Mỹ kêu gọi hợp tác sau vụ tàu Trung-Ấn

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Cập nhật: 08:49 GMT - thứ sáu, 2 tháng 9, 2011
    Mỹ kêu gọi hợp tác sau vụ tàu Trung-Ấn
    Sự việc xảy ra chỉ cách bờ biển Việt Nam 83km
    Hoa Kỳ kêu gọi tiến trình hợp tác ngoại giao để giải quyết bất đồng ở Biển Đông sau khi có tin tàu Ấn Độ bị Trung Quốc cảnh báo.

    Bộ Ngoại giao Ấn Độ xác nhận hôm 1/9 rằng chiến hạm ISN Airavat của nước này đã nhận cảnh báo qua điện đàm về việc 'tiến vào hải phận Trung Quốc' hôm 22/7 khi chỉ cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý (83km).

    Các bài liên quanẤn Độ nói về vụ 'đụng tàu Trung Quốc'Tàu TQ và Ấn Độ đụng nhau ngoài khơi VNTQ 'không đàm phán về Hoàng Sa'
    Dù Delhi nói không thấy hiện diện của tàu Trung Quốc khi vụ việc xảy ra và không có đối đầu, lời cảnh báo cũng đã đánh động dư luận, vốn quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington, Mark Toner, nói với các phóng viên trong buổi họp báo hôm thứ Năm 1/9: "Chúng tôi ủng hộ tiến trình hợp tác ngoại giao của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền nhằm giải quyết bất đồng".

    Ông Toner từ chối đi vào chi tiết, nhưng nói ông đã nhận được tin từ phía Ấn Độ nói là không có đối đầu trong vụ tàu INS Airavat.

    Trong khi đó một tờ báo Anh có bài bình luận việc Trung Quốc 'thách thức' tàu hải quân Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam là hành động tái khẳng định chủ quyền của nước này tại Biển Đông.

    Bước mới của Trung Quốc
    Tờ Thời báo Tài chính (FT), trụ sở London, viết trong bài ra hôm 1/9 rằng đây là "bước mới trong chiến dịch (của Trung Quốc) nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền biển trong khu vực".

    Báo này cũng nhận xét: "Cho dù đã có nhiều cuộc cãi cọ với các nước nhỏ trong vùng như Philippines, Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc chưa bao giờ thách thức một cường quốc đang lên khác trên biển".

    "... việc tìm kiếm phương cách giải quyết bất đồng càng trở nên quan trọng. Lý tưởng nhất là một dàn xếp đa phương các tranh chấp chủ quyền của các bên tham gia."

    Thời báo Tài chính Anh
    FT nói hành động của Bắc Kinh không gây ngạc nhiên vì sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc dẫn đến cách tiếp cận năng nổ hơn trong việc tìm kiếm và bảo đảm các nguồn cung cấp nguyên liệu cũng như các tuyến đường giao thông liên lạc.

    "Điều này khiến việc tìm kiếm phương cách giải quyết bất đồng càng trở nên quan trọng. Lý tưởng nhất là một dàn xếp đa phương các tranh chấp chủ quyền của các bên tham gia."

    Tờ báo Anh nói Công ước về Luật biển 1982 của LHQ, mà Trung Quốc đã ký kết, có thể dùng làm cơ sở cho dàn xếp nói trên tại Biển Đông.

    Báo này nói tuy nhiên quá trình này đang bị cản trở bởi Trung Quốc không muốn mang các tuyên bố chủ quyền quá đáng của mình ra cho các bên thứ ba phân định.

    "Đây là một phần trong sự ngại ngần nói chung của Trung Quốc trong việc chấp nhận một hệ thống toàn cầu lấy pháp lý làm cơ sở."

    FT nhận định đáng tiếc đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc muốn có luật chơi của riêng mình.

    Tuy nhiên tờ báo có uy tín này cảnh báo về hiệu ứng ngược trong chính sách của Trung Quốc.

    "Như các động thái mới đây của Philippines và Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ cho thấy, sự mạnh bạo của Trung Quốc khiến các nước khác đoàn kết đối lại Trung Quốc."

    "Chỉ có cách nhìn nhận thiển cận về quyền lợi chiến lược mới cho rằng lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông là thích đáng."

    Thời báo Tài chính nói "trong khi Trung Quốc cần chứng thực các dụng ý hòa bình của mình bằng hành động, thế giới cũng cần lôi kéo Bắc Kinh vào đối thoại và cam kết quốc tế", cho đó là cách giải quyết lâu dài cho vấn đề Biển Đông.



    Posted by bbc on September 02, 2011 at 09:30:36:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]