Vụ chạm trán Ấn - Trung ở Biển Đông và chính sách hướng Đông của Ấn Độ

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ngày 04.09.2011, 15:20 (GMT+7)
    Vụ chạm trán Ấn - Trung ở Biển Đông và chính sách hướng Đông của Ấn Độ

    SGTT.VN - Bài viết của Ali Ahmed, nhà nghiên cứu tại viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng, New Delhi, Ấn Độ, đăng trên báo Foreign Policy Journal (Mỹ) ngày 4.9.2011. SGTT lược dịch.


    Tàu INS Airavat cập quân cảng Nha Trang, thăm chính thức Việt Nam trong tháng 7.2011.


    Cuộc va chạm mới nhất qua những lời tranh cãi ở Biển Đông, lần đầu tiên liên quan đến Trung Quốc và Ấn Độ. Theo báo Financial Times (Anh) ngày 1.9, vào cuối tháng 7.2011, một tàu hải quân Ấn Độ, chiếc INS Airavat sau khi rời quân cảng Nha Trang của Việt Nam và trên đường tiến vào cảng Hải Phòng đã nhận được tín hiệu yêu cầu giải thích sự hiện diện của tàu trên khu vực biển được cho là của Trung Quốc. Trung Quốc sau đó tuyên bố rằng không có ghi nhận nào về vụ việc này. Việt Nam cũng khẳng định không có thông tin chuyện va chạm như vậy. Câu chuyện này bùng nổ trên báo chí Ấn Độ hơn một tuần sau khi vụ việc xảy ra.

    Ngày 2.9, bộ Ngoại giao Ấn Độ ra thông báo cho biết, vào ngày 22.7, khi chỉ cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý (83km), tàu INS Airavat nhận được điện đàm tự xưng là “Hải quân Trung Quốc” cảnh báo rằng tàu Airavat “đang tiến vào hải phận Trung Quốc”. Tuy vậy do không nhìn thấy tàu hay máy bay nào quanh khu vực đó, nên chiếc INS Airavat tiếp tục hải trình ghé cảng Hải Phòng như đã định. Bộ ngoại giao Ấn Độ cũng bác bỏ thông tin cho rằng có chuyện đối đầu giữa tàu chiến Trung Quốc và Ấn Độ trên biển Đông.

    Sự việc này diễn ra như một chủ đề cần thảo luận trong phương trình chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc, trong đó đằng sau là mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ.

    Sự hiện diện của Ấn Độ trong vùng biển Đông bắt đầu từ những năm 2000 và đó là một phần của chiến lược hướng đến Đông Á và Đông Nam Á (chính sách hướng Đông). Chính sách này có sự phân hoá giữa hai phe: ôn hoà và chủ chiến (diều hâu). Phe diều hâu cho rằng chiến lược này phải được theo đuổi để phá thế bao vây của Trung Quốc đối với Ấn Độ. Còn phe ôn hòa có quan điểm nhẹ nhàng hơn.

    Nét cơ bản nhất ở khu vực là sự thay đổi địa chính trị trong hai thập kỷ qua, đó là một Trung Quốc đang trỗi dậy. Sự suy giảm tương đối của Mỹ đã dẫn đến những lo ngại về an ninh trong khu vực. Ấn Độ đã nâng cao hình ảnh của mình trong khu vực, một động thái được xem như tạo nên một sự cân bằng với Trung Quốc. Thật vậy, ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, trong chuyến thăm "đối thoại chiến lược" gần đây tới Ấn Độ, đã phát biểu: "Khi Ấn Độ nhận lấy một vai trò lớn hơn trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì trách nhiệm của Ấn Độ ngày càng tăng... Tại các khu vực này, vai trò lãnh đạo của Ấn Độ sẽ giúp đỡ trong việc định hình tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ hỗ trợ chính sách hướng Đông của Ấn Độ, và chúng tôi khuyến khích Ấn Độ không chỉ nhìn về phía đông, mà còn phải tham gia và hành động ở khu vực phía Đông".

    Các cuộc tranh luận giữa phe diều hâu và ôn hòa tại Ấn Độ về cơ bản là mức độ gần gũi với Hoa Kỳ và khoảng cách tương ứng từ Trung Quốc. Nó được diễn ra ở hai cấp độ: chiến lược và hoạt động.



    INS Airavat là tàu đổ bộ - tấn công của hải quân Ấn Độ.


    Ở cấp độ chiến lược, có hai quan điểm ở hệ thống an ninh quốc gia. Chủ tịch Uỷ ban cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, K. Shankar Bajpai, lập luận rằng biên giới chiến lược của Ấn Độ kéo dài từ kênh đào Suez đến Thượng Hải, đây là một sự mở rộng so khái niệm trước đó là chỉ kéo dài từ Aden đến Singapore. Trả lời câu hỏi tự đặt ra cho chính mình "Làm thế nào để phát triển ảnh hưởng trong phạm vi biên giới chiến lược của chúng ta?", ông lập luận: "Một lựa chọn mà chúng ta vẫn còn rụt rè là từ Mỹ, cho đến khi chúng ta có thể tự làm nhiều hơn nữa thì chúng ta phải phát triển các quan hệ đối tác, hoặc ít nhất là các hợp tác tình thế".

    Trái lại, cố vấn An ninh quốc gia, ông Shivshankar Menon lại cho rằng vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng tương lai của Ấn Độ chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo lập luận của ông Menon, "Lợi ích của Ấn Độ là rõ ràng trong một trật tự thế giới, với Trung Quốc là một trong những thành viên hợp tác. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi có những thông tin liên lạc tốt hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc và không có sự hiểu lầm về những hành động và động cơ của nhau".

    Ở cấp độ hoạt động, một ý kiến ​​đại diện cho một tổ chức tư vấn có sự tài trợ của quân đội, đã cho rằng, "Đòi hỏi đầu tiên là phải nâng cấp chiến lược quân sự của Ấn Độ để có thể đối địch với Trung Quốc”.

    Đáp lại, Uỷ ban An ninh quốc gia Ấn Độ cho rằng "Mục tiêu của chúng ta là phòng thủ, chứ không phải xâm lăng, trừ khi hành vi đó là cần thiết để ngăn chặn hoặc để bảo vệ Ấn Độ. Chúng ta phải phát triển các phương tiện để bảo vệ chính mình". Và không ngạc nhiên khi bộ Quốc phòng Ấn đang xem xét lại một kế hoạch mua sắm trị giá 25-30 tỷ USD tân trang cho quân đội nhằm đối mặt với Trung Quốc.

    Tóm lại, hai quan điểm trái ngược nhau cho thấy phe diều hâu muốn cảnh giác với Trung Quốc và đặt nặng quan hệ đối tác với Hoa Kỳ; còn phe ôn hòa, hiện đang kiểm soát chính sách của Ấn Độ, lại muốn hợp tác với Trung Quốc và tôn trọng mối quan hệ với Mỹ nhưng lại muốn Ấn Độ "sẽ tiếp tục đi theo con đường riêng".

    Có một quan điểm thứ ba, là các giá trị của châu Á cần được xem xét lại để đưa về một chế độ khoan dung và bất bạo động. Theo góc nhìn này, sự phụ thuộc vào quan điểm thân Tây phương sẽ làm cho tương lai đầy căng thẳng, thay vào đó nên hướng tới một cộng đồng châu Á đầy bản sắc và có tính tương tác cao.

    H.S (theo FPJ)




    Posted by sgtt.vn on September 04, 2011 at 12:33:19:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]