Thứ Năm, 25/08/2011, 07:56 (GMT+7) TT - Quân đội Philippines quyết thể hiện vai trò của họ ở biển Đông trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng leo thang, Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III tuyên bố. Tàu Gregorio del Pilar đã về đến vịnh Manila, Philippines ngày 23-8 - Ảnh: Inquirer
Cùng ngày, tàu chiến Gregorio del Pilar đã có mặt trong vịnh Manila sau chuyến hành trình dài từ Mỹ. “Con tàu này tượng trưng cho khả năng mới của chúng tôi trong việc bảo vệ và chiến đấu vì lợi ích của đất nước nếu cần thiết. Đây chỉ mới là sự bắt đầu, bởi chúng tôi không chỉ dừng ở việc mua một tàu chiến”- ông Aquino nói. Philippines sẽ đưa tàu Gregorio del Pilar vào tuần tra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình cũng như các khu vực đang thăm dò khai thác dầu khí của nước này trên biển Đông. Tổng thống Aquino cho biết Philippines đã chuẩn bị khí tài để ngăn chặn đến cùng sự có mặt của Trung Quốc trên các khu vực biển Đông, bất chấp trước đó Trung Quốc cảnh báo Philippines sẽ phải trả giá đắt cho việc nước này tăng cường sự hiện diện quân sự ở biển Đông. Tân Hoa xã ngày 24-8 dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Tổng thống Benigno S. Aquino III sẽ ký ít nhất sáu thỏa thuận với Trung Quốc, trong đó có tuyên bố chung về biển Đông. Trợ lý văn phòng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines Cristina Ortega cho biết tuyên bố chung về biển Đông sẽ được công bố chi tiết sau khi Tổng thống Aquino kết thúc chuyến đi. Báo Philippines Star cho biết Tổng thống Aquino có thể sẽ đề cập vấn đề quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. “Tôi cho rằng tổng thống sẽ đề cập quần đảo Trường Sa về những điều chúng tôi đồng ý và không đồng ý, song chúng tôi sẽ giữ quan điểm của chúng tôi với cộng đồng và tiếp tục bàn luận” - bà Ortega nhấn mạnh. Song theo bà Ortega, Tổng thống Aquino sẽ không bàn thảo chi tiết những quan tâm của Philippines về tranh chấp trên biển Đông nói chung khi gặp ông Hồ Cẩm Đào để tránh căng thẳng trong chuyến đi này. Ngày 23-8, Tập đoàn năng lượng quốc gia Malaysia Petronas cho biết sẽ bắt đầu phát triển dự án khai thác khí thiên nhiên trị giá 15 tỉ ringgit (5,03 tỉ USD) trên biển Đông, khu vực ngoài khơi bờ đông của nước này. Ngày 24-8, Thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Kenichiro Sasae đã triệu hồi đại sứ Trung Quốc ở Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa để phản đối sự kiện hai tàu ngư chính của Trung Quốc xâm phạm vùng biển cách đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) 12 hải lý vào sáng cùng ngày. “Nhật Bản đã lặp lại rằng chuỗi đảo Senkaku là phần lãnh thổ trọn vẹn của Nhật Bản về mặt lịch sử cũng như phù hợp với luật quốc tế. Chúng tôi kêu gọi phía Trung Quốc hãy hành động phù hợp và dựa trên quan điểm quan hệ ngoại giao giữa hai nước” - chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano nói.
|