TQ không muốn Ấn Độ vào Biển Đông?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    TQ không muốn Ấn Độ vào Biển Đông?
    Cập nhật: 12:51 GMT - thứ năm, 15 tháng 9, 2011

    PetroVietnam đã cùng các đối tác nước ngoài khai thác khí tại Nam Côn Sơn từ nhiều năm nay
    Bắc Kinh cảnh cáo các công ty dầu khí nước ngoài không được 'can dự vào cuộc tranh chấp Biển Đông' sau khi có tin trên báo Ấn Độ nêu ra chuyện tập đoàn ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ vào khai thác lô 127 và 128 ở Biển Đông.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phản hồi hôm 15/9 vào lúc Ngoại trưởng Ấn Độ sang thăm Việt Nam và phái đoàn hai bên có hội đàm về quân sự cấp thứ trưởng tại Hà Nội.

    Các bài liên quanTrung Quốc bác tin vụ đối đầu với tàu Ấn Mỹ kêu gọi hợp tác sau vụ tàu Trung-ẤnHình ảnh nhà tranh đấu Anna bán chạy ở Ấn Độ
    Chủ đề liên quanNgoại giao Việt Nam, Trung Quốc, Tranh chấp lãnh thổBà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo thứ Năm ở Bắc Kinh nói bà không rõ về tầm vóc vụ việc mà báo Hindustan Times nêu ra nhưng nhắc lại "chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp".

    Theo bản tiếng Anh của các hãng thông tấn trích đăng, bà Khương Du nói: "Quan điểm của chúng tôi luôn nhất quán rằng Trung Quốc phản đối mọi quốc gia khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Chúng tôi hy vọng các công ty nước ngoài không can dự vào tranh chấp biển Nam Trung Hoa".

    Tờ báo Ấn Độ cũng chạy tin mà BBC chưa kiểm chứng được nói rằng chính phủ ở Dehli "bác bỏ phản đối của phía Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý".

    Vẫn tờ báo này trích nguồn họ nói là của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói "Việt Nam có chủ quyền tại hai lô 127 và 128, căn cứ vào Luật biển 1982".

    Dù một số hãng thông tấn đều chạy lại tin này ngày 15/9, chưa có nguồn chính thức nào từ Việt Nam hoặc Trung Quốc bình luận về chuyện về hoạt động của công ty Bấm ONGC Videsh vốn đã có từ lâu ở Việt Nam.

    Tuy BBC chưa kiểm chứng được tin trên báo Ấn Độ, tờ Hindustan Times, nói rằng "Trung Quốc đã gửi lời phản đối chính thức" đến chính phủ Ấn Độ nhưng việc ONGC Videsh Ltd (OVL) khai thác khí tại Nam Côn Sơn không phải là mới.

    Trang web của OVL, một tập đoàn nhà nước của Ấn Độ, nói họ đã cùng BP và PetroVietnam khai thác khí tại lô 06.1, bãi Lan Tây từ 2003, theo sau biên bản ghi nhớ ký với phía Việt Nam từ 1999.


    ONGC Videsh là tập đoàn của nhà nước Ấn Độ, hoạt động với nhiều đối tác nước ngoài
    Vào tháng 6/2007 có tin BP của Anh rút khỏi dự án khai thác gần Trường Sa vì tranh chấp Trung - Việt về vùng biển này.

    Tại lô 128, OVL chiếm 100% cổ phần, với khoản đầu tư 46 triệu USD cho đến hết tháng 3/2011 và trang web của họ nói công ty này dự tính khoan trở lại tại lô 128 vào năm 2012.

    Trên bản đồ của OVL, cả bãi Lan Tây và lô 128 nằm xa về phía Nam các mỏ Bạch Hổ và Đại Hùng mà Việt Nam đang khai thác.

    Câu chuyện được chú ý trong bối cảnh quan hệ Ấn - Việt đang tiến triển mạnh và căng thẳng tại vùng biển Đông Nam Á chỉ tạm thời lắng xuống sau hai năm đầy biến động.

    'Quan hệ nồng thắm'

    Tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông S M Krishna có chuyến thăm Việt Nam bốn ngày, từ 15 đến 17/9.

    Ông Krishna và người tương nhiệm Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Bình Minh dự kiến sẽ hội đàm về quan hệ kinh tế, an ninh và quân sự tại Hà Nội, theo các báo Ấn Độ.

    Ngoài ra, họ cũng bàn về việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á vào tháng 11 năm nay với sự tham gia của 18 nước, gồm cả Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc.
    Trong vòng những năm qua, Hà Nội và Dehli đã có năm cuộc Đối thoại Quốc phòng Chiến lược và cuộc họp lần thứ sáu đã diễn ra hôm qua 14/9.

    Tại Hà Nội hôm thứ Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Ấn Độ Shashi Kant Sharma đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng.


    Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna thăm Hà Nội từ ngày 15-19/9
    Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, hai bên nói đã đạt đồng thuận về một lộ trình, cơ chế và các biện pháp để hợp tác về không quân, hải quân, bộ binh và công nghệ quốc phòng.

    Được biết ông Shashi Kant Sharma cũng đã thăm Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam trước khi có lịch thăm tư lệnh không quân và hải quân Việt Nam.

    Ngoài tập trận chung, Ấn Độ đã giúp Việt Nam huấn luyện quân sự và cung cấp phụ tùng cho tàu chiến và tên lửa, loại do Nga sản xuất.

    Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Dehli và Hà Nội có quan hệ nồng thắm qua tình bạn giữa các lãnh đạo hai bên như các thủ tướng Jawaharlal Nehru, Indira Gandhi với các lãnh tụ Hồ Chí Minh và sau là Phạm Văn Đồng của Việt Nam.

    Trong thời gian Hoa Kỳ và Trung Quốc lên án Việt Nam đóng quân tại Campuchia, Dehli vẫn ủng hộ Hà Nội bằng hai chuyến thăm cao cấp, của Thủ tướng Rajiv Gandhi, con trai bà Indira Gandhi, vào năm 1985 và 1987.

    Sau Chiến tranh Lạnh, khi cả hai nước từ bỏ nền kinh tế kế hoạch kiểu Liên Xô và mở cửa thị trường, mối quan hệ ấm áp bao gồm cả những hợp tác về kinh tế và quân sự được thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao.

    Thủ tướng Narasimha Rao của Ấn Độ sang thăm Việt Nam hồi năm 1994 và Thủ tướng Vajpayee tới Hà Nội năm 2001.

    Giữa các chuyến thăm đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Delhi năm 1999 và hai nước đã ký kết một loạt hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, khoa học và công nghệ cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân vì cho mục tiêu dân sự.

    Việt Nam cũng luôn ủng hộ việc Ấn Độ muốn có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an.

    Trong chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam trong tuần này Ngoại trưởng Ấn Độ cũng sẽ khai trương Trung tâm Nguồn lực Tiên tiến chuyên về đào tạo công nghệ thông tin mà Ấn Độ giúp lập ra ở Hà Nội.


    Posted by bbc on September 16, 2011 at 10:13:16:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]