Diễn biến đáng ngại trên biển Đông Trung Quốc lại vừa cho tàu hải giám tuần tra biển Đông cũng như xúc tiến kế hoạch cùng thăm dò dầu khí ở Trường Sa với Philippines. Tàu hải giám 51 đang hoạt động ở biển Đông - Ảnh: Gov.cn Trong thời gian qua, Philippines là một trong những nước phản đối mạnh nhất những hành động trên biển Đông của Trung Quốc, cáo buộc nước này bắt nạt các bên có tranh chấp ở vùng biển này. Do đó, chuyến công du Trung Quốc bắt đầu vào ngày 30.8 của Tổng thống Benigno Aquino III thu hút sự chú ý rất nhiều các bên liên quan và giới phân tích. AFP dẫn lời những người thân cận của Tổng thống Aquino III cho hay trong chuyến thăm 4 ngày, ông sẽ nêu vấn đề tranh chấp biển Đông với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sẽ không có đột phá nào cho vấn đề này. “Trung Quốc và Philippines thống nhất rằng vấn đề biển Đông chỉ là một phần nhỏ trong quan hệ hai bên và không nên để nó chiếm lĩnh chương trình nghị sự”, Reuters dẫn lời một chuyên gia tại Viện Quan hệ quốc tế Đương đại Trung Quốc cho hay. Giới chức Philippines và các chuyên gia cho rằng, ông Aquino III sẽ tập trung nâng cao quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Dự kiến hai bên sẽ ký chương trình hợp tác 5 năm với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỉ USD vào năm 2016. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Philippines Cristino Panlilio, trong chương trình này có một dự án cùng thăm dò dầu khí ở khu vực tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đài truyền hình GMA News dẫn lời ông Panlilio cho hay Manila và Bắc Kinh đã đồng ý lập một liên doanh giữa các công ty dầu khí của hai bên để thăm dò ở khu vực nói trên. Động thái này rõ ràng vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa. Trong khi đó, đảng đối lập ở Philippines Bayan Muna ngày 29.8 tuyên bố sẽ ngăn cản dự án trên, theo báo Sun Star.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên biển Đông cũng như tăng cường vũ khí mới khiến không ít nước phải lo ngại. Tờ Business Standard của Ấn Độ dẫn lời một số quan chức giấu tên của nước này cho hay sẽ mở rộng đội tàu ngầm để bảo đảm khả năng bảo vệ quyền lợi ở vùng biển thông giữa biển Đông và Ấn Độ Dương. Theo đó, hai công ty Larsen&Toubro và Hindustan Limited đang hợp tác xây dựng một dây chuyền đóng tàu ngầm với kỹ thuật của Nga, đặt tại Visakhapatnam. Bên cạnh đó, hải quân Ấn Độ vừa tăng cường thêm tàu chiến tàng hình INS Satpura cho Hạm đội phía đông, theo báo The New Indian Express. Sau khi Trung Quốc cho chạy thử tàu sân bay đầu tiên vào ngày 10.8, Ấn Độ cũng mua thêm hàng trăm tên lửa Brahmos và tăng cường nâng cấp tàu sân bay INS Vikramaditya, theo Interfax. Ngọc Bi
|