Trung Quốc không có quyền sở hữu biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ngày 13.08.2011, 07:59 (GMT+7)
    Trung Quốc không có quyền sở hữu biển Đông

    SGTT.VN - Trung Quốc có quyền có một lực lượng Hải quân và quyền tự vệ. Nhưng họ không có quyền giả định rằng họ sở hữu Biển Đông.

    Ông Kim R. Holmes, cựu trợ lý bộ trưởng ngoại giao, hiện là phó chủ tịch Heritage Foundation (Quỹ Di sản, một tổ chức nghiên cứu và giáo dục rất uy tín, được thành lập năm 1973 tại Mỹ) mới đây có bài viết phân tích về tham vọng của Trung Quốc với Biển Đông, đăng trên Washington Times ngày 10.8. SGTT lược dịch.



    Việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào Hải quân, và cho chạy thử tàu sân bay đầu tiên làm các nước láng giềng lo ngại. Ảnh: Xinhua


    Một lần nữa Trung Quốc đang chứng tỏ sức mạnh cơ bắp hàng hải của mình. Tuần trước, Nhân dân nhật báo đưa ra cảnh báo về "những hậu quả" nếu Bắc Kinh bị thách thức trong vùng biển Đông. Một vài tuần trước đó, một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc chỉ trích các cuộc tập trận của hải quân Mỹ tại biển Đông là "không thích hợp" và chê trách Mỹ chi tiêu quá nhiều về quốc phòng.

    Vấn đề thực sự là gì? Rất đơn giản, thực sự là Trung Quốc đang khẳng định tuyên bố về chủ quyền đối với hầu hết vùng biển Đông và các đảo trên biển. Điều này không mới mẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã trở nên hung hăng hơn. Kể từ tháng 2.2011, Trung Quốc đã chín lần thâm nhập vào những khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền, và đã xâm phạm chủ quyền trên biển với Việt Nam.

    Trung Quốc đang khai thác hiệp ước về Luật biển để củng cố tuyên bố của mình với "các vùng biển gần". Họ lập luận rằng theo các hiệp ước về biển, Mỹ không phải là một bên trong khu vực và vì thế các tàu hải quân Mỹ nên bị giới hạn khi hoạt động trong những nơi được xem là "vùng đặc quyền kinh tế" của Trung Quốc.

    Thật vậy, Trung Quốc xem biển Đông không đơn thuần là một lĩnh vực độc quyền mà là lãnh thổ có chủ quyền. Tuy nhiên, đồng nghiệp của tôi là Dean Cheng lưu ý rằng hải quân Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược của mình tại khu vực này với nhiều ý tưởng tham vọng hơn. Hải quân Trung Quốc được sử dụng để tập trung chủ yếu vào Đài Loan, để bảo đảm cho vùng nước từ Nhật Bản dọc theo chuỗi đảo Ryukyu, qua Đài Loan và Philippines, và kéo đến eo biển Malacca, bao gồm cả vùng biển Đông.



    Cùng ngày Trung Quốc loan báo chạy thử tàu sân bay (10.8), Đài Loan gới thiệu tên lửa diệt hạm mới, quảng cáo rằng có thể bắn chìm tàu sân bay. Ảnh:


    Để kiểm soát khu vực rộng lớn này, Trung Quốc sẽ cần phải kìm chân Hải quân Mỹ, không cho các tàu hải quân Mỹ vào các vùng biển quốc tế này. Nếu Trung Quốc thành công trong việc này, sẽ gây khó cho Hải quân Mỹ và các lực lượng khác hỗ trợ Đài Loan và các đồng minh Nhật Bản và Philippines nếu bị Trung Quốc tấn công.

    Ông Cheng cho rằng, trong một số bài viết của chính phủ Trung Quốc, các đại dương xung quanh Trung Quốc được xem là "vùng đất xanh" - nói cách khác, có giá trị chiến lược tương đương với lãnh thổ Trung Quốc. Các đường vẽ của Trung Quốc trên vùng biển quốc tế là cùng cách với các đường vẽ trên đất liền.

    Nếu bạn nghĩ rằng hải quân Mỹ vẫn còn thống trị áp đảo, do vậy chúng ta không có gì phải lo lắng, thì bạn hãy nghĩ lại. Mặc dù vẫn còn mạnh mẽ, sức mạnh hải quân Mỹ đang suy yếu, và người Trung Quốc biết điều đó. Thứ hai, biển Đông, biển Hoa Đông và vùng biển Hoàng Hải gần với Trung Quốc hơn với Mỹ, và một lực lượng hải quân Trung Quốc tập trung kiểm soát các vùng nước gần sẽ có lợi thế hơn về hậu cần lẫn vận chuyển.

    Ông Cheng cho rằng các nhà hoạch định quân sự của Trung Quốc biết họ không thể đương đầu được với hải quân Mỹ trên toàn cầu, nhưng có thể làm cho hải quân Mỹ hao tiền của hơn khi tiến gần lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc đang loại bớt các chiến hạm đã lỗi thời và xây dựng một lượng lớn tàu chiến gắn tên lửa. Những tàu này mang tên lửa YJ-82, loại hành trình siêu âm chống tàu, rất phù hợp để tấn công tàu của hải quân Mỹ. Trung Quốc cũng là nâng cấp đội tàu khu trục của mình và triển khai tàu sân bay đầu tiên.



    Theo tác giả bài báo, nếu Trung Quốc cố biến những khu vực biển gần thành sân sau của họ, sẽ gặp phải sự phản kháng của Mỹ. Ảnh: tàu sân bay nguyên tử George Washington của Mỹ rời Yokosuka tiến về Tây Thái Bình Dương, tháng 6.2011. Ảnh: navsource.org


    Mỹ không thể để các hành động của Trung Quốc gây nguy hiểm cho các cam kết của Mỹ với các đồng minh của mình, cũng như không thể để Trung Quốc ngăn cản quyền tự do hàng hải của Mỹ trên các vùng biển quốc tế. Trung Quốc có quyền có một lực lượng Hải quân và quyền tự vệ. Nhưng họ không có quyền giả định rằng họ sở hữu Biển Đông.

    Cản ngại chính trong con đường đầy khát vọng của Bắc Kinh là Hải quân Hoa Kỳ. Để đảm bảo quyền tự do trên các vùng biển ở Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ cần thêm nhiều nguồn lực, dù thỏa thuận trần nợ công gần đây đe dọa thu hẹp lực lượng hải quân Mỹ. Hải quân Mỹ có thể sẽ phải từ bỏ việc hiện đại hóa lực lượng chiến đấu trên biển và dưới lòng biển, nếu việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng vẫn tiếp tục.

    Liệu các tuyên bố của Trung Quốc về các "vùng biển gần" của họ sẽ đưa chúng ta vào một bài học va chạm hay không vẫn là một câu hỏi mở. Tuy nhiên Bắc Kinh nên biết rằng bất kỳ cố gắng để thay đổi các quy tắc và việc biến những khu vực biển này thành sân sau của họ sẽ gặp phải sự phản kháng của Mỹ.

    H.S (Theo Washington Times)



    Posted by sgtt.vn on August 13, 2011 at 05:57:34:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]