Biểu tình ở Hà Nội bị bắt toàn bộ

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Biểu tình ở Hà Nội bị bắt toàn bộ
    Saturday, August 20, 2011 8:15:39 PM




    HÀ NỘI (NV) - Bất kể trời mưa, bất kể một lệnh cấm không chữ ký, và bất kể một sân khấu lộ thiên được dựng lên bất thình lình trong đêm với dàn loa khổng lồ, người yêu nước tại Hà Nội vẫn tụ tập đúng hẹn để biểu tình chống Trung Quốc nhưng ngay sau đó bị bắt trọn và hốt lên xe bus, theo tin tức của nhiều trang web tại Việt Nam.

    Ðoàn biểu tình bị bắt lên xe bus chở đi, vẫn chăng biểu ngữ ở cửa sổ. (Hình: Xuandienhannom.blogspot.com)

    Cuộc biểu tình khởi động lúc 8 giờ 50 sáng hôm Chủ Nhật, như những Chủ Nhật trước, bên bờ Hồ Gươm.

    Tuy nhiên, “chỉ sau 5-7 phút đoàn biểu tình đã bị hốt lên xe bus,” theo trang web Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện tại địa chỉ xuandienhannom.blogspot.com.

    Xe bus chứa đầy người trong đoàn biểu tình, chạy từ Bờ Hồ, rẽ vào trước tòa nhà Ngân Hàng Nhà Nước, rồi sau đó chạy lòng vòng.

    Người biểu tình trong xe vẫn tiếp tục hô khẩu hiệu. Tiến Sĩ Diện miêu tả: “Trong xe đầy ắp người yêu nước, với tiếng hô hai tiếng Việt Nam ngút trời. Tất cả các biểu ngữ đã được đưa ra phía cửa kính.”

    Trang Anh Ba Sàm cũng chứng kiến xe bus chở người biểu tình “chạy vô phố Nguyễn Xí, trên xe vang lên tiếng hô Việt Nam! Việt Nam.”

    Thông tin trên Paltalk cho biết trên xe bus này có mặt bà Bùi Thị Minh Hằng, một người nhiều lần biểu tình tại Hà Nội, được biết đến qua bộ áo dài quen thuộc.

    Lối vào Bờ Hồ bị chặn. Ðồng thời, một xe cảnh sát cơ động chở nhiều thanh niên thường phục đeo băng đỏ tiến vô.


    Đường trước cửa tòa đại sứ Trung Quốc bị cấm vào. (Hình: Anhbasam.wordpress.com)


    Tại Bờ Hồ, phía trước tượng Cảm tử, một sân khấu khổng lồ được dựng lên bất thình lình trong đêm, với dàn loa to lớn được xem là chuẩn bị để át tiếng biểu tình nếu có.

    Màn sân khấu ghi tên chương trình là buổi “Giao lưu văn nghệ: Khúc hát thanh niên” do Thành Ðoàn Hà Nội tổ chức. Tuy nhiên, việc tổ chức gấp gáp dẫn đến một số tình huống bất ngờ như việc người dẫn chương trình mời một lãnh đạo đoàn lên phát biểu, nhưng không thấy nhân vật đó lên sân khấu.

    Trong khi đó, tại Sài Gòn, theo trang TTXVA.org, quanh tòa tổng lãnh sự Trung Quốc đầy ắp công an, cảnh sát giao thông, trật tự, dân phòng, chưa kể công an chìm mặc thường phục. Khu vực này “không cho dừng xe, phải đi đường vòng quanh Lê Quí Ðôn,” TTXVA viết.

    Trang web này giải thích thêm: “Cách khoảng 100m có một chốt gồm: 113, cảnh sát cơ động... không dừng xe được.” Công an được cho biết là “rải dày đặc từ khắp các ngã tư, từ Phạm Ngũ Lão-Nguyễn Thái Học-đến chợ Bến Thành”.

    Bị cảnh cáo đừng biểu tình

    Một ngày trước đó, nhiều người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc được các đoàn cán bộ đến tận nhà thông báo lệnh cấm biểu tình của nhà cầm quyền địa phương.

    Hầu hết các nhân vật từng tham gia biểu tình những tuần trước đều được cán bộ đến nhà gặp. Trong số này, có Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, blogger Người Buôn Gió, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Luật Sư Lê Thị Công Nhân và chồng là ông Ngô Duy Quyền.

    Trên trang tin “Dân Làm Báo” đưa lời kêu gọi đi biểu tình bắt đầu từ 8 giờ 30 sáng. Ðịa điểm vẫn là khu vực Hồ Gươm, chân tượng đài Lý Thái Tổ, chân tượng đài Quyết Tử Cho Tổ Quốc Quyết Sinh, quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục. Ở Sài Gòn thì tập trung ở công viên 23/9 đường Phạm Ngũ Lão “và ở bất kỳ mọi nơi, mọi thời khắc, bằng nhiều hình thức”.

    Ngày 18 tháng 8, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội ra một văn bản cấm biểu tình. Hai mươi lăm trí thức, thanh niên đã ký tên trên một văn thư phản đối. Họ nói văn bản cấm biểu tình “không có người ký, không có căn cứ pháp luật” và còn có tính cách vu cáo.

    Trên trang blog của mình, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện kể rằng một phái đoàn 5 người đến vào tối Thứ Bảy nhất định muốn gặp. Tiến Sĩ Diện từ chối, hẹn gặp 8 giờ sáng hôm sau, và hôm sau họ trở lại thật. Ðoàn 5 người gồm 1 cán bộ văn phòng ủy ban phường Kim Liên, 1 phó trưởng công an phường, trưởng ban bảo vệ phường, tổ trưởng dân phố và 1 cảnh sát khu vực. Khi được hỏi về văn bản không có số, không có chữ ký, đoàn này “cũng công nhận với tôi là thông báo của UBND TP không đúng với các quy định về việc soạn thảo và ban hành văn bản hành chính,” theo T.S. Diện kể lại.

    Ông cũng in ra bản kiến nghị phản đối, cũng như bài viết trên trang Anh Ba Sàm mang tựa “Nguồn cơn của bản thông báo bất hợp lệ” phát cho 5 người này và họ đã mang về.

    T.S. Diện kể, “Các anh ấy nói các anh ấy được giao nhiệm vụ đến thông báo với tôi. Còn chuyện tham gia biểu tình là quyền của tôi, các anh ấy không có quyền ngăn cấm.”

    Ở nhà blogger Nguyễn Hữu Vinh, chuyện cũng xảy ra tương tự, theo lời kể của blogger này trên trang mạng Dân Làm Báo. Trước khi đoàn của phường ra về, ông Vinh nhắn lại, “Nếu muốn người dân không đi biểu tình, phường nên làm một quyết định đúng pháp luật ‘Cấm đi biểu tình chống Trung Quốc’ đưa tôi”.






    Posted by nguoi-viet.com on August 21, 2011 at 02:35:08:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]