Nhật 'muốn dùng Việt Nam đối lại với TQ'

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Nhật 'muốn dùng Việt Nam đối lại với TQ'
    Cập nhật: 15:06 GMT - thứ bảy, 3 tháng 9, 2011

    Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak (năm 2009) là người đã nghe Đại sứ Nhật Bản Sakaba trao đổi trong một bữa cơm trưa.
    Nhật Bản hy vọng tăng cường ảnh hưởng tại Việt Nam bằng cách tài trợ đầu tư, nhằm đối lại với ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này và khu vực Đông Nam Á, theo nội dung một điện văn ngoại giao bị rò rỉ bởi Wikileak.

    Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Mitsuo Sakaba, hồi tháng Hai 2009, đã thảo luận với Đại sứ Hoa Kỳ ông Michael Michalak và cho hay Tokyo muốn nỗ lực để cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, thông qua con đường phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hội nhập khu vực.

    Các bài liên quanWikileaks: Quan hệ Việt-Trung và biểu tình 2007Tướng Hưởng than phiền về Biển ĐôngWikileaks: Tướng Giáp nói gì với Hoa Kỳ
    Chủ đề liên quanNhật BảnVề cạnh tranh với Trung Quốc trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đại sứ Nhật Bản cho đại sứ Mỹ biết, vẫn theo bức điện văn của sứ quán Mỹ từ Hà Nội, rằng:

    "Nhật Bản tin rằng Việt Nam là một thành tố quan trọng trong việc giúp cân bằng với ảnh hưởng 'quá mức' của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Để làm điều đó, Nhật Bản muốn tăng lợi ích để xây dựng Việt Nam, kết nối với Lào, Campuchia và cả Thái Lan."

    Trong lúc Trung Quốc đang xây dựng một trục kết nối "Bắc-Nam" liên kết Đông Nam Á qua các tuyến giao thông đường bộ được tăng cường, Nhật Bản đối lại bằng cách hỗ trợ trục liên kết "Đông-Tây" liên kết, bao gồm một tuyến đường từ Đà Nẵng tới phía bắc và phía tây và một trong những tuyến đường từ thành phố Hồ Chí Minh đi tới Campuchia ở mạn Tây.

    Ông Sakaba cũng cho biết: "Có một cuộc cạnh tranh tồn tại ở Đông Nam Á, với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan cùng tranh giành ảnh hưởng," bức điện cho biết.

    "Người Thái có một 'kết nối tự nhiên' với Campuchia, trong khi Việt Nam không có một liên hệ tự nhiên và có nhu cầu muốn Nhật Bản giúp tái nối với Campuchia và Lào."

    "Nếu một dự án cơ sở hạ tầng liên kết Việt Nam và Campuchia có sự tham gia của Nhật Bản, Campuchia sẽ chấp nhận nó. Nếu không có sự tham gia của Nhật Bản, Campuchia có thể không đồng ý."


    Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba nhận thấy Trung Quốc có ý đồ trong dự án Bauxite ở Việt Nam.
    Ý đồ Bauxite

    Bức điện cho thấy Đại sứ Nhật Bản, ông Sakaba nhận thức rằng Trung Quốc khi đó đang tìm kiếm ảnh hưởng trong phạm vi Việt Nam và đã đào tạo nhiều nhân sự cho Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), trong đó có một số hạng mục phục vụ các dự án tài nguyên lớn bao gồm phát triển bauxite ở Tây Nguyên.

    "Các dự án khai thác trữ lượng bauxite làm nảy sinh một số mối quan tâm môi trường và cũng đặt ra thách thức quan trọng về vận chuyển, bao gồm sự cần thiết xây dựng một cảng vận chuyển mới," vẫn theo bức điện.

    Chính phủ Việt Nam tiếp cận Nhật Bản về phát triển các liên kết giao thông vận tải cần thiết. Và khi Nhật Bản từ chối, Chính phủ Việt Nam nói có thể nước này sẽ chuyển sang Trung Quốc.

    "Nhật Bản đang tìm kiếm một mối quan hệ gần hơn với Việt Nam và không tin rằng ông Mạnh là lãnh đạo thân Trung Quốc nhất trong Chính phủ Việt Nam"

    Đại sứ Nhật Bản ở VN, Mitsuo Sakaba
    Đối với việc chế biến quặng bauxite, đại sứ Sakaba cho biết các công ty Nhật Bản "không quan tâm và Nhật Bản sẽ không cung cấp hỗ trợ phát triển" cho lĩnh vực này. Thế nhưng Nhật có thể xem xét tài trợ thông qua Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).

    Khi được hỏi về Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nông Đức Mạnh, trước chuyến thăm của ông này tới Nhật Bản vào thời điểm đó, đại sứ Sakaba cho biết:

    "Nhật Bản đang tìm kiếm một mối quan hệ gần hơn với Việt Nam và không tin rằng ông Mạnh là lãnh đạo thân Trung Quốc nhất trong Chính phủ Việt Nam."

    Ông Mạnh từng đến thăm Nhật Bản vào năm 2002 với tư cách Tổng Bí thư Đảng và Nhật Bản theo vị đại sứ tin rằng "Đây là thời điểm tốt để giao thiệp với ông ấy, trong khi ông đang xem xét người kế vị có thể có trước khi ông Mạnh nghỉ hưu vào năm 2011."

    Đại sứ Sakaba cũng cho biết Nhật Bản hy vọng rằng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm Nhật Bản vào tháng Năm năm 2009.

    Tài trợ phát triển

    Về vấn đề cấp vốn tài trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, đại sứ Sakaba nói rằng Nhật Bản khi đó có bốn dự án với tổng trị giá 900 triệu USD đã sẵn sàng cho ký kết, trong đó có một dự án để khởi động một hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội.

    Ông Sakaba cho Đại sứ Mỹ hay: "Những đề xuất này đã được sẵn sàng khi Nhật Bản đình chỉ ODA hồi tháng Tám năm trước, và hy vọng nối lại vào Tháng Ba."

    Sau vụ cáo buộc quan chức Việt Nam nhận hối lộ của một hãng Nhật Bản, Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI), với số lượng lớn, đã có sự điều chỉnh trong chiến thuật cấp ODA của Nhật cho Việt Nam.

    "Các dự án mới sẽ cần phải đáp ứng một số các điều kiện mới," bức điện tín về cuộc trao đổi khi ăn trưa giữa hai vị đại sứ Nhật Bản và Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 26/2/2009 bị rò rỉ ra bởi Wikileaks cho biết.



    Posted by bbc on September 04, 2011 at 12:14:29:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]