TQ muốn có bạn 'thì đừng ngạo mạn'

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    TQ muốn có bạn 'thì đừng ngạo mạn'
    Cập nhật: 13:03 GMT - thứ ba, 13 tháng 9, 2011

    Hai ngoại trưởng Nhật và Trung Quốc tại Bắc Kinh tháng 4/2011: quan hệ hai nước lớn nhất Đông Á vẫn còn nhiều khúc mắc
    Nhà báo kỳ cựu Frank Ching đăng bài ở Hong Kong nói thái độ kiêu ngạo sẽ không giúp Trung Quốc tăng cường bang giao khu vực.

    Bài trên tạp chí Kinh tế Hong Kong ngày 8/9 vừa qua có tựa đề "Kiên nhẫn, không kiêu căng, sẽ giúp Trung Quốc có bạn châu Á", và nhắc lại lịch sử để cảnh báo Bắc Kinh.

    Các bài liên quanTQ công bố Sách TrắngTân thủ tướng Nhật nói về quan hệ với TQÔng Noda nắm đảng cầm quyền Nhật
    Theo ông Frank Ching, Nhật Bản hồi thế kỷ 19, giống như Trung Quốc ngày nay, đã chịu sức ép từ các nước Phương Tây.

    Đây l̀a bối cảnh một nước châu Á đang vươn lên phải tính toán nhiều trong quan hệ với thế giới bên ngoài và các nước láng giềng.

    Nhưng thay vì đánh trả Phương Tây, Nhật Bản đã tự chuyển mình, và trở thành một nước như châu Âu, dù về địa lý là ở châu Á.

    Nhưng Nhật Bản cũng dẫm chân vào con đường đế quốc, đè nén các dân tộc châu Á, theo đánh giá của ông Frank Ching.

    Nhật Bản đã đánh Trung Quốc, nước yếu hơn và sau đó chọn theo phe Trục (Đức và Ý) thời Thế Chiến 2.

    Sự lựa chọn sai lầm này đưa tới chỗ thất bại và Nhật Bản bị Hoa Kỳ chiếm đóng, rồi ngự trị.

    Nhờ có Mỹ mà lên

    Nhưng vẫn theo ông Frank Ching, "người anh lớn Hoa Kỳ đã giúp Nhật lập ra định chế dân chủ và hồi phục từ đống tro tàn".

    Kinh tế Nhật lớn mạnh tới mức thách thức chính nước Mỹ nhưng Tokyo luôn đứng về phía các nước Phương Tây để chống lại chủ nghĩa cộng sản, dù về địa lý Nhật ở châu Á.

    Nay, theo ông, Trung Quốc vẫn đang nằm chính giữa trung tâm châu Á và các nước tại châu lục này "không thể làm gì thiếu Trung Quốc", kể cả khi họ đã từng về theo Hoa Kỳ chống lại chính quyền cộng sản ở đây sau Chiến tranh Triều Tiên.

    Trung Quốc cũng chiếm vị trí là bạn hàng lớn nhất của Hoa Kỳ, vốn từng do Nhật Bản nắm giữ tại châu Á cho tới 2007.


    Nhật Bản công bố ảnh hồi tháng 8/2011 về tàu tuần tra của họ (dưới) theo dõi thuyền cá Trung Quốc (trên) gần đảo Điếu Ngư/Senkaku
    Trung Quốc cũng có cơ hội khiến Nhật Bản phải chia tâm sẻ trí, chọn châu Á hay Hoa Kỳ.

    Đề nghị về Cộng đồng Đông Á của đảng Dân chủ Nhật Bản nêu ra năm 2009 gây bối rối cho Hoa Kỳ.

    Nhưng ông Frank Ching cho rằng sau đó Trung Quốc đã tự hại mình trong chính sách về bán đảo Triều Tiên và quan hệ với Nhật Bản, khiến Tokyo lại xoay về phía Hoa Kỳ.

    Theo ông, trong hai năm qua, sai lầm của Trung Quốc khiến đảng Dân chủ Nhật vốn chưa bao giờ "thân Mỹ" nay nhấn mạnh đến liên minh truyền thống đó.

    Dù sức nặng kinh tế luôn thúc đẩy giới doanh nhân Nhật hướng về Trung Quốc nhưng chính Bắc Kinh khiến Tokyo quay đi.

    Theo ông Frank Ching, Trung Quốc hay có thái độ "muốn là phải được" và khi ông Yoshihiko Noda vừa chân ướt chân ráo lên làm thủ tướng, Bắc Kinh đã đòi Nhật "phải tôn trọng các quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc".

    Gần đây, chính Trung Quốc mạnh mẽ mở rộng định nghĩa quyền lợi cốt lõi (core interests) trong quan hệ với các nước trong vùng.

    Tác giả cảnh báo nếu Trung Quốc vẫn cứ để cho tình hình tự trôi theo dòng chảy tự nhiên thì các nước trong vùng có thể chấp nhận vị thế cường quốc dẫn đường của Trung Quốc trong vùng.

    Nhưng sự ngạo mạn và đe dọa sẽ không giúp Trung Quốc kiếm thêm bạn, và chắc chắn là không có thêm bạn ở Nhật, ông Frank Ching kết luận.

    Bấm Frank Ching, tốt nghiệp đại học Colombia, Hoa Kỳ và từng làm ký giả cho Tạp chí Kinh Tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review) và viết nhiều bài báo, sách nghiên cứu về châu Á, gồm cả chủ đề Việt Nam và Hoàng Sa-Trường Sa.



    Posted by bbc on September 13, 2011 at 19:36:59:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]