gần như toàn bộ Biển Đông. Riêng đối với Việt Nam, sau khi chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Trung Quốc đã chiếm một số đảo ở Trường Sa vào năm 1988. Từ vài năm nay, hải quân của họ ngày càng biến Biển Đông thành một thứ "ao nhà".

    Sự bành trướng của hải quân Trung Quốc khiến các nước láng giềng phải hiện đại hoá hải quân của họ. Sau sự cố Senkaku, Nhật càng thấy rõ sự cần thiết phải tổ chức lại hải quân nhằm bảo vệ các đảo xa ở phía Nam và bảo đảo đảm an toàn cho các tuyến đường biển. Họ đã tăng số tàu ngầm từ 16 lên 22. Một số nước châu Á khác cũng đang tăng cường hải quân đến mức nhiều người đã gọi là "chạy đua vũ trang".



    Tàu sân bay George_Washington của Mỹ thường xuyên hiện diện ở Thái Bình Dương.


    Vào cuối tháng 7 vừa qua, chính phủ Philippines đề nghị Quốc hội tăng ngân sách quốc phòng từ 117 triệu USD lên 183 triệu USD. Nhưng ông Rommel Banlaoi, Giám đốc Viện nghiên cứu về hoà bình, bạo lực và khủng bố của Philippines, cảnh báo là trước sự hiện đại hoá quá nhanh và quá ồ ạt của Trung Quốc, Philippines không thể nào theo kịp.

    Do đó, nhiều nước ở Đông Nam Á đã bắt đầu hợp tác quân sự với nhau, cũng như xây dựng quan hệ với các nước khác để tạo ra một sự cân bằng. Trong bối cảnh đó, Washington tỏ ra có phần thận trọng, nên ưu tiên ủng hộ ý muốn của các nước Asean nhằm giải quyết các tranh chấp trong một khung cảnh đa phương.

    Theo Philippe Langloit, chuyên gia Pháp về hải quân, hải quân Trung Quốc còn có thể tăng cường gấp bội vì chi phí quốc phòng của nước này chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp so với tổng sản phẩm quốc nội. Theo ông, vì "hải quân luôn là công cụ của sự bành trướng", hải quân Trung Quốc hiện nay ngày càng đi xa để bảo đảm an toàn cho các đường giao thương của họ. Trung Quốc đã xây một loạt các căn cứ dọc theo các duyên hải của Ấn Độ Dương, đã tham gia chống lại bọn cướp biển ở ngoài khơi Somalia và, mới đây, đã đưa tàu chiến đế tận Địa Trung Hải để giải cứu kiều dân của họ ở Libya. Vấn đề đặt ra là, trong tương lai, Trung quốc sẽ dùng hải quân hùng hậu của họ vào việc thực hiện các mục đích nào ?

    Đồng ý với GS Diêm Học Thông (nhà chính trị học Trung quốc nổi tiếng) là sự chuyển giao bá quyền giữa hai nước bao giờ cũng thông qua chiến tranh, trong một bài báo đăng trong The Guardian ngày 22.6 vừa qua, sử gia Anh Timothy Garton Ash đã đặt ra vấn nạn là phải chăng tiếp theo việc Trung Quốc giành được của Mỹ vị trí siêu cường số một thế giới trong một hay hai thập kỷ tới, sẽ có chiến tranh ? Và trong trường hợp này, Mỹ sẽ phản ứng như thế nào?

    Nguyên Thanh (theo: Defense of Japan 2011 , Le Monde…)



    Posted by sgtt.vn on August 08, 2011 at 11:33:20:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]