Thứ ba, 30/8/2011, 09:50 GMT+7 Tổng thống Philippines Benigno Aquino đối mặt với nhiệm vụ khó khăn ở Trung Quốc tuần này: nêu vấn đề chủ quyền ở Biển Đông mà không làm ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, quan hệ song phương liên tục căng thẳng trong năm nay do các tuyên bố liên quan tới chủ quyền ở Biển Đông của hai bên. Ông Aquino từng kêu gọi Trung Quốc chấp nhận để Tòa án của Liên Hợp Quốc về Luật biển giải quyết tranh cãi giữa các bên ở Biển Đông. Bắc Kinh một mực bác bỏ đề xuất này. "Trung Quốc sẽ không mạo hiểm tham gia một phiên tòa có thể ảnh hưởng tới khẳng định chủ quyền của họ", Carl Thayer, giáo sư thuộc đại học New South Wales, Australia, một người theo dõi vấn đề Biển Đông lâu năm, nhận định. Sau các cuộc hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, ông Aquino sẽ tới Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nơi bà mẹ quá cố của ông từng trồng cây trong chuyến thăm gần hai thập kỷ trước. Mẹ ông là người Philippines gốc Hoa. Đoàn tháp tùng ông Aquino cũng bao gồm ít nhất 200 doanh nhân nhằm thuyết phục Trung Quốc đầu tư vào các dự án mỏ và cơ sở hạ tầng. Phái đoàn hy vọng rằng đầu tư từ Trung Quốc sẽ giúp tăng trưởng kinh tế Philippines. Các nhà phân tích cho rằng tổng thống Philippines sẽ rất thận trọng để không gây ảnh hưởng tới sứ mệnh kinh tế lần này. Phát biểu với báo giới Trung Quốc tuần trước, ông cho rằng mối quan hệ giữa hai nước giống như một cuộc hôn nhân và cả hai bên đều phải nỗ lực vì nó. Tuy nhiên, ông Aquino đang chịu áp lực phải tỏ ra cứng rắn trước Trung Quốc. "Ông ấy sẽ bị chỉ trích nếu không nêu vấn đề Biển Đông", Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho hay. Gần đây, Philippines liên tục nhấn mạnh vấn đề chủ quyền của họ ở Biển Đông. Dưới thời tổng thống Gloria Macapagal Arroyo và trong suốt những tháng đầu của nhiệm kỳ Aquino, Manila nỗ lực hết sức để xây dựng mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, họ không cử đại diện tới lễ trao giải Nobel Hòa Bình ở Na Uy cho một người Trung Quốc bất đồng chính kiến. Động thái trên được cho là nhằm khiến Trung Quốc thay đổi án tử đối với ba người Philippines buôn lậu ma túy vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi ba người này bị xử tử tháng 3 năm ngoái, ông Aquino bắt đầu thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Giới chức Philippines tố cáo tàu Trung Quốc ngăn cản hoạt động khai thác dầu và khí đốt ở khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nơi có tranh chấp về chủ quyền. Philippines tăng cường tiềm lực quân sự để bảo vệ lợi ích kinh tế của họ. Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ Philippines, một đối tác hiệp ước, nếu tình hình căng thẳng ở Biển Đông lên cao. Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Các bên khác cũng đưa ra tuyên bố gồm Trung Quốc và Philippines. Việt Nam cũng chỉ trích những hành động quyết liệt của Trung Quốc về vấn đề biển đảo trong thời gian gần đây. Ngoài ba nước này, Malaysia và Brunei cũng khẳng định chủ quyền tại khu vực giàu tài nguyên. Trung Quốc, trong khi bác bỏ tuyên bố chủ quyền của cả Việt Nam và Philippines, liên tục cho biết họ muốn đối thoại tay đôi với các bên tranh chấp. Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh đa phương, tiềm lực về kinh tế và quân sự của Trung Quốc sẽ không còn là điểm mạnh nữa. Từ năm ngoái, Mỹ cũng nhiều lần kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua một cơ chế đa phương. Mai Trang (theo WSJ)
|